Về tình hình thế giới trong thời gian tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2011) nhận định “Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính-tiền tệ, điện tử-viễn thông, sinh học, môi trường… còn tiếp tục gia tăng” [30, tr. 182, 183]. Thế giới sẽ vận động mạnh hơn theo xu hướng đa cực, đa cường. Tương quan lực lượng giữa các nước lớn sẽ tiếp tục có những thay đổi, mặc dù Mỹ vẫn duy trì ngôi vị siêu cường số một, dẫn đầu
về khoa học công nghệ, quân sự, kinh tế tri thức, sức mạnh mềm nhưng khoảng cách với các nước lớn khác đang dần thu hẹp. Trung Quốc đã từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời”, đẩy mạnh triển khai ngoại giao nước lớn, cạnh tranh quyết liệt với Mỹ tại các khu vực trọng điểm chiến lược, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Liên bang Nga tuy đã củng cố được khu vực ảnh hưởng truyền thống nhưng đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế do sức ép từ Mỹ và EU, nhất là từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng chính trị ở Ucraina năm 2014, buộc sẽ phải đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược. Nhiều nước có xu hướng nâng cao khả năng phòng thủ. Các hành động chính trị cường quyền, sử dụng vũ lực gia tăng. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực Trung Đông và tác động đến nhiều nước trên thế giới. Các nước ASEAN quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đẩy mạnh liên kết kinh tế, song dự báo tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng căng thẳng trước những hoạt động ngày càng gia tăng với ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, xu thế dẫn dắt của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Các liên kết kinh tế và các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra nhiều xung lực hợp tác ở hầu khắp các khu vực. Tình trạng vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các nước sẽ gia tăng, kéo theo nhu cầu xây dựng, củng cố lòng tin, tăng cường giao lưu và đối thoại giữa các nền văn hóa, nâng cao hiểu biết lẫn nhau. Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của các nước trong những năm gần đây đã biến thế giới thành một thế giới đa cực, đa cường, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm của thế giới, nhất là các cường quốc lớn. Mỹ đã chính thức thực hiện chính sách xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương, nơi quyền lợi sát sườn của Mỹ đang bị đe dọa bởi sự “trỗi dậy hòa bình” đầy lo ngại của Trung Quốc. Nga cũng không chậm trễ khi triển khai một loạt hoạt động hướng về Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nga đẩy mạnh củng cố và xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với người láng giềng Trung Quốc. Ngay
sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ucraina, Nga đã hoàn tất đàm phán với Trung Quốc về hợp đồng khí đốt và trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5/2014 của Tổng thống Nga Putin, hãng dầu khí Gazprom của Nga và Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ký hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỉ USD [184]. Ngày 1/9/2014, Nga và Trung Quốc đã khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt mang tên “Sức mạnh Siberia” dài 3968 km - đường ống dài nhất thế giới cho đến nay - nối từ miền đông Siberia đến Trung Quốc với tổng chi phí xây dựng lên đến hơn 70 tỉ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với tổng kim ngạch buôn bán song phương đạt gần 100 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng lên 200 tỉ USD trước năm 2025 [185]. Ấn Độ tích cực triển khai “chính sách hướng Đông” với những cách tiếp cận đầy chiến lược nhằm khéo léo quảng bá hình ảnh một Ấn Độ mạnh về công nghệ, công nghiệp chế tạo dưới khẩu hiệu “Made in India” (Chế tạo tại Ấn Độ). Đáng chú ý là bên cạnh việc triển khai chính sách hướng Đông, Ấn Độ đẩy mạnh dự án văn hóa Mausam (Gió Mùa) với mục tiêu chủ yếu là khơi gợi và phát huy những yếu tố lịch sử, văn hóa để tái thiết lập quan hệ với những đối tác thương mại cổ xưa, hình thành một “thế giới Ấn Độ Dương” với Ấn Độ làm trung tâm, bao gồm toàn bộ các quốc gia nằm trong khu vực từ bờ biển phía đông châu Phi, qua bán đảo Ả-rập, phía nam Iran, các nước Nam Á, qua Sri Lanka và vươn tới Đông Nam Á [180]. Những thay đổi này trong quan hệ quốc tế đã tác động và kéo theo sự hình thành của một số xu hướng ngoại giao văn hóa trên thế giới.
Dự báo ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục là phương thức ngoại giao được các nước quan tâm. Một số xu hướng phát triển chính của ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế những năm tới gồm:
Thứ nhất, ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục là một phương thức ngoại giao hiệu quả trong quan hệ quốc tế hiện đại, thu h t sự quan tâm của các chủ thể của quan hệ quốc tế, nhất là các quốc gia. Thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã khẳng định tính hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu của công tác đối ngoại của
các quốc gia. Những tác động tích cực mà ngoại giao văn hóa đem lại đối với các nước cũng như vai trò của văn hóa ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quan hệ quốc tế là cơ sở để khẳng định các nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa trong thời gian tới nhằm định vị hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, truyền bá văn hóa ra thế giới bên ngoài, đồng thời gia tăng quyền lực mềm trong đời sống chính trị quốc tế. Các nước lớn như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga,… vẫn sẽ là những quốc gia đi đầu trong tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa trên thế giới nhờ tiềm lực kinh tế dồi dào và hệ thống các trung tâm văn hóa ở nước ngoài. Song, đã, đang và sẽ tiếp tục xuất hiện những nhân tố mới trong hoạt động ngoại giao văn hóa trên thế giới, thu hút sự quan tâm của của đông đảo công chúng như trường hợp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ [161, tr. 37],... Điểm đáng chú ý là một số khu vực trên thế giới trước đây chưa được chú ý trong chiến lược ngoại giao văn hóa của các nước lớn như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh, Trung Á… sẽ được các nước lớn hết sức chú trọng, nhất là khi cuộc chạy đua nhằm giành giật ảnh hưởng, thị trường, quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản… ở những khu vực này đang ngày một nóng lên.
Trong những năm tới, hoạt động ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế sẽ sôi động hơn, với việc các quốc gia sẽ tham gia ngày càng sâu rộng hơn, phương thức và hình thức đa dạng, phong phú hơn. Song, có thể phân định hoạt động ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế thời gian tới thành hai nhóm chủ yếu như sau: Thứ nhất: nhóm có tác động toàn cầu: chủ yếu gồm các nước lớn, có điều kiện và thực lực kinh tế (như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Anh,…) sẽ tập trung triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa ở quy mô toàn cầu, với mục tiêu chủ yếu là tăng cường truyền bá văn hóa ra thế giới, tập trung phát huy ảnh hưởng, thậm chí là “áp đặt” những giá trị văn hóa của họ ra toàn cầu. Thứ hai là nhóm các nước còn lại trên thế giới, với mục tiêu chủ yếu là qua ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, xây dựng lòng tin,
qua đó thúc đẩy hợp tác song phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời bảo vệ nền văn hóa của đất nước trước tiến trình toàn cầu hóa. Các quốc gia này chủ yếu sẽ tập trung hoạt động ngoại giao văn hóa của mình vào những khu vực và những địa bàn trọng điểm, nơi thực sự có ý nghĩa và vai trò chiến lược trong quan hệ chính trị và kinh tế với quốc gia đó.
Việc xây dựng, thành lập các trung tâm văn hóa ở nước ngoài tiếp tục sẽ được nhiều nước quan tâm, bởi đây là công cụ hữu hiệu để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, thúc đẩy truyền bá văn hóa, ngôn ngữ, gia tăng ảnh hưởng của đất nước ở quốc gia nơi đặt trung tâm văn hóa. Điển hình trong xu hướng này là Trung Quốc với mục tiêu xây dựng 1000 Viện Khổng Tử ở nước ngoài vào năm 2020 [192, tr. 30].
Thứ hai, bên cạnh ngoại giao song phương, các nước sẽ đẩy mạnh ngoại
giao văn hóa qua các cơ chế hợp tác đa phương. Tính hiệu quả của việc triển khai
các hoạt động ngoại giao văn hóa đa phương thời gian qua cho thấy việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa qua các kênh hợp tác đa phương mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nước, đặc biệt trong điều kiện nguồn kinh phí của nhiều quốc gia dành cho hoạt động này còn hạn hẹp. Một trong những lợi thế nổi bật của các hoạt động ngoại giao văn hóa đa phương đó là thường được tổ chức vào những dịp đặc biệt của tổ chức đa phương đó và luôn có sự tham dự của nguyên thủ nhiều quốc gia hoặc các nhân vật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông, nhất là các hãng truyền thông quốc tế lớn. Đây là yếu tố hết sức quan trọng bởi như vậy hoạt động ngoại giao văn hóa mà các nước thực hiện không chỉ tác động đến người dân nước tiếp nhận, mà các hoạt động đó còn được quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông quốc tế đến tất cả các quốc gia thuộc cơ chế hợp tác đa phương đó, và rộng hơn là đến toàn thế giới. Mặt khác, một yếu tố khác cũng cần lưu ý đó là khi tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa đa phương, các quốc gia, nhất là các nước nhỏ, luôn cảm thấy “bình đẳng” và tự tin khi nền văn hóa của nước họ được sánh ngang với các nền văn hóa khác trong một sân chơi chung. Những yếu tố thuận lợi này là cơ sở để dự báo ngoại giao văn hóa trong các
cơ chế đa phương sẽ được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Hoạt động ngoại giao văn hóa của một số cơ chế hợp tác đa phương trong những năm gần đây cũng cho thấy xu thế này ngày càng rõ nét. Minh chứng điển hình nhất là quyết tâm của ASEAN trong xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 với 3 trụ cột, trong đó có trụ cột văn hóa-xã hội. Liên minh Châu Âu (EU) cũng hết sức chú trọng đến yếu tố văn hóa. Năm 2006 EU đã thành lập Mạng lưới các Trung tâm Văn hóa của Liên minh Châu Âu (EUNIC) gồm 32 tổ chức thành viên từ 27 quốc gia, với trên 2000 văn phòng, chi nhánh ở trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như hàng ngàn đối tác địa phương [149, tr. 26]. EUNIC có nhiệm vụ quảng bá các giá trị văn hóa của các nước thành viên EU, đóng góp vào sự phát triển của đa dạng văn hóa trong và ngoài EU thông qua các viện, trung tâm văn hóa thành viên. Năm 2007, văn hóa được EU xác định có vai trò then chốt trong quan hệ đối ngoại của EU. Tháng 6 năm 2014 vừa qua, Liên minh Châu Âu đã công bố “Chiến lược văn hóa trong quan hệ đối ngoại của EU”, trong đó phân tích rõ vai trò và tiềm năng của văn hóa trong xây dựng quan hệ và nối tình hữu nghị giữa các dân tộc trong và ngoài EU, cũng như đề ra những giải pháp, những định hướng chiến lược trong quan hệ đối ngoại của EU liên quan đến văn hóa.
Đối với Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), một trong những nội dung hợp tác chính là giao lưu, đối thoại văn hóa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu 5 (ASEM 5) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2004, các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEM đã thảo luận và ra Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh, trong đó khẳng định cần có đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để cùng nhau tháo gỡ những thách thức lớn mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt, khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa và văn minh, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các nước ASEM. Để hiện thực hóa các định hướng này, Quỹ Á-Âu (ASEF) đã được thành lập vào năm 1997 với mục tiêu hỗ trợ tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại văn hóa
nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết sâu sắc lẫn nhau giữa nhân dân châu Á và châu Âu qua các chương trình hợp tác, giao lưu nhân dân, tri thức, văn hóa và tuyên truyền, trong đó đặc biệt ưu tiên các chương trình đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh. Theo báo cáo của ASEF, kể từ khi thành lập đến năm 2014, ASEF đã triển khai trên 700 dự án, thu hút sự tham gia trực tiếp của hơn 20.000 người, ngoài ra còn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng ở cả châu Á và châu Âu thông qua các trang thông tin điện tử, ấn phẩm, triển lãm và hoạt động do ASEF tổ chức [109, tr. 1].
Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), được hình thành vào tháng 4 năm 1996 với mục tiêu ban đầu chỉ giới hạn trong khuôn khổ nâng cao lòng tin và giảm lực lượng quân sự ở khu vực biên giới giữa 5 quốc gia gồm Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Tuy nhiên, đến năm 2002, SCO đã mở rộng hợp tác sang lĩnh vực văn hóa với việc tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng Văn hóa SCO lần thứ nhất tại Bắc Kinh, ra Tuyên bố chung về đẩy mạnh hợp tác văn hóa trong SCO, tổ chức các Liên hoan nghệ thuật, hòa nhạc, triển lãm… giữa các nước thành viên [193].
Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn hợp tác khu vực về kinh tế là chính. Mục tiêu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực các nước thành viên APEC thông qua việc thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư. Song, yếu tố văn hóa và các hoạt động ngoại giao văn hóa lại được đặc biệt coi trọng trong các hoạt động của APEC. Các nền kinh tế thành viên APEC mỗi khi đăng cai Tuần Hội nghị cấp cao APEC và các hội nghị khác của APEC đều hết sức chú trọng việc giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc thông qua các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, các hoạt động văn hóa,… Đặc biệt, điều khiến công luận mong đợi và chờ đón nhiều nhất là trang phục và quà tặng mà nền kinh tế chủ nhà dành cho các Nhà lãnh đạo cấp cao APEC tại Hội nghị. Những hoạt động ngoại giao văn hóa này đã góp phần làm nên một nét văn hóa đặc sắc trong APEC, qua đó củng cố
lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy các chương trình hợp tác và lộ trình thực hiện các mục tiêu Bogor.
Bên cạnh đó, thời gian qua một số tổ chức quốc tế, nhất là UNESCO đã đẩy