VI Quan hệ pháp luật hành chính
1. Khái niệm quan hệ pháp luật hành chính
Trong sách báo, khoa học Luật hành chính có hai loại quan điểm khác nhau về quan hệ pháp luật hành chính, phụ thuộc vào các quan điểm về bản thân khái niệm quan hệ pháp luật và quan điểm về đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội(1) được quy phạm pháp luật điều chỉnh, do đó quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội
(1) Quan hệ xã hội là quan hệ giữa người với người trên các lĩnh vực đời sống xã hội: hành chính -
được quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh.
Quan điểm thứ hai cho rằng: quan hệ pháp luật là hình thức pháp lý của các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật, là áo khoác pháp lý của các quan hệ xã hội. Có nghĩa là các quan hệ xã hội bất kỳ dưới tác động của các quy phạm pháp luật tương ứng sẽ khoác lên mình một hình thức pháp lý. Nói cách khác, quan hệ xã hội được thể hiện dưới hình thức pháp lý nhất định.
Những người theo quan điểm thứ nhất đã đồng nhất giữa quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật. Trong đời sống xã hội thực tế các quan hệ xã hội bao giờ cũng tồn tại một cách khách quan, nó xuất hiện trước khi có pháp luật. Nhà nước sử dụng pháp luật như một công cụ để điều chỉnh những quan hệ xã hội, nhưng không điều chỉnh mọi quan hệ xã hội, mà chỉ điều chỉnh những quan hệ có tính phổ biến, phổ quát cao. Như vậy, không có sự trùng khít giữa quan hệ xã hội hiện thực với những quan hệ xã hội được pháp lý điều chỉnh. Do vậy, không phải mọi quan hệ xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Những quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh chỉ là một bộ phận của quan hệ xã hội nói chung. Ngoài ra, còn nhận thấy rằng, các quan hệ xã hội, ngoài sự điều chỉnh của pháp luật còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm chính trị, quy phạm đạo đức, phong tục tập quán, quy tắc tôn giáo v.v...
Như vậy, quan hệ xã hội là nội dung, cái gốc của quan hệ pháp luật, còn quan hệ pháp luật chỉ là hình thức thể hiện của quan hệ xã hội.
Từ những vấn đề nêu trên có thể kết luận: Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước dưới tác động điều chỉnh của quy phạm pháp luật hành chính được thể hiện dưới một hình thức pháp lý, thể hiện ở những điểm sau:
- Các bên tham gia (chủ thể) quan hệ pháp luật hành chính có thể là các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, các xí nghiệp và tổ chức cơ sở nhà nước, tổ chức xã hội, công dân Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch.
- Quan hệ pháp luật hành chính không xuất hiện một cách tự nhiên, đồng thời với quy phạm luật hành chính. Quy phạm pháp luật chỉ là cơ sở làm phát sinh quan hệ pháp luật, chứ không mặc nhiên, trực tiếp tạo ra nó. Chỉ khi xuất hiện những sự
kiện pháp lý cụ thể và chủ thể tương ứng do quy phạm hành chính quy định thì quan hệ pháp luật hành chính mới phát sinh.
- Cần phân biệt chủ thể Luật hành chính với chủ thể quan hệ pháp luật hành chính. Chủ thể Luật hành chính được quy phạm luật hành chính xác định luôn có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhưng có thể không thực hiện nó vì có thể trong một thời gian dài không tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính nào với bất cứ ai (ví dụ: một công dân bất kỳ là chủ thể của Luật hành chính nhưng không thực hiện vi phạm hành chính thì không thể là chủ thể của quan hệ này). Còn chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính, cũng như bản thân quan hệ pháp luật hành chính, luôn cụ thể, vì quan hệ pháp luật hành chính chỉ phát sinh khi thực hiện quy phạm. Như vậy, phải tồn tại chủ thể cụ thể và tồn tại sự kiện pháp lý (hành vi, sự biến) làm phát sinh quan hệ pháp luật cụ thể có sự tham gia của chủ thể đó. Cũng có những quyền và nghĩa vụ chủ thể được thực hiện mà chủ thể của luật không cần tham gia vào quan hệ pháp luật cụ thể nào (ví dụ: quyền tự do ngôn luận). Nghĩa là, trong trường hợp này chủ thể của luật không trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật, hoặc quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý được thực hiện thông qua người khác.
Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính là cái mà vì nó quan hệ pháp luật hành chính phát sinh. Nói cách khác, đó là lý do, nguyên cớ làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính. Các quy phạm luật hành chính trực tiếp quy định khách thể, các quyền và nghĩa vụ qua lại của các bên tham gia quan hệ gắn liền với khách thể đó.
Hành vi con người rất đa dạng về mục đích, ý nghĩa và nội dung. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia vào những quan hệ pháp luật hành chính nhằm thoả mãn những nhu cầu kinh tế, chính trị, tinh thần của mình. Sự thoả mãn đó đạt được thông qua những hành vi hướng tới các đối tượng vật chất, tinh thần hoặc thông qua những hành vi thực hiện các quyền, nghĩa vụ như: quyền khiếu nại, tố cáo, quyền lập hội v.v... Như vậy, các giá trị vật chất, giá trị tinh thần mà cá nhân, cơ quan, tổ chức hướng tới là khách thể của quan hệ pháp luật mà vì nó mà họ tham gia. Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính rất đa dạng, phong phú, tuỳ từng quan hệ pháp luật hành chính cụ thể mà xác định khách thể của quan hệ đó.