VI Tổ chức và hoạt động của Bộ, cơ quan ngang Bộ 1 Quan niệm về Bộ
a) Vai trò của Bộ trưởng
Như trên đã nói: Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, cũng là một thiết chế chính trị và hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công. Cho nên, Bộ trưởng cũng có những chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý, tổ chức và nhân sự với tư cách là cơ quan thẩm quyền riêng (còn Chính phủ là cơ quan thẩm quyền chung).
Về trách nhiệm, Điều 117 Hiến pháp 1992 cũng đã quy định Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
- Về thẩm quyền ban hành văn bản:
Điều 116 Hiến pháp 1992 cũng đã quy định: ... căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ ra quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và các cơ sở.
Bộ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể thuộc thẩm quyền để chấp hành những luật, pháp lệnh, văn bản của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch nước, của Chính phủ và Thủ tướng. Những quy định do bộ ban hành đều có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả các bộ, các UBND, các tổ chức và công dân trong cả nước.