Thực hiện quy phạm luật hành chính

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 44)

Pháp luật chỉ có ý nghĩa khi được thực hiện trên thực tế. Thực hiện đúng đắn và nghiêm chỉnh chấp hành là một yêu cầu khách quan của quản lý xã hội bằng

pháp luật. Do đó, xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật là hai hoạt động có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thực hiện pháp luật, thực chất là làm cho những quy định của pháp luật trở thành hoạt động thực tế của chủ thể pháp luật. Do đó, thực hiện quy phạm luật hành chính là việc biến những yêu cầu nội dung quy tắc hành vi của quy phạm luật hành chính thành những hành động của các chủ thể luật hành chính. Các chủ thể được chỉ rõ trong các quy phạm luật hành chính.

Quy phạm luật hành chính được thực hiện dưới các hình thức sau:

1. Tuân thủ quy phạm Luật hành chính

Tuân thủ quy phạm luật hành chính là hình thức thực hiện quy phạm Luật hành chính, trong đó các chủ thể kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính cấm. Ví dụ: một công dân kiềm chế không thực hiện những hành vi mà Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các nghị định về xử phạt hành chính ngăn cấm. Không thực hiện hành vi vi phạm hành chính nghĩa là công dân đó đã tuân thủ các quy định của các văn bản pháp luật đó.

2. Thi hành quy phạm luật hành chính

Thi hành quy phạm luật hành chính là hình thức thực hiện quy phạm luật hành chính, trong đó các chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình bằng hành động tích cực (làm việc phải làm). Ví dụ: pháp luật quy định công dân nam từ 18 đến 27 tuổi phải làm nghĩa vụ quân sự. Một nam công dân trong độ tuổi trên bằng hành động của mình lên đường nhập ngũ, phục vụ trong quân đội đúng thời gian quy định, nghĩa là người đó thi hành pháp luật.

3. Sử dụng quy phạm luật hành chính

Sử dụng quy phạm luật hành chính là hình thức thực hiện quy phạm luật hành chính, trong đó chủ thể tự do thực hiện hay không thực hiện quyền chủ thể của mình đã được pháp luật hành chính quy định. Ví dụ: pháp luật quy định công dân có quyền khiếu nại tới cơ quan, người có thẩm quyền. Một công dân gửi đơn khiếu nại (hay không gửi đơn) lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích của mình bị vi phạm, nghĩa là người đó đã sử dụng quy phạm luật hành

chính.

4. áp dụng quy phạm luật hành chính

áp dụng quy phạm luật hành chính là hoạt động ban hành các văn bản cá biệt để giải quyết những việc cụ thể - cá biệt trên cơ sở quy phạm luật hành chính. Việc áp dụng là cần thiết để thực hiện các quy phạm, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết những vụ việc cụ thể phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính thì các quy phạm đó tự nó không thể đi vào cuộc sống. Ví dụ: cán bộ, công chức nhà nước sau một thời gian phục vụ công vụ nhất định theo quy định được lên lương. Trong trường hợp này, quy phạm luật hành chính tương ứng sẽ được áp dụng nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó ra quyết định lên lương cho cán bộ, công chức căn cứ vào các tiêu chuẩn nêu trong quy phạm đó. Hoặc là khi có hành vi vi phạm hành chính mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt, có nghĩa quy phạm luật hành chính về xử phạt hành chính không được thực hiện.

Khác với tuân thủ, thi hành và sử dụng quy phạm pháp luật hành chính, áp dụng quy phạm chỉ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện vì chỉ có họ mới có quyền nhân danh quyền lực nhà nước ban hành văn bản cá biệt - cụ thể. Hoạt động áp dụng quy phạm luật hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện, ngoài ra có thể là Toà án, cơ quan, tổ chức xã hội khi được Nhà nước trao quyền.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 44)