Lạ hoá theo lối dựng hoàn cảnh phi thực tế

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu phẩm lê thị liên hoan (Trang 66)

8. Đóng góp của luận văn

3.1.3Lạ hoá theo lối dựng hoàn cảnh phi thực tế

Trong tiểu phẩm của Lê Thị Liên Hoan, không gian và thời gian nghệ thuật không phải lúc nào cũng là không gian thật và không phải hoàn cảnh nào cũng diễn ra trong đời sống. Tuy vậy, những câu chuyện phi thực tế được dựng nên nhưng không làm người đọc có cảm giác giả tạo, mà trái lại, những hoàn cảnh phi thực tế ấy càng chứng tỏ được sức hút của nó đối với độc giả.

Trước hết, có thể xem mọi hoàn cảnh thuộc thế giới siêu hình, siêu nhiên, với nhân vật là thần thánh, ma quỷ được dựng lên, đều là hoàn cảnh phi thực tế. Như trong tiểu phẩm Giật

mình, các nhân vật đều là thần tiên và sống trên thiên đình dưới sự cai quản của Thượng đế. Mượn chuyện không có thật, tác giả gửi gắm những thông điệp rất liên quan đến đời sống con người:

Thiên đình ít lao động, lười học tập, ngại nâng cao kiến thức, tồn tại phần lớn dựa vào kinh nghiệm mấy ngàn năm, là mảnh đất để mê tín dị đoan phát triển.

Đời sống văn hóa nghèo nàn: Quanh đi quẩn lại chỉ có thưa, bẩm, tiệc tùng, hội hè nên các tiên ông tiên bà nảy sinh tâm lí ham vui chuộng lạ.

Một số ma quỷ nhờ vào việc giả mạo những người nổi tiếng như giáo sư, văn sĩ, bác sĩ tới nhiều vùng của thiên đình hẻo lánh xa xôi lừa đảo kiếm ăn dễ dàng. Một số khác nhờ kinh doanh hàng thờ cúng như quần áo bảo hộ, giấy bút học sinh, kính, cặp trí thức phất lên nhanh chóng.

[21; trang 147 – 148] Một biến thể khác của lối tạo dựng hoàn cảnh phi thực tế là loạt bài phỏng vấn đồ vật phỏng vật con vật mà tác giả đã dày công tạo dựng. Những tựa đề như Phỏng vấn con mèo [20; trang 27 – 32], Phỏng vấn một con tê giác [20; trang 71 – 75], Phỏng vấn cánh diều

[20; trang 94 – 99], Phỏng vấn một cái máy bay [20; trang 117 – 121], Phỏng vấn Chảo [20; trang 144 – 147]…ngay lập tức thu hút người đọc bởi nó đã biến điều không thể thành có thể (ít nhất là trên mặt giấy). Về mặt lí trí, bất kì ai cũng hiểu rằng đây chỉ là thủ pháp dàn dựng của tác giả, nhưng người đọc khó có thể phủ nhận đây là một sự sáng tạo độc đáo của Lê Thị Liên Hoan không lặp lại ở bất kì tác giả nào khác. Trong loạt phỏng vấn này, người (hay vật) được hỏi sẽ trả lời thẳng thắn những gì phóng viên quan tâm. Không chỉ trả lời,

nhân vật còn giải thích, chứng minh, bình luận và tỏ rõ thái độ yêu – ghét của mình đối với vấn đề. Nhân vật tận dụng hoàn cảnh kì lạ của mình để gây bất ngờ cho người đọc. Như trong một tiểu phẩm, tác giả thể hiện lòng yêu mến của mình với tập Đào ở xứ người của Nguyễn Văn Thọ thông qua lời tâm sự của một bông hoa đào:

Hoa: Tác giả chỉ yêu đất nước, vậy thôi. Không gửi, không nhắc và không bắt ai yêu theo cả. Như tôi đã nói, Thọ không tranh luận. Anh đau, anh buồn, anh vất vả một cách hồn nhiên. Thành ra với tôi, anh thật đáng quý.

[20; Phỏng vấn một bông hoa đào; trang 137] Đó là tình cảnh dương tính, còn chủ yếu, tác giả dùng tình cảm âm tính để thể hiện những suy nghĩ của nhân vật. Phê phán những cuộc họp mặt lãng phí thời gian, Lê Thị Liên Hoan để một chiếc máy bay nói tên tâm sự của bản thân:

Máy bay: Dù muốn hay không muốn, quá khứ cũng là cái qua rồi. Nói theo khoa học, quá khứ không thể thay đổi được, dù có đầu tư cho nó bao nhiêu đi chăng nữa. Cho nên việc lục lại quá khứ một cách quá kĩ, quá cẩn thận và quá chi tiết thì theo tôi, nếu không dám bảo là việc xấu thì cũng không nên dành hầu hết thời gian và không gian vào đó.

[20; Phỏng vấn một chiếc máy bay; trang 120 – 121] Không dừng lại ở đó, Lê Thị Liên Hoan còn sáng tạo thêm nhiều tình huống khác có tính bất thường như: Sự xuất hiện của những căn bệnh lạ, những món ăn quái gở, sự ra đời của những chỉ thị kì quặc. Châm biếm sự cả tin đến đáng thương của con người khi không biết sàng lọc thông tin, tác giả tưởng tượng cảnh ruồi và muỗi cũng có thể thành món ăn chống ung thư sau nhiều lời đồn đại vô căn cứ:

Chưa khi nào, chưa ở đâu, câu châm ngôn “ruồi ít người nhiều” lại trở nên sâu sắc đến thế. Thanh niên nam nữ yêu nhau tặng nhau nhẫn hay dây chuyền kết bằng hột ruồi. Đám cưới nào sang có bánh kem ruồi, còn gia đình nào giàu có xào vài kí ruồi khô cất trong tủ”

[…]

Lượng muỗi trong nước giảm đi từng giờ. Bắt đầu xuất hiện muỗi nhập lậu. Thủ đoạn của bọn buôn lậu muối thật tinh vi: Buộc muỗi vào bụng, cài muỗi lên tóc, có những tên nham hiểm còn nuốt cả từng hộp muỗi vào ruột.

Những hoàn cảnh khó tin còn tiếp tục xuất hiện trong nhiều tiểu phẩm như Đơn xin ngu,

Giấc mơ ngoại tình, Đổi tên dân, Lịch sử nước tương, Kính dị dạng…Người đọc hoàn toàn

hiểu rằng đó là những câu chuyện không hề có thật nhưng lại rất thú vị, sáng tạo. Trong lối lạ hóa này, Lê Thị Liên Hoan cũng chú ý đến việc kết hợp nó với thủ pháp cường điệu. Câu chuyện được đẩy đến mức độ cao nhất của sự vô lí nhưng vẫn chứa đựng nhân tố có lí và hợp lí thuyết phục được người đọc.

Có thể thấy, vượt lên trên mọi sắp xếp trong tiểu phẩm, Lê Thị Liên Hoan thực sự tạo được một không khí dẫn chuyện tự nhiên, linh hoạt. Tuy câu chuyện kể ra có thể “bảy phần hư, ba phần thực” nhưng vẫn có mạch ngầm liên kết giữa các yếu tố trong tiểu phẩm:

Về đề tài: Bám sát những đề tài hàng ngày, đang được xã hội quan tâm. Hoàn cảnh kì lạ

chỉ là một cách thức thể hiện đề tài.

Về ngôn ngữ nhân vật: Gắn cho nhân vật những cá tính không thể lẫn thông qua lớp

ngôn ngữ mà họ sử dụng (ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ trí thức…). Dù cách dựng tiểu phẩm có kì lạ đến đâu, các nhân vật vẫn đại diện cho những tầng lớp người nhất định và đại diện cho lối sống, suy nghĩ, hành động của tầng lớp đó.

Về nghệ thuật châm biếm:Tạo ra tiếng cười từ những điều mâu thuẫn nhất, đó là sự mâu

thuẫn từ trong bản chất, không phải là những mâu thuẫn chỉ có tính chất bề ngoài.

Trên đây là ba biểu hiện đặc trưng của thủ pháp lạ hóa được sử dụng trong tiểu phẩm của Lê Thị Liên Hoan. Có thể tóm tắt tác dụng của thủ pháp này như sau:

Thứ nhất, thủ pháp lạ hóa tuy không mới nhưng rất hữu ích đối với tiểu phẩm nói chung và tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan nói riêng. Nó đánh vào tâm lí yêu thích cái lạ của người đọc. Sự lạ hóa không chỉ làm tiểu phẩm thêm lạ về nội dung và ngay trong hình thức biểu hiện cũng có ít nhiều đổi khác.

Thứ hai, chính quá trình “lạ hóa” một tiểu phẩm lại khơi nguồn cho những sáng tạo tiếp theo của chính tác giả. Sự lạ hóa trong tiểu phẩm này là ý tưởng cho tiểu phẩm kia tạo nên sự tương tác ngầm giữa hệ thống các tiểu phẩm.

Thứ ba, tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan thường có tính đa mục đích hoặc đa đối tượng. Chính vì vậy, nếu câu chuyện được kể ra không có gì mới mẻ, không có những lớp ý nghĩa cùng song song tồn tại hoặc song song xuất hiện thì rất khó để truyền tải hết những gì tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc. Một trong những lớp ý nghĩa đó được tạo ra bởi sự lạ hóa.

Tất nhiên không thể phủ nhận rằng, bên cạnh thủ pháp lạ hóa, còn rất nhiều thủ pháp khác được Lê Thị Liên Hoan vận dụng có hiệu quả. Nhưng nếu nhìn nhận theo một cách khách quan nhất, thủ pháp này vẫn tồn tại những vấn đề nhất định.

Trước hết, có những tình huống phi lý rất đáng suy ngẫm nhưng không ít tình huống phi lí không gợi lên nhiều điều, ngoại trừ sự phi lí của nó. Và có những tiểu phẩm. tác giả để lộ sự sắp xếp không khéo, khiến cho người đọc nhận ra tính chất không thật của tiểu phẩm. Khoảng cách giữa cái thật và không thật có thể được xóa mờ nhưng cũng có thể bị đẩy ra xa hơn, ít ra là trên phương diện câu chữ. Sự nhiệt tình và thông minh của tác giả đôi lúc lại khiến những vấn đề tưởng như đơn giản trở nên phức tạp không cần thiết.

Đây không hẳn là một nhược điểm quá lớn, bởi bên cạnh những lỗi này, Lê Thị Liên Hoan vẫn cho ra những trang tiểu phẩm sâu sắc, có tầm và xứng đáng nhận được sự quan của đông đảo độc giả.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu phẩm lê thị liên hoan (Trang 66)