Là cường quốc vượt trội tất cả các quốc gia khác về mọi mặt từ quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và khoa học, Mỹ luôn tự hào với cái gọi là “giá trị Mỹ”, và luôn tin tưởng rằng đó là những gì tốt đẹp nhất mà người Mỹ có sứ mệnh phải gieo đi mọi nơi trên thế giới. Điều đó lý giải tại sao văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia trên thế giới. Theo giáo sư Harvey B. Feigenbaum của Đại học George Washington, nền móng của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia châu Âu và Mỹ La-tinh là văn hóa [124, tr. 25]. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngoại giao văn hóa đã được chính phủ Mỹ rất coi trọng, xác định là bộ phận của ngoại giao công chúng, gồm “các chương trình, hoạt động được chính phủ tài trợ với mục tiêu cung cấp thông tin hoặc gây ảnh hưởng đối với dư luận công chúng của quốc gia khác; với công cụ chủ yếu của nó gồm các ấn phẩm, phim ảnh, trao đổi văn hóa, đài phát thanh và đài truyền hình” [230, tr. 109]. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, một số chương trình giao lưu văn hóa chính thức của Hoa Kỳ với nước ngoài bị giảm sút do những khó khăn kinh tế cùng sự cạnh tranh giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Từ năm 1993 đến 2002, kinh phí của Chính phủ Mỹ cấp cho các hoạt động ngoại giao văn hóa giảm gần 30%, nhân viên làm việc trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa giảm 30% ở nước ngoài và 20% ở trong nước, nhiều trung tâm văn hóa, thư viện và chi nhánh bưu chính bị đóng cửa [186, tr. 1]. Việc chấm dứt hoạt động của Cục Thông tin Mỹ (USIA) năm 1999 là lý do dẫn đến việc các hoạt động ngoại giao văn hóa bị suy giảm. Từ năm 1995-2001, số thành viên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa với Mỹ do Cơ quan Giáo dục và Văn hóa (ECA) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức đã giảm từ 45.000 người xuống còn 29.000 [118, tr. 9].
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, các nhà nghiên cứu đã chỉ trích sự thiếu quan tâm của chính quyền Mỹ đối với ngoại giao văn hóa, đặc biệt là việc xây dựng hình ảnh của Mỹ ở khu vực thế giới Ả-rập và Hồi giáo. Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs năm 2004, J. Nye cũng bày tỏ sự lo ngại trước sự suy
giảm quyền lực mềm của Mỹ, trong khi xu hướng bài Mỹ, chống Mỹ đang ngày một gia tăng trên thế giới [175, tr. 20]. Thực tế đó đòi hỏi nước Mỹ phải điều chỉnh chính sách ngoại giao văn hóa của mình để củng cố sức mạnh mềm và lấy lại hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế.
Vụ khủng bố 11/9/2001 đã làm thay đổi tư duy của Mỹ về ngoại giao văn hóa. Người Mỹ đã sớm tìm ra nguyên nhân của sự suy giảm uy tín và thái độ chống Mỹ trên thế giới. Việc giải tán USIA kéo theo các khoản ngân sách lớn cho ngoại giao văn hóa bị cắt giảm, cùng với đó là học thuyết “đánh đòn phủ đầu” và chủ nghĩa đơn phương của chính quyền G. W. Bush, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Irắc và sau đó là tình trạng bất ổn ở đất nước này những năm sau đó, vụ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Irắc, sự nghi ngờ về tính hợp pháp của nhà tù ở căn cứ Guantanamo, việc tồn tại những nhà giam bí mật ở Châu Âu, công khai ủng hộ Israel, việc Mỹ không tham gia một số văn kiện quốc tế như Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện,… [95, tr. 94] đã làm cho uy tín và hình ảnh nước Mỹ ngày càng suy giảm trên thế giới. Từ thực tế trên, Mỹ đã tích cực điều chỉnh chính sách ngoại giao văn hóa nhằm chinh phục “trái tim và trí óc” nhân dân các nước, những “đồng minh lâu dài và có sức mạnh nhất ” của Mỹ [138]. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2002 xác định “Sử dụng hiệu quả ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy tự do thông tin và tư tưởng để khơi dậy hy vọng và mong muốn của những người đang sống trong xã hội bị cai trị bởi những kẻ bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu” [202, tr. 6] Trong giai đoạn này, Chính quyền G. W. Bush đưa ra ba ưu tiên chiến lược cho ngoại giao văn hóa, gồm: (i) Tiếp tục đem đến cho nhân dân các nước trên thế giới một tầm nhìn lạc quan, hy vọng được bắt nguồn từ những giá trị và niềm tin của Mỹ về công lý, cơ hội và sự tôn trọng đối với tất cả mọi người; (ii) Công việc mang tính cấp thiết chiến lược là cô lập và thu hẹp phạm vi của những kẻ cực đoan bạo lực đang đe dọa thế giới văn minh, đối đầu với hệ tư tưởng chuyên quyền bạo ngược và sự thù hận của chúng; (iii) Củng cố nhận thức
về những lợi ích và giá trị chung giữa nhân dân Mỹ và nhân dân các nước cũng như giữa những nền văn hóa khác nhau trên thế giới [95, tr. 97].
Riêng với thế giới Ảrập và Hồi giáo, xác định tầm quan trọng trong thông tin, can dự và gây ảnh hưởng đối với khu vực quan trọng này, Mỹ đã thành lập Nhóm tư vấn về ngoại giao công chúng Mỹ đối với thế giới Ảrập và Hồi giáo (AGPDAMW). Tháng 10/2003, AGPDAMW đã trình lên Hạ viện Mỹ bản báo cáo “Thay đổi tư duy, giành lấy hòa bình: Một chiến lược mới cho ngoại giao văn hóa Mỹ tại thế giới Ảrập và Hồi giáo”. Bản báo cáo đã phân tích, đánh giá thực trạng ngoại giao công chúng Mỹ, những vấn đề, thách thức mà Mỹ đang gặp phải, đặc biệt là từ thế giới Ả-rập và Hồi giáo, thực trạng những công cụ và việc triển khai các chương trình phục vụ cho công tác ngoại giao công chúng và đưa ra những kiến nghị, đề xuất. Trong số những kiến nghị của bản báo cáo, đáng chú ý là kiến nghị về việc thành lập cơ quan nghiên cứu các xã hội Ảrập và Hồi giáo, mối quan hệ với Mỹ để làm cơ sở thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa và đối thoại xây dựng lòng tin; tăng cường kinh phí cho các hoạt động ngoại giao công chúng với thế giới Ảrập và Hồi giáo; cấp thêm học bổng cho thanh niên và sinh viên từ thế giới Ảrập và Hồi giáo; tăng cường đội ngũ nhân viên làm công tác ngoại giao công chúng tại thế giới Ảrập và Hồi giáo với yêu cầu phải thông thạo ngôn ngữ và am hiểu văn hóa của thế giới này [122, tr. 69-70].
Tháng 9/2005, Uỷ ban tư vấn về Ngoại giao văn hóa (ACCD), Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình bản báo cáo có tựa đề “Ngoại giao văn hóa: then chốt của ngoại giao công chúng” [200]. Trên cơ sở các phân tích, đánh giá tình hình, ACCD đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy ngoại giao văn hóa Mỹ, trong đó có đề xuất tăng cường đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa; thành lập các trung tâm văn hóa độc lập ở nước ngoài (tương tự như Hội đồng Anh) để đẩy mạnh các hoạt động vì lợi ích quốc gia, tổ chức nhiều chương trình cho công chúng nước sở tại với sự tham dự của những nhà văn, nghệ sĩ và nhà hoạt động nghệ thuật tiêu biểu nhất, những trung tâm này không gắn với các
đại sứ quán để có thể thu hút đông đảo công chúng đến dự các hoạt động văn hóa; thành lập quỹ hỗ trợ các dự án dịch thuật sang tiếng Anh và ngược lại các tác phẩm văn học, tri thức, triết học, chính trị học và tôn giáo nổi tiếng nhất. Trong bản báo cáo này, ACCD ủng hộ đề xuất của AGDPAMW năm 2003 về xây dựng Thư viện Tri thức Mỹ, triển khai dịch hàng ngàn cuốn sách trong mọi lĩnh vực sang ngôn ngữ bản địa và phát hành rộng rãi qua các hiệu sách, các trung tâm nghiên cứu về Hoa Kỳ, trường đại học, “Góc Hoa Kỳ”. ACCD cũng đề xuất tăng cường, đổi mới nội dung của Đài truyền hình Al Hurra phát bằng tiếng Ảrập cho khu vực Trung Đông; mở rộng các chương trình giao lưu văn hóa, tăng cường việc mời các nghệ sĩ, nhà văn, nhà hoạt động nghệ thuật từ thế giới Ảrập và Hồi giáo sang thăm Mỹ và cử các đồng nghiệp Mỹ sang giao lưu với các nghệ sĩ, nhà văn ở thế giới Hồi giáo [200, tr. 18-19].
Hoa Kỳ ý thức rõ rằng những “giá trị Mỹ”, nền văn hóa phong phú đa dạng của Mỹ có vai trò quan trọng không kém hoạt động quân sự trong củng cố ngôi vị siêu cường thế giới, kể cả trong cuộc chiến chống khủng bố. Những giá trị nghệ thuật và văn hóa Mỹ, nhất là văn hóa đại chúng của Mỹ như nhạc jazz, nhạc pop, hip hop, rock and roll, điện ảnh, đồ ăn nhanh, quần jean, các chương trình truyền hình giải trí, kênh MTV, kênh hoạt hình Cartoon Network,... có sức hút rất lớn, được giới trẻ nhiều nước trên thế giới chào đón nồng nhiệt. Chính vì vậy, chính quyền Hoa Kỳ luôn nỗ lực truyền bá, mở rộng các giá trị Mỹ, lối sống Mỹ, tư duy kiểu Mỹ ra toàn thế giới nhằm khẳng định vị trí siêu cường của Mỹ. Một số phương thức chủ yếu mà Mỹ sử dụng để truyền bá giá trị ra bên ngoài gồm: truyền bá qua các hình thức văn hóa, giáo dục và nghệ thuật; truyền bá qua hệ thống thông tin đại chúng, và mở rộng thông qua các cơ quan nghiên cứu và đại diện của Mỹ ở nước ngoài [44, tr. 90, 102].
Ngoại giao văn hóa Hoa Kỳ được đặt dưới sự điều phối, chỉ đạo và triển khai của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó Cơ quan Giáo dục và Văn hóa (ECA) đóng vai trò quan trọng. ECA có mạng lưới trực tiếp là các Phòng Thông tin và Văn
hóa trong các đại sứ quán Mỹ trên thế giới. Về hình thức, ngoại giao văn hóa Mỹ được triển khai một cách khá đa dạng và phong phú như trao đổi văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh, trao đổi giáo dục đào tạo, trao đổi giảng dạy ngôn ngữ, đại sứ văn hóa, giao lưu văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, học giả, sinh viên, tổ chức các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn tại các nước, tổ chức triển lãm tranh, ảnh, phim ảnh… ECA hiện đang triển khai một loạt các chương trình ngoại giao văn hóa với 160 nước trên thế giới, thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên, giáo viên, nghệ sĩ, vận động viên, các nhà lãnh đạo trẻ trên khắp thế giới. ECA cũng triển khai nhiều sáng kiến nhằm nâng cao sự hiểu biết văn hóa thông qua việc bảo vệ bản sắc, di sản văn hóa trên toàn cầu, đồng thời cung cấp các nguồn lực hỗ trợ học tập cho những ai muốn khám phá văn hóa Mỹ và học tiếng Anh.
Trong số các chương trình và sáng kiến do ECA triển khai, nổi bật nhất là Chương trình trao đổi học thuật Fulbright, Chương trình khách mời lãnh đạo quốc tế, Chương trình di sản văn hóa, Chương trình Tuần Giáo dục quốc tế, Chương trình Vườn ươm nghệ thuật, Chương trình giới thiệu điện ảnh Mỹ, Chương trình giới thiệu âm nhạc Mỹ, Chương trình giới thiệu mỹ thuật Hoa Kỳ, Chương trình giới thiệu nghệ thuật múa Hoa Kỳ, Chương trình triển lãm mỹ thuật quốc tế (2 năm một lần), Chương trình mời lưu diễn tại Mỹ; Chương trình cam kết cộng đồng thông qua Nghệ thuật, Chương trình viết văn quốc tế, Chương trình kết nối các bảo tàng, Chương trình “Góc Hoa Kỳ”, Chương trình Speaker Program (đưa diễn giả Mỹ ra nước ngoài giới thiệu những đề tài về Mỹ), chương trình “Sáng kiến văn hóa toàn cầu - GCI”,... Bên cạnh đó, ECA còn tổ chức nhiều chương trình giao lưu thể thao, chương trình dành cho người khuyết tật, chương trình giao lưu thanh niên, chương trình trao đổi học sinh trung học, chương trình về phụ nữ,... Mỗi chương trình của ECA có hàng chục nội dung và dự án khác nhau, thu hút đông đảo đối tượng và người tham gia. Chỉ riêng Chương trình học bổng Fulbright, mỗi năm Mỹ cấp 8000 học bổng. Tính từ năm 1946 đến nay, đã có 310.000 người được nhận học bổng Fulbright. Trong
2 năm, từ năm 2008 đến 2010, những nỗ lực của ECA về ngoại giao văn hóa đã góp phần đưa số người tham gia các hoạt động, chương trình giao lưu với Mỹ tăng 25%, từ 46.415 người lên 57.801 người [201].
Như vậy, sau một thời gian ngắn bị cắt giảm nguồn lực kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, ngoại giao văn hóa lại được Chính phủ Mỹ quan tâm và coi trọng. Được xác định là then chốt của ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa Mỹ đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ, bảo đảm các lợi ích và an ninh quốc gia thông qua việc cung cấp thông tin, gây ảnh hưởng với công chúng nước ngoài, cũng như thông qua việc mở rộng và củng cố mối quan hệ giữa nhân dân và chính phủ Mỹ với nhân dân các nước trên thế giới. Ngoại giao văn hóa Mỹ hướng tới mục đích xây dựng niềm tin, mối quan hệ giữa các dân tộc, mở ra viễn cảnh hợp tác khả quan mặc dù có sự khác nhau về chính sách. Các chương trình, hoạt động ngoại giao văn hóa Mỹ đa dạng, phong phú, dễ được chấp nhận và chào đón trên thế giới, có tác dụng tích cực trong thiết lập, củng cố quan hệ hoặc nối lại quan hệ với các nước; đồng thời là các chương trình, hoạt động dễ tiếp cận với giới trẻ, với đông đảo công chúng các nước, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ. Những hoạt động ngoại giao văn hóa Mỹ ở một góc độ nhất định có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giáo dục cho các thế hệ người Mỹ về những giá trị tinh thần của các dân tộc khác, giúp họ tránh được sai lầm; giúp xóa đi những hiểu lầm, lòng thù hận, và sự khủng bố; hóa giải các cuộc tranh cãi về văn hóa trong và ngoài nước theo hướng tiếp thu và học hỏi.