Khái niệm, hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 92)

VIII Phương pháp và hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước

a)Khái niệm, hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước

Những chức năng, phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước cấu thành nội dung của hoạt động đó. Nhưng một nội dung bất kỳ luôn luôn có sự thể hiện ra bên ngoài của mình. Sự thể hiện ra bên ngoài của hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được gọi là hình thức quản lý của các cơ quan ấy.

Nói cách khác, hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước là sự biểu hiện ra bên ngoài của những hoạt động cùng loại về nội dung, tính chất và

phương thức tác động do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đối với các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị quản lý.

Giữa hình thức quản lý và phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ. Phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước như trên đã chỉ ra thuộc về nội dung của hoạt động của các cơ quan ấy. Sự áp dụng hình thức quản lý nào đó ở mức độ này hay mức độ khác nói lên các cơ quan hành chính nhà nước đã sử dụng phương pháp hoạt động nào. Ví dụ: Việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, trong đó xác định những khuyến khích về lợi ích vật chất đối với cán bộ, công chức thực hiện tốt công vụ, chứng tỏ phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp kinh tế.

Các hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước cũng thể hiện thẩm quyền của các cơ quan này. Pháp luật quy định mỗi cơ quan hành chính nhà nước được ban hành một số loại văn bản quản lý nhất định, tức là chúng được thực hiện những hình thức quản lý nhất định. Việc lựa chọn những hình thức quản lý cụ thể phải dựa trên các quy định pháp luật. Sử dụng những hình thức không được pháp luật cho phép là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, có những cơ quan hành chính nhà nước được ban hành văn bản quy phạm, một số cơ quan khác không có thẩm quyền đó. Do đó, quyền được thực hiện những hình thức quản lý nhất định là một bộ phận cấu thành của thẩm quyền. Ví dụ: quyền của Chính phủ được ban hành Nghị quyết, Nghị định là một yếu tố cấu thành thẩm quyền của Chính phủ.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh pháp luật đối với những hình thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước không có nghĩa là hạn chế sự sáng tạo của các cơ quan ấy. Điều chủ yếu ở đây là nó nhằm bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong hoạt động chấp hành và điều hành.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 92)