VI Quan hệ pháp luật hành chính
4. Cơ sở phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính
Các quan hệ pháp luật hành chính không mặc nhiên sinh ra cùng lúc với quy phạm luật hành chính. Quy phạm luật hành chính là điều kiện cần nhưng chưa đủ để quan hệ luật hành chính xuất hiện. Chúng phát sinh, thay đổi, chấm dứt phụ thuộc vào những hoàn cảnh, điều kiện được quy định trong phần giả định của quy phạm pháp luật hành chính mà nhà làm luật gắn sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt của chúng với sự tồn tại của quy phạm luật hành chính. Đó là những sự kiện pháp lý. Sự kiện pháp lý có thể là hành vi (hành động hay không hành động) hoặc sự biến. Hành vi được chia thành: Hành vi hợp pháp và hành vi không hợp pháp.
Loại hành vi hợp pháp rất đa dạng, có thể là quyết định hành chính hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đó là các quyết định được ban hành phù hợp với yêu cầu của pháp luật nhằm giải quyết những việc cụ thể, liên quan tới chủ thể cụ thể, là phát sinh những hậu quả pháp lý cụ thể. Quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh theo sáng kiến của cơ quan, tổ chức, công dân thể hiện bằng những hành động hợp pháp của họ như đưa đơn yêu cầu, kiến nghị khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Hành vi không hợp pháp là những hành vi không phù hợp, vi phạm các yêu cầu của quy phạm pháp luật hành chính. Đó là các vi phạm hành chính làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính mà nội dung của nó là việc áp dụng đối với cá nhân, hay tổ chức có lỗi các biện pháp cưỡng chế được quy phạm luật hành chính quy định (ví dụ: Các biện pháp trách nhiệm hành chính). Hành vi không hợp pháp rất đa dạng có thể là việc ban hành các quyết định hành chính nhà nước trái pháp luật cùng với hậu quả của sự thi hành quyết định đó (bắt người trái phép, khám nhà ở trái phép v.v...), có thể là hành vi bất hợp pháp dẫn đến sự xuất hiện quan hệ
pháp luật bảo vệ, quan hệ pháp luật về trách nhiệm kỷ luật hoặc quan hệ pháp luật về trách nhiệm hành chính.
Sự biến là những hiện tượng tự nhiên xuất hiện không phụ thuộc ý chí con người, cũng là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính. Nhưng không phải mọi hiện tượng tự nhiên đều là sự kiện pháp lý, chỉ những sự kiện nào được pháp luật quy định. Ví dụ: khi có thiên tai các cơ quan nhà nước được sử dụng một số quyền hạn đặc biệt làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính như khi có bão lụt được trưng dụng nhân lực, gỗ tre... để chống lụt; việc sinh con cũng là sự kiện phát sinh nghĩa vụ bố mẹ đăng ký khai sinh đồng thời với quyền và nghĩa vụ của Uỷ ban nhân dân xã, phường phải làm thủ tục đăng ký hộ khẩu và cấp giấy chứng sinh.
Phần II
Chủ thể của
Chương III
Cơ quan hành chính nhà nước - chủ thể cơ bản của luật hành chính Việt Nam I - Khái quát chung về chủ thể luật hành chính Việt Nam
Để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính, trước hết phải là chủ thể pháp luật hành chính.
Chủ thể pháp luật hành chính là những cá nhân, tổ chức có khả năng trở thành các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính có những quyền và nghĩa vụ pháp lý trên cơ sở những quy phạm pháp luật hành chính. Quan hệ pháp luật hành chính là một loại quan hệ pháp luật, là hình thức thể hiện của quan hệ xã hội, có tính ý chí, do đó chủ thể của pháp luật hành chính chỉ là cá nhân hoặc tổ chức.
Chủ thể pháp luật hành chính được nhà nước trao cho năng lực chủ thể pháp luật hành chính, tức là khả năng trở thành chủ thể pháp luật hành chính, chủ thể quản lý pháp luật hành chính mà khả năng đó được nhà nước thừa nhận.
Năng lực chủ thể pháp luật hành chính bao gồm hai yếu tố: năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi pháp luật hành chính.
Năng lực pháp luật hành chính là khả năng của chủ thể có được quyền chủ thể và mang các nghĩa vụ pháp luật hành chính được nhà nước thừa nhận. Như vậy, chủ thể pháp luật hành chính là các cá nhân, tổ chức có năng lực pháp luật hành chính. Năng lực pháp luật nói chung, năng lực pháp luật hành chính nói riêng luôn thay đổi trong các giai đoạn phát triển lịch sử, tuỳ thuộc vào các điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội, chính trị, trình độ phát triển của nền dân chủ xã hội.
Năng lực hành vi pháp luật hành chính là khả năng thực tế của chủ thể pháp luật hành chính được nhà nước thừa nhận, bằng các hành vi của mình thực hiện các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp luật hành chính tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính.
Năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi pháp luật hành chính của các chủ thể pháp luật hành chính không phải là một thuộc tính vốn có của con người, mà xuất hiện trên cơ sở pháp luật hành chính, phụ thuộc vào ý chí, quyền lực của nhà nước.
Năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi pháp luật hành chính là những thuộc tính pháp lý có liên quan mật thiết với nhau. Chủ thể pháp luật hành chính chỉ có năng lực pháp luật mà không có năng lực hành vi pháp luật hành chính thì không thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, tức là không thể trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính cụ thể. Như vậy, năng lực pháp luật hành chính là tiền đề, điều kiện cho năng lực hành vi pháp luật hành chính. Cá nhân hay tổ chức muốn trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính thì đồng thời phải có cả năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi pháp luật hành chính. Nói cách khác, cá nhân hay tổ chức muốn trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính phải có hai điều kiện cần và đủ: điều kiện cần - có năng lực pháp luật hành chính, điều kiện đủ - có năng lực hành vi pháp luật hành chính.
Các chủ thể của Luật hành chính, như đã nêu là các cá nhân, tổ chức có năng lực chủ thể pháp luật hành chính. Các cá nhân - chủ thể Luật hành chính là những công dân Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch sinh sống, người học tập trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức là các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp, đơn vị vũ trang...
Năng lực chủ thể pháp luật hành chính của công dân xuất hiện từ khi sinh ra. Từ thời điểm này, công dân được công nhận là chủ thể pháp luật nói chung, chủ thể pháp luật hành chính nói riêng. Cuộc sống, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm, các giá trị xã hội của họ được pháp luật bảo vệ. Nhưng năng lực chủ thể đó phát triển tăng dần về khối lượng cùng với độ tuổi và đến một độ tuổi nhất định thì phát triển đầy đủ.
Trong hai yếu tố của năng lực chủ thể pháp luật hành chính thì năng lực pháp luật hành chính của công dân xuất hiện từ khi sinh ra, còn năng lực hành vi pháp luật hành chính xuất hiện dần vì trẻ em chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình, về hậu quả hành vi của mình nên chưa thể tự mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ do pháp luật hành chính quy định. Theo quy định của pháp luật hành
chính, năng lực hành vi pháp luật hành chính còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, trình độ văn hoá v.v... Có trường hợp năng lực hành vi pháp luật hành chính của công dân còn bị hạn chế theo quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (như người điên, người tâm thần, người mắc bệnh truyền nhiễm, vi phạm hành chính v.v...). Pháp luật hành chính quy định không thống nhất về độ tuổi có năng lực hành vi pháp luật hành chính của công dân. Các đối tượng bị xử lý pháp luật hành chính của công dân. Các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính gồm có: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra (khoản 1, mục a Điều 6 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, ngày 2-7-2002).
Các tổ chức là chủ thể luật hành chính có đặc trưng:
- Có cơ cấu tổ chức thống nhất được các văn bản pháp luật, quy chế, điều lệ của các tổ chức có quy định;
- Có năng lực pháp luật hành chính xác định;
- Năng lực pháp luật hành chính, năng lực hành vi pháp luật hành chính được Nhà nước quy định xuất hiện đồng thời với việc thành lập chính thức các tổ chức ấy. Năng lực hành vi pháp luật hành chính được thực hiện thông qua cơ quan hoặc người có thẩm quyền đại diện cho cơ quan, tổ chức, giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan;
- Hoạt động của các tổ chức được gắn với những lĩnh vực nhất định của quản lý hành chính nhà nước.
Do chủ thể của Luật hành chính rất đa dạng, chúng tôi chỉ tập trung xem xét tới một số chủ thể điển hình.