8. Đóng góp của luận văn
2.3.2. Sự bùng nổ của các cuộc thi và những đợt bình chọn
Trong nghệ thuật, không giá trị nào là bất biến. Trải qua hàng trăm năm, những quan niệm về văn hóa, nghệ thuật cũng thay đổi để kịp thích ứng với thời đại, đồng thời, có thể kiến tạo ra những giá trị mới tương ứng với những quá trình phát
triển ấy.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, những giá trị nghệ thuật mới, đứng dưới góc độ mĩ học, nghệ thuật học là một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, để xây dựng được cái mới trong nghệ thuật là một quá trình không hề đơn giản. Vấn đề cái mới trong nghệ thuật xuất hiện ở tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan tạo được tiếng nói riêng, có tính mục đích và tính xây dựng.
Đối với âm nhạc, Lê Thị Liên Hoan nêu lên nhiều hiện tượng không hay trên những sân khấu ca nhạc hiện nay. Chẳng hạn, cô ca sĩ nông thôn được phát hiện từ một cuộc thi đã được làm mới bằng công nghệ đào tạo ca sĩ nửa vời, chạy theo lợi nhuận, phục vụ thị hiếu âm nhạc của một bộ phận những người rất kém về thẩm mĩ nghe nhìn: “Và thế là con bước
hẳn vào nghệ thuật. Nếu má và các em có lên Sài Gòn thì cứ tìm chỗ nào buổi tối kẹt xe, có tiếng thình thình và xoảng xoảng là con đang đứng sau cánh gà ở đó”. [19; Thế là con bước vào nghệ thuật; trang 4]. Cũng không thể phủ nhận có những cuộc thi tiếng hát truyền hình quy mô lớn, tuy nhiên hiệu quả mà những chương trình này mang lại không được đánh giá cao: “Quan trọng là ai thi cứ thi, ai chấm cứ chấm, ai xem cứ không tin nổi vào mắt và tai mình. Đấy là thành công lớn lao nhất, là hậu quả không nên phủ nhận và thành tựu không dễ lu mờ” [21; Cuộc thi tiếng hát tàng hình; trang 55].
Tác giả đứng trên góc độ một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để nhìn nhận nền âm nhạc nước nhà. Từ nhạc thị trường đến nhạc hàn lâm đều có vần đề cần xem xét, không chỉ trên bề nổi mà ngay cả những vấn đề được phủ lấp bên trong.
Âm nhạc, từ xưa đã có một vị thế lớn lao trong quá trình phát triển của văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, với mỗi đất nước, trong mỗi giai đoạn, nền âm nhạc ấy lại biểu hiện những vấn đề không giống nhau, thậm chí gây tranh cãi.
Các giải thưởng âm nhạc cũng dần dần được chú ý hơn trước. Tuy vậy, không phải giải thưởng nào cũng phản ánh đúng thực lực của người nghệ sĩ. Lê Thị Liên Hoan đã hài hước hóa những danh mục giải thưởng:
Album kim cương được giới in lậu in nhiều nhất […] Album kim cương có thời gian xin giấy phép lâu nhất […] Album kim cương có ban nhạc chơi nhầm nhiều nhất […] Album kim cương có nhiều bài hát giống nhau nhất […]…”
Cứ như thế MC đọc tên hai trăm mười bốn giải thưởng, đến mức có nhiều ca sĩ phải lên sân khấu đến ba lần, có người kiệt sức phải ủy quyền hoặc thuê kẻ khác lên nhận.
[21; Album kim cương; trang 97 – 98] Giải thưởng không còn là nơi vinh danh mà trở thành nơi quảng cáo, nơi phô trương là chủ yếu. Người xem không định hình được ban tổ chức dựa trên tiêu chí nào để trao giải hay đó chỉ là sự sắp xếp ngẫu nhiên, nực cười.
Tiếng cười bật ra từ tên gọi các giải thưởng, tên ca sĩ, sự trớ trêu của những tình huống dở khóc dở cười mà họ gặp phải. Lê Thị Liên Hoan, trong những tiểu phẩm dạng này, ngoài tiếng cười châm biếm, còn có tiếng cười xót xa, khi nghệ thuật bị lợi dụng cho những mục đích phi nghệ thuật. Đây là một trong những vấn đề nóng được nhiều phương tiện truyền thông phản ánh. Bằng sức mạnh của tiểu phẩm, Lê Thị Liên Hoan đưa ra những cách lí giải của riêng mình về sự náo loạn trong thị trường âm nhạc hiện nay.
Bên cạnh âm nhạc, những cuộc thi hoa hậu cũng được tác giả nhấn mạnh. Từng được làm giám khảo trong một vài cuộc thi của những người đẹp, Lê Thị Liên Hoan có được cái nhìn của người trong cuộc, khi ông nhận thấy rằng không ít cuộc thi được tổ chức với mục đích trục lợi cá nhân, và không ít hoa hậu, hoa khôi, người đẹp không có đủ phẩm chất cần thiết với danh hiệu mà họ đang nhận. Việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu được nhìn dưới con mắt hài hước, đặc biệt là cách đặt tên cho cuộc thi:
Phong trào được nhân rộng ầm ầm, phát triển từ nông thôn ra thành thị. […] Sau “Hoa hậu sinh viên” lập tức có “Hoa hậu hưu trí”, “Hoa hậu giám thị”, “Hoa hậu sắp ra trường chưa có việc làm”. […] Sau “Hoa hậu đồng bằng” là “Hoa hậu vùng nước mặn”, “Hoa hậu đầm lầy”, “Hoa hậu vùng rừng chưa khai phá” […]. Tiếp theo “Hoa hậu thành phố” rõ ràng “Hoa hậu vùng đang quy hoạch”, “Hoa hậu vùng sắp đền bù”, “Hoa hậu kẹt xe” cũng rất nên tổ chức…
[21; Bùng nổ hoa hậu; trang 63 – 64] Nhiều cuộc thi hoa hậu xuất hiện những biểu hiện sai lệch so với những gì khán giả kì vọng. Chủ yếu, Lê Thị Liên Hoan tiếp cận vấn đề này trên quan điểm không ủng hộ. Hoa hậu là đỉnh cao về cái đẹp của người phụ nữ. Khi cái đẹp gặp phải những rào cản, thậm chí, là những dàn xếp, tất yếu sẽ dẫn đến sự phản ứng từ chính dư luận xã hội, mà cụ thể ở đây là trong các tiểu phẩm. Tương tự như vậy, bình chọn vốn là một hành động biểu hiện sự dân chủ trong cách đánh giá. Tuy nhiên, lợi dụng những cuộc bình chọn vô thưởng vô phạt để trục lợi là một trong những mặt trái vẫn đang tồn tại trong nền nghệ thuật nước nhà. Cũng từ những tiểu phẩm lên án nạn thi sắc đẹp tàn lan này mà tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan nhận được nhiều sự đồng cảm từ độc giả.
Tâm lí chạy theo số đông vẫn là một kiểu tâm lí nặng nề ở Việt Nam. Ngay cả những cuộc thi, những lần bình chọn mà ý kiến cá nhân được cho phép thể hiện, người ta vẫn quyết định theo đại đa số, mặc dù số đông không phải lúc nào cũng đúng. Chính lối suy nghĩ này đã kéo theo nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, trong đó, những thứ giả hiệu được tôn vinh trong khi những giá trị chân chính lại không có chỗ đứng.
Câu chuyện về những cuộc thi vẫn đang được báo chí cập nhật hàng ngày, nhưng với Lê Thị Liên Hoan, ông nhận ra đâu là những cuộc tranh tài thực sự, đâu là trò mua vui đánh lừa thị hiếu khán giả. Sự nhạy cảm nghề nghiệp cộng thêm khả năng sáng tác tiểu phẩm thành thạo đã giúp tác giả phản ánh được thực trạng đáng buồn này qua những trang tiểu phẩm của mình.