VIII Phương pháp và hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước
a) Khái niệm phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước
Với tính cách là một dạng hoạt động nhà nước, hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đời sống nhà nước, đặc biệt là giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự ổn định và năng động của hệ thống các quan hệ xã hội hình thành trên cơ sở nền kinh tế thị trường tuỳ thuộc rất nhiều vào hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Để quản lý tất cả các quá trình xã hội trong điều kiện mới, cần tăng cường hiệu lực bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng. Gắn với việc tăng cường hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, một trong những vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện các phương pháp quản lý của những cơ quan đó. Phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, cũng chính là những phương pháp được áp dụng trong quản lý hành chính nhà nước.
Phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước là những phương thức mà các cơ quan nhà nước đó sử dụng để tác động lên khách thể của quản lý (hành vi, hoạt động, cách xử sự của đối tượng quản lý) nhằm đạt được những mục đích đã đề ra.
Các phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước là phương pháp thực hiện quyền lực nhà nước trong quản lý. Điều này thể hiện ở chỗ:
- Các phương pháp đó được áp dụng trong hoạt động chấp hành và điều hành, tức là một loại hoạt động có tính nhà nước chứ không phải là hoạt động có tính chất xã hội của các tổ chức xã hội;
- Trong các phương pháp đó thể hiện ý chí của Nhà nước;
- Nội dung của các phương pháp được xem xét thể hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước;
- Những phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định.
Khi nghiên cứu phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước cần thấy mối liên hệ giữa các cơ quan ấy với các đối tượng bị quản lý. Với tính cách là một yếu tố cấu thành của hệ thống quản lý, mối liên hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các đối tượng bị quản lý là sự tác động qua lại giữa chúng. Một mặt, của mối liên hệ đó là sự tác động của các cơ quan hành chính nhà nước tới các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý. Sự tác động này luôn luôn được thực hiện thông qua những cách thức, phương pháp nhất định. Xem xét các phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước cần chú ý:
- Những phương pháp đó được áp dụng để tác động tới các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân.
- Trong các phương pháp được xem xét thể hiện mối liên hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cá nhân, tổ chức nói trên.
Trong khoa học Luật hành chính, thuật ngữ phương pháp đôi khi còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Nó không chỉ là phương thức, cách thức tác động của các cơ quan hành chính nhà nước tới các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý mà còn là phương thức, cách thức tổ chức, hoạt động trong nội bộ một cơ quan, công sở nhất định. Những phương thức, cách thức này chưa biểu hiện sự tác động của cơ quan, công sở đó ra bên ngoài hệ thống. Ví dụ: để bảo đảm chế độ trách nhiệm rõ ràng trong một cơ quan, người ta ban hành văn bản phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cho mỗi bộ phận, mỗi công chức. Một ví dụ khác: để ban hành một quyết định nhằm thiết lập tổ chức, trật tự trong nội bộ một công sở, thủ trưởng công sở đó sử dụng phương pháp xã hội học cụ thể để tham khảo ý kiến cá nhân, tổ chức có liên quan. Những hoạt động trên là những phương pháp quản lý nội bộ. ở đây chưa nói lên sự tác động của các cơ quan hành chính nhà nước tới các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý. Do chưa thể hiện mối liên hệ của các cơ quan hành chính nhà nước với các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý nên nhiều nhà khoa học cho rằng những phương pháp trên chưa phải là phương pháp quản lý.