8. Đóng góp của luận văn
2.1.1. tài tình yêu
Trong số đó, đề tài về tình yêu được Lê Thị Liên Hoan viết kĩ, viết đều và có nhiều dụng công. Với văn học nói chung, tình yêu thường gắn với sự lãng mạn. Nhưng Lê Thị Liên Hoan có cách tiếp cận khác, tất nhiên, vẫn giữ được phong cách riêng của thể loại tiểu phẩm.
Tác giả đã đứng dưới góc nhìn đặc điểm giới tính, góc nhìn xã hội để xây dựng nên hình tượng những nhân vật đang yêu nhau với những câu chuyện kì lạ xảy ra quanh họ. Tuy nhiên, tình yêu được thể hiện thêm một bước nữa qua bút pháp trào lộng của tác giả, mà sự thể hiện đó mang lại một hiệu quả không ngờ.
Lê Thị Liên Hoan đặc biệt chú ý đến lời giới thiệu, những câu mở đầu có tính khoa trương, gợi tò mò: “Quen Tèo nhiều năm, tôi không hề lo lắng lắm về chuyện học thức hay
trí tuệ của nó, nhưng về tình cảm thì khác. Bao lâu nay Tèo vẫn cô đơn. Vậy mà đùng một cái, Tèo có bồ. Nó trở nên thay đổi hoàn toàn. Năng tắm rửa, năng thay quần áo và chú ý tới giá của các loại hoa”. [19; Tình yêu bong bóng; trang 142]. Tác giả cũng đặc biệt dành cảm tình cho phái nữ, trong tiểu phẩm của ông, họ thông minh và khôn ngoan hơn nam giới. Nam giới thường có những suy nghĩ nông cạn trong khi mỗi hành động của người phụ nữ đều có tính toán, mang tính lợi ích cao. Giọng văn của tác giả bình thản, nhưng chua cay, gợi suy nghĩ.
Quy luật tình yêu mà tác giả gửi gắm thường có chung một motif: Chàng trai tìm mọi cách để chinh phục cô gái, cuối cùng vì một hoàn cảnh khách quan hay chủ quan nào đó (có
tính chất nực cười) mà họ không thể đến được với nhau. Đây không phải là kiểu kết cấu quá mới lạ hay sáng tạo, nhưng lại được tác giả biến hóa dưới nhiều dạng thức.
Sự chọn lựa của tác giả tất nhiên là có chủ đích. Nếu xem các chàng trai là (A), các cô gái là (B) thì:
(A) (B)
Yêu chân thành Xinh đẹp, giỏi giang, có sức hút Có phần nông nổi, cả tin Không thể bị chinh phục
Sự tương tác qua lại giữa các yếu tố này làm bật ra tiếng cười. Điều thú vị là các nhân vật hầu như không chạm đến một tình yêu lí tưởng. Tình yêu trong tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan đều gặp trục trặc theo một kiểu, một dạng nào đó. Tác giả cố tình tạo ra sự khập khiễng từ vị thế của các nhân vật. Tính cách thiếu tự tin ở người đàn ông được Lê Thị Liên Hoan đưa vào những tình huống ngặt nghèo khiến cho bản chất ấy càng được bộc lộ rõ.
Trong cách xây dựng nhân vật tiểu phẩm thuộc đề tài tình yêu, điều đáng nói ở Lê Thị Liên Hoan chính là một ngòi bút phân tích tâm lí rất nhạy cảm. Tác giả muốn đưa đến cho người đọc một cảm giác chân thực nhất trong những câu chuyện giả tưởng nhất. Các nhân vật hầu hết đều trải qua những giây phút bất ngờ, nếu không muốn nói là đầy kịch tính.
Không vượt ngoài giới hạn của tiểu phẩm, tình yêu được Lê Thị Liên Hoan kể trong những câu chuyện rất ngắn, những lát cắt rất nhỏ của đời sống. Tất cả các tình tiết thường được gói gọn trong những lời đối thoại hoặc những miêu tả:
Tôi sung sướng quá, bàng hoàng quá khi phát hiện ra rằng phụ nữ có thể yêu ta từ những lí do ta không thể ngờ tới, rất độc đáo và khác thường […] Thế nhưng đùng một cái. Kẻ kia xuất hiện. Một kẻ tầm thường, thô lỗ và nặng nề. Hắn thua tôi về mọi mặt, chỉ trừ một điều, hắn xức một thứ nước hoa rất kì quái. Nó là sự kết tinh của hoa ti-gôn, hoa ngọc lan và nước rửa chén cộng với mỡ trong da mèo. Nó tỏa ra một mùi hương mê muội và tàn phá.
[18; Mùi hương; trang 196] Tình yêu là khao khát của mỗi con người. Lê Thị Liên Hoan luôn nhường cho các nhân vật nam thể hiện khao khát đó. Là một người đàn ông, hơn ai hết, tác giả hiểu được những tâm sự này. Chính vì khao khát được yêu và thể hiện tình yêu mà các nhân vật tự đẩy mình vào những tình huống dở khóc dở cười, thậm chí rất đáng thương hay đáng trách.
Tình yêu được đặt trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể, khi giá trị vật chất trở thành một trong những thước đo của tình cảm. Thông qua những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ bé,
lẻ tẻ, tác giả đã khái quát lên được những biểu hiện khác nhau, đa dạng, phức tạp của tình cảm con người. Cô gái tên Thư ngỡ đã gặp được người mình mong đợi bấy lâu nay, nhưng thật ra đó chỉ là một bức tượng, còn người xấu xí ngồi bên cạnh cô chính là người thợ làm ra bức tượng ấy. Những nghịch lí trớ trêu đến khó tin như vậy vẫn được thể hiện khéo léo, làm người đọc bật ra tiếng cười và suy ngẫm.
Trong tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan, tình yêu còn gắn liền với nhiều vấn đề thời sự hiện nay. Chẳng hạn, nhân vật nam trong tiểu phẩm Món hàng hạnh phúc đã rất lo sợ khi người yêu tự nhiên biến mất. Đến khi xuất hiện, cô gái giải thích: “Em lên xe đò về đây. Đi ra khỏi
bến, xe đò bán cho xe khách, đi vào chục phút, xe khách bán em cho xe liên tỉnh, đi vài chục phút nữa, xe liên tỉnh lại bán em cho xe tốc hành. Cứ như thế, hành khách bị bán năm, sáu lần mới tới nơi được.” [18; trang 153]. Câu chuyện tình yêu lúc này không chỉ của hai người mà trở thành câu chuyện chung. Nhiều độc giả nhận ra mình chính trong những tiểu phẩm như vậy. Tình yêu ngay giữa thời đô thị hóa mạnh mẽ là tình yêu phải chịu nhiều sự đánh đổi, về thời gian, công sức, tiền bạc. Tình yêu được nhìn nhận dưới một góc độ khác hài hước hơn, thực tế hơn.
Như vậy, cơ bản, ở đề tài này, Lê Thị Liên Hoan muốn đi tìm những tình huống độc đáo, làm mới quan niệm tình yêu vốn đã quen thuộc. Đặc biệt, tác giả luôn ngầm nhắc nhở chúng ta đừng vì những lợi ích mù quáng mà bán rẻ tình yêu hay nhân danh tình yêu để chạy theo vật chất. Một điều dễ nhận ra là các nhân vật của Lê Thị Liên Hoan có thể đau khổ vì tình yêu nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng. Họ luôn có một niềm tin rằng nhất định hạnh phúc thật sự sẽ đến dù có muộn màng. Chính suy nghĩ tích cực này làm nhiều tiểu phẩm vừa hài hước lại vừa xúc động. Người đọc đồng cảm với nhiều người không may mắn trong chuyện tình cảm và thấy được những chia sẻ của tác giả là điều cần thiết và đáng quý.
Với tiểu phẩm viết về đề tài tình yêu, Lê Thị Liên Hoan thêm vào rất nhiều những đặc trưng riêng trong phong cách cá nhân, không lẫn với các tác giả khác. Cách nhà văn đặt và giải quyết vấn đề tạo nhiều bất ngờ ngay cả với những người thường xuyên đọc tiểu phẩm của ông.