Khái niệm ngoại giao văn hóa lần đầu tiên được nêu tại Hội nghị ngành Ngoại giao Việt Nam lần thứ 25 vào năm 2006. Tại Hội nghị này, ngoại giao văn hóa chính thức được coi là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, tạo thành 3 trụ cột vững chắc của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam. Đây được coi là mốc thời gian chính thức đánh dấu sự ra đời của ngoại giao văn hóa Việt Nam mặc dù các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng trên thực tế, Việt Nam đã triển khai ngoại giao văn hóa từ lâu, thể hiện rõ nét qua tư tưởng “hòa hiếu”, “thêm bạn, bớt thù” và văn hóa ứng xử thấm đậm chất nhân văn trong giao tiếp đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hoạt động đối ngoại tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, trong giai đoạn phá băng, mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ với nhiều đối tác quan trọng.
Nhìn lại lịch sử Cách mạng Việt Nam có thể thấy, Đảng ta luôn hết sức chú trọng đến mặt trận văn hóa, đặc biệt là phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn, chính nghĩa của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn nhận vai trò quan trọng của văn hóa trong công tác đối ngoại của Đảng, của Nhà nước. Ngay từ khi chính quyền cách mạng non trẻ mới được thành lập, Người đã chỉ ra nhiệm vụ của văn hóa phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ra thế giới. Tư tưởng vĩ đại của Người, tầm nhìn chiến lược của Người chính là nền tảng vững chắc cho ngoại giao văn hóa Việt Nam kế thừa và phát triển.
Trong những năm tháng kháng chiến bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước, trên mặt trận ngoại giao, nhiều hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền, vận động đã được triển khai rộng khắp trên thế giới, thu về những kết quả hết sức to lớn. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì nền độc lập, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và đông đảo quần chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ. Những phong trào xuống đường tuần hành, biểu tình ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được tổ chức rầm rộ ở nhiều nơi trên thế giới. Có thể khẳng định, trong số những nhân tố góp phần làm những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của chúng ta trong thời gian này, có sự đóng góp của công tác ngoại giao văn hóa, mặc dù trong thời kỳ đó, khái niệm ngoại giao văn hóa còn chưa được đề cập đến.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, tháng 5 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về các vấn đề quốc tế. Đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, Việt Nam đưa ra quan điểm đổi mới về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại, trong đó đáng chú ý nhất là quan điểm về an ninh toàn diện bao gồm ba yếu tố là một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao hợp tác rộng mở. Đây cũng là cơ sở và là xuất phát điểm cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ sau này, đồng thời đây cũng là tiền đề cho việc triển khai, hình thành những trụ cột ngoại giao mới trong nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, trong đó có trụ cột ngoại giao văn hóa.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị quốc tế, làm thay đổi cục diện thế giới, kéo theo sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của nhiều quốc gia. Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992 đã đánh giá về vị trí, vai trò của công tác đối ngoại trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Cũng tại Hội nghị này, chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại về mặt chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế… trên nguyên tắc
tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, tài nguyên môi trường và an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc tốt đẹp của văn hoá dân tộc đã được nhất trí thông qua.
Những điều chỉnh kịp thời và sáng suốt của Đảng về đường lối đối ngoại đã giúp Việt Nam sớm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, gia nhập ASEAN, mở đường cho Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. Cùng với chủ trương đẩy mạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, các chủ trương, chính sách và đường lối đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, thể hiện rõ nét qua các văn kiện như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 “Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị (khóa IX) năm 2001 “Về hội nhập kinh tế quốc tế”, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) năm 2003 “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) năm 2004 “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam, những yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại, đặc biệt là việc phát huy vai trò của văn hóa trong đối ngoại, cùng với việc nghiên cứu, nắm bắt xu thế vận động của quan hệ quốc tế và những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới đã góp phần tích cực để “Ngoại giao văn hóa” chính thức được nhìn nhận là trụ cột thứ 3 của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam tại Hội nghị ngành Ngoại giao lần thứ 25 vào năm 2006, đánh dấu sự ra đời của Ngoại giao văn hóa Việt Nam. Sau Hội nghị, các hoạt động ngoại giao văn hóa bắt đầu được triển khai với nhiều hoạt động phong phú, từng bước khẳng định vai trò trong công tác đối ngoại thời kỳ mới. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy năm 2009 là “Năm Ngoại giao văn hóa”. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011,
ngoại giao văn hóa đã được chính thức đưa vào Nghị quyết của Đại hội. Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14/02/2011 ban hành “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020” [93].