Phân loại quan hệ pháp luật hành chính

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 51)

VI Quan hệ pháp luật hành chính

3. Phân loại quan hệ pháp luật hành chính

Quan hệ pháp luật hành chính có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau, căn cứ vào những tiêu chí khác nhau.

Theo tính chất quan hệ giữa các bên ta có các quan hệ pháp luật hành chính dọc và ngang. Quan hệ dọc là quan hệ trong đó một bên phải phục tùng bên kia do giữa hai bên có quan hệ trực thuộc nhau về tổ chức, hoặc một bên đại diện cho quyền lực nhà nước, tuy không phải là cấp trên trực tiếp của bên kia, song hành động và quyết định của nó có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với bên kia và được bảo đảm bằng khả năng áp dụng cưỡng chế nhà nước. Đây là loại quan hệ pháp luật hành chính đặc thù tiêu biểu nhất, chẳng hạn, quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với các Bộ trưởng, với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Hoặc quan hệ giữa người có thẩm quyền xử phạt hành chính với cá nhân, tổ chức bị xử phạt.

Quan hệ ngang là quan hệ giữa các bên không những không trực thuộc nhau về tổ chức, mà trong quan hệ đó ý chí của các bên được biểu hiện theo phương pháp thoả thuận (ví dụ: Việc ban hành các nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước, thông thường, quan hệ ngang sẽ chuyển hoá dần thành quan hệ dọc. Ví dụ, trong các giai đoạn của trình tự ban hành nghị quyết, thông tư liên tịch thì tồn tại quan hệ ngang giữa các cơ quan tham gia

ban hành nghị quyết, thông tư liên tịch đó. Nhưng khi nghị quyết, thông tư liên tịch đã được ban hành thì nghị quyết, thông tư liên tịch đó là căn cứ làm phát sinh quan hệ dọc giữa mỗi cơ quan đã tham gia ban hành nghị quyết thông tư liên tịch với các chủ thể khác thuộc hệ thống của mình. Quan hệ ngang cũng thường tồn tại trong quá trình chuẩn bị hoặc thảo luận trước khi ra quyết định đơn phương, khi nhà làm luật quy định cơ quan ban hành phải thoả thuận trước với cơ quan.

Ví dụ, khi xây dựng các đề án trình Chính phủ thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chủ trì đề án có quyền mời các Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan có liên quan đến bàn việc chuẩn bị đề án... Gửi dự thảo đề án đến các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có liên quan để lấy ý kiến. Cơ quan được hỏi ý kiến phải trả lời trong thời hạn nhất định, nếu quá thời hạn đó mà không trả lời thì coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình (mục 1 và 2 Điều 13 Quy chế làm việc của Chính phủ). Trong trường hợp công dân gửi đơn kiến nghị, khiếu nại v.v... thì trước khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định đơn phương, giữa công dân đó và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã xuất hiện quan hệ ngang.

Như vậy, trong các trường hợp nêu trên quan hệ ngang, ở mức độ khác nhau chủ yếu mang tính chất thủ tục, cũng có trường hợp đó là quan hệ vật chất (quan hệ nội dung), nhưng chưa phổ biến. Các quan hệ ngang là tiền đề cho sự hình thành quan hệ dọc.

- Căn cứ vào mục đích, ý nghĩa của quan hệ pháp luật hành chính có thể chia các quan hệ pháp luật hành chính thành: các quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của quản lý hành chính nhà nước (gọi là quan hệ tích cực) và các quan hệ có liên quan tới hoạt động bảo vệ pháp luật, chống vi phạm trong quản lý hành chính nhà nước (quan hệ bảo vệ pháp luật).

- Căn cứ nội dung cụ thể của các quan hệ ta có các quan hệ vật chất và phi vật chất.

- Theo vị trí, vai trò của các chủ thể ta có quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và quan hệ có sự tham gia của công dân và tổ chức xã hội.

- Theo phương thức bảo vệ ta có các quan hệ được bảo vệ theo trình tự thủ tục hành chính và theo trình tự thủ tục tư pháp.

- Căn cứ tính chất các quan hệ ta có các quan hệ vật chất (quan hệ nội dung) và quan hệ thủ tục (quan hệ hình thức). Quan hệ vật chất là những quan hệ xã hội chịu sự tác động điều chỉnh của các quy phạm vật chất luật hành chính, còn quan hệ thủ tục chịu sự tác động điều chỉnh của các quy phạm thủ tục hành chính.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về luật hành chính việt nam (108 trang) (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w