Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương 1 Uỷ ban nhân dân

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 83)

1. Uỷ ban nhân dân

a) Vai trò của Uỷ ban nhân dân

Uỷ ban nhân dân do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND (Điều 123, Hiến pháp 1992). UBND là cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước vừa do Hội đồng nhân dân giao, vừa do UBND cấp trên giao và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ; là cơ quan hành chính nhà nước hoạt động thường xuyên ở địa phương, thực hiện việc chỉ đạo, điều hành hàng ngày công việc hành

chính nhà nước ở địa phương. Như vậy, UBND có vị trí pháp lý riêng nhưng gắn bó mật thiết với Hội đồng nhân dân. Với vị trí như vậy, UBND có hai tư cách thống nhất:

+ Là cơ quan chấp hành của HĐND, UBND chịu trách nhiệm thi hành những nghị quyết của HĐND, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.

+ Là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND chịu trách nhiệm không chỉ chấp hành những nghị quyết của HĐND mà cả những quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên, thi hành pháp luật thống nhất của Nhà nước. UBND chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND cùng cấp, và trước UBND cấp trên; đối với UBND cấp tỉnh thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chính phủ, UBND các cấp dưới sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất ở địa phương.

Để tăng cường tính hệ thống thứ bậc của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, Hiến pháp 1992 quy định: Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu cử; miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 114).

b) Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND

Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND từng cấp được quy định tại Chương IV Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống nhà nước và xã hội:

+ Tuyên truyền giáo dục pháp luật, kiểm tra việc chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương;

+ Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng quốc phòng toàn dân, quản lý hộ khẩu, hộ tịch ở địa phương, việc cư trú, đi lại của người nước ngoài ở địa phương;

+ Phòng chống thiên tai, bảo vệ tài sản nhà nước và của công dân; chống tham nhũng, buôn lậu, làm hàng giả và tệ nạn xã hội khác;

+ Quản lý tổ chức, biên chế, lao động, tiền lương, đào tạo cán bộ, công chức, bảo hiểm xã hội;

+ Tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án ở địa phương;

+ Tổ chức thực hiện việc thu, chi ngân sách của địa phương; phối hợp với các cơ quan hữu quan để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các loại thuế và các khoản thu khác ở địa phương;

+ Thực hiện quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân; + Quản lý địa giới đơn vị hành chính ở địa phương v.v...

Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của HĐND cùng cấp chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, xây dựng đề án trình Hội đồng nhân dân xét duyệt và quyết định. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng quyết định phần lớn chất lượng và kết quả của kỳ họp HĐND.

c) Tổ chức và hoạt động của UBND

Uỷ ban nhân dân do HĐND cùng cấp bầu ra, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên. Chủ tịch là đại biểu HĐND, các thành viên khác không nhất thiết là đại biểu. Kết quả bầu cử phải được Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn (UBND tỉnh thì do Thủ tướng phê chuẩn). Quyền phê chuẩn đó, cũng như quyền của Chủ tịch UBND cấp trên điều động, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp là nhằm yêu cầu tăng cường tính thống nhất và thông suốt của hệ thống hành pháp và nền hành chính nhà nước.

Uỷ ban nhân dân là một thiết chế tập thể, như Điều 124 của Hiến pháp 1992 đã quy định: Chủ tịch UBND lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND. Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, UBND phải thảo luận tập thể và ra quyết định theo đa số.

Uỷ ban nhân dân làm việc theo chế độ tập thể, trong đó mỗi thành viên của UBND chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước HĐND, UBND và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND trước HĐND cấp mình và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Nhưng trong tập thể

ấy, Chủ tịch UBND là người đứng đầu, lãnh đạo công việc của UBND, chỉ đạo các thành viên khác thực hiện công việc được UBND phân công. UBND thảo luận tập thể và quyết định theo đa số những việc quan trọng như chương trình làm việc, kế hoạch và ngân sách, các biện pháp thực hiện nghị quyết của HĐND về kinh tế xã hội, thông qua báo cáo của UBND trước HĐND, đề án thành lập mới, sáp nhập, giải thể các cơ quan chuyên môn; đề án vạch và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính ở địa phương. Mặt khác, Chủ tịch UBND có những thẩm quyền riêng của mình:

- Luật tổ chức HĐND và UBND cũng đã định rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; cùng với tập thể UBND chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Chủ tịch phân công công tác cho Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND.

Trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân được giải quyết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân còn có quyền: phê chuẩn kết quả bầu UBND cấp dưới; điều động miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác của UBND cấp dưới trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách thức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý; đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản trái Hiến pháp, pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và những văn bản trái Hiến pháp và pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới; đình chỉ việc thi hành nghị quyết sai trái của HĐND cấp dưới trực tiếp và đề nghị HĐND cấp mình bãi bỏ.

2. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND không phải là cơ quan Hiến định. Hiến pháp chỉ gián tiếp nói tới cơ quan này. Luật tổ chức HĐND và UBND 2003 cũng chỉ dừng ở mức những quy định chung về vị trí, tính chất của cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND do Chính phủ quy định dưới mức Nghị định, cơ quan chuyên môn thuộc UBND do

UBND quyết định thành lập. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND là bộ máy giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương và bảo đảm sự thống nhất của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương xuống đến cơ sở.

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND đa phần được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc "hai chiều trực thuộc", thể hiện ở chỗ:

- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp mình, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cùng cấp trên. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước cơ quan chuyên môn cấp trên và khi cần thiết thì báo cáo công tác trước HĐND;

- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn do Chủ tịch UBND cùng cấp bổ nhiệm, nhưng trước khi bổ nhiệm có sự thoả thuận với người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp trên. Ví dụ, giám đốc sở ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm, nhưng trước khi bổ nhiệm có sự thoả thuận với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ không đồng ý thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn có quyền quyết định bổ nhiệm và chịu trách nhiệm về quyết định bổ nhiệm đó.

Như vậy, về tính chất quan hệ thì tính trực thuộc ngang của cơ quan chuyên môn thuộc UBND là cơ bản, có tính trội hơn so với quan hệ dọc. Tuy nhiên, có một số cơ quan chỉ trực thuộc theo chiều ngang (văn phòng), có một số cơ quan chỉ trực thuộc theo chiều dọc (quân đội, công an, bưu điện...). Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, tuy vậy có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khác trong thiết lập tổ chức và hoạt động.

Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan chuyên môn thuộc UBND có quyền ra các quyết định mang tính pháp lý và kiểm tra việc thực hiện các quyết định đó, nhưng chỉ là những quyết định cá biệt, cụ thể.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w