Với những cách nhìn nhận ngày càng rõ nét và thực chất hơn, vai trò của văn hóa đang dần chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong xã hội, trở thành mục tiêu và động lực thúc đẩy xã hội phát triển, trở thành yếu tố nội sinh cơ bản, chủ chốt nhất cấu thành sức mạnh mềm của quốc gia. Đặc biệt, kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai đến nay, văn hóa luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước, tác động và ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống chính trị quốc tế, được nhiều nước xác định là “trụ cột thứ ba” - cùng với trụ cột chính trị và trụ cột kinh tế - trong mối quan hệ giữa các quốc gia [230, tr. 108]. Chính sách đối ngoại của các nước đều đề cao vai trò của văn hóa trong quan hệ với thế giới bên ngoài, hay nói cách khác, yếu tố văn hóa ngày càng được chú trọng trong hoạch định và triển khai thực hiện chính sách đối ngoại. Văn hóa được xác định là một trong các trụ cột, phương thức và công cụ quan trọng để triển khai thực hiện và đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại, quản lý theo đúng pháp luật những hoạt động có yếu tố nước ngoài về văn hóa hoặc liên quan đến văn hóa trong lãnh thổ đất nước, đồng thời xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ ra thế giới, tạo nền tảng thiết lập, phát triển và duy trì quan hệ với các quốc gia khác. Một chính sách đối ngoại được xây dựng trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với xu thế khu vực và thế giới, sẽ có sức hấp dẫn và được tôn trọng, đánh giá cao trong quan hệ quốc tế. Bởi khi đó các giá trị văn hóa dân tộc sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho hoạt động ngoại giao, bổ trợ cho hoạt động ngoại giao trong quan hệ với các đối tác để thực hiện hiệu quả và thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế và văn hóa trong quan hệ quốc tế.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, văn hóa đã khẳng định vị trí then chốt, đóng vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh hoặc suy vong của một đất nước. Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối gắn kết các dân tộc trên thế giới, là mục tiêu và động lực phát triển, là nền tảng
gìn giữ và bảo vệ hòa bình, là nhân tố để thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Trên thế giới có không ít các nước đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa của mình, tạo ra sức mạnh, sức hấp dẫn, sức thu hút mạnh mẽ trong mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những thập kỷ gần đây, các nước đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại, thể hiện qua hàng loạt sự kiện văn hóa được các nước tổ chức ở ngoài lãnh thổ quốc gia. Xu thế này khẳng định vai trò không thể thiếu của văn hóa trong thúc đẩy hợp tác giữa một quốc gia với một hoặc nhiều nước trên thế giới, đồng thời khẳng định vị trí của văn hóa trong đời sống chính trị quốc tế. Đưa văn hóa quốc gia ra thế giới bên ngoài chính là phát huy vai trò của văn hóa quốc gia và ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế, góp phần tăng khả năng cạnh tranh, sức thu hút và hấp dẫn cho đất nước, nâng cao hình ảnh, vị thế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài làm giàu văn hóa quốc gia. Trên thực tế, hoạt động đối ngoại từ xưa đến nay luôn bao hàm sự giao lưu về các giá trị văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Bản chất của hoạt động đối ngoại luôn ẩn chứa nội hàm văn hóa sâu đậm và văn hóa được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong quan hệ quốc tế, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc như hiện nay.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu của Đại học St. Peterburg (Liên bang Nga), khái niệm “văn hóa đối ngoại” mới được đưa vào sử dụng trong một số văn bản chính thức của các nước như Nga, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Áo… và trong một số công trình nghiên cứu về chính trị và ngoại giao trên thế giới vào đầu thế kỷ XXI [111, tr. 1731] và vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nội hàm của khái niệm này. Cụm từ vẫn được sử dụng nhiều từ trước đến nay là “giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa”. Xét về bản chất, “giao lưu văn hóa quốc tế” hay “hợp tác quốc tế về văn hóa” của một quốc gia là việc tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa với một quốc gia khác trên cơ sở những thỏa thuận, nhất trí giữa hai bên và có đi có lại. Còn “văn hóa đối ngoại”
lại bao hàm một phạm vi rộng hơn, mang tính chủ trương, định hướng, chính sách và cả hành động của một quốc gia trong thúc đẩy, truyền bá, xuất khẩu văn hóa và các sản phẩm văn hóa của mình ra thế giới, cũng như trong quản lý các hoạt động văn hóa mang yếu tố nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia đó. Các hoạt động văn hóa đối ngoại có thể gồm cả những hoạt động hợp tác và giao lưu quốc tế được thỏa thuận, và bao gồm cả những hoạt động văn hóa mà một quốc gia xét thấy cần thiết phải triển khai. Đặc biệt, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thời gian qua đã có những tác động sâu rộng đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên thế giới. Đời sống văn hóa, nghệ thuật ở các nước đều có sự xuất hiện, tham gia và đan xen của yếu tố nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực của văn hóa, nghệ thuật, đòi hỏi cơ quan nhà nước phải có những chính sách để quản lý, điều tiết theo luật định. Vì vậy, nội hàm “văn hóa đối ngoại” cần được cập nhật, bổ sung để theo kịp với những thay đổi của thực tiễn đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật trên thế giới.
Từ những phân tích trên, có thể khái quát một số nội dung liên quan đến khái niệm văn hóa đối ngoại như sau. Thứ nhất, nhìn từ góc độ chính sách, văn hóa đối ngoại là một bộ phận trong đường lối, chính sách đối ngoại của một quốc gia, bên cạnh các chính sách chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại. Văn hóa đối ngoại là những chủ trương, đường lối, chính sách, hệ thống luật pháp, văn bản dưới luật của một quốc gia về hợp tác về văn hóa hoặc liên quan đến văn hóa với nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài, kể cả hợp tác song phương và đa phương. Văn hóa đối ngoại là bộ phận của công tác đối ngoại, do đó, mục tiêu của văn hóa đối ngoại nằm trong mục tiêu của công tác đối ngoại của đất nước. Do tính đa dạng, đa lĩnh vực của văn hóa nên ít khi có văn bản pháp luật riêng về văn hóa đối ngoại, mà hệ thống văn bản luật pháp, chính sách về văn hóa đối ngoại luôn được thể hiện lồng ghép trong các chính sách của nhà nước về văn hóa, những văn bản pháp luật về từng lĩnh vực của văn hóa, văn học, nghệ thuật, bao gồm cả những văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật,
nhiếp ảnh, triển lãm, văn học, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ dân tộc thiểu số, kiến trúc, di sản văn hóa, bảo tàng, thư viện, xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình, công nghiệp văn hóa, xuất nhập khẩu các ấn phẩm, sản phẩm của công nghiệp văn hóa, sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, quảng cáo, quảng bá hình ảnh quốc gia,.... Ngoài ra, hệ thống luật pháp về văn hóa đối ngoại còn bao hàm cả những cam kết của quốc gia cũng như những điều kiện ràng buộc mà một quốc gia đặt ra cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với các nước, các tổ chức trong các hiệp định thương mại, đầu tư, thuế quan song phương và đa phương mà quốc gia đó tham gia hoặc ký kết.
Thứ hai, nhìn từ góc độ hoạt động cụ thể, văn hóa đối ngoại là tất cả các
hoạt động văn hóa và liên quan đến văn hóa mà một quốc gia thực hiện nhằm triển khai chính sách văn hóa đối ngoại, góp phần thực hiện các mục tiêu đối ngoại của đất nước. Các hoạt động ở đây phải được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, không đơn thuần chỉ là việc tổ chức các sự kiện giới thiệu văn hóa, nghệ thuật ra nước ngoài, mà cần hiểu nó gồm 2 nhóm: (i) hoạt động nghiệp vụ về văn hóa đối ngoại, và (ii) hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa đối ngoại. Nhóm hoạt động nghiệp vụ về văn hóa đối ngoại là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hoặc liên quan đến văn hóa, nghệ thuật do các cơ quan, tổ chức, cá nhân của một quốc gia thực hiện ở bên ngoài hoặc trong lãnh thổ của quốc gia đó mà đối tượng tác động hoặc gây ảnh hưởng có thể là người nước ngoài, người dân của quốc gia đó ở nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài, với mục đích giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc, hình ảnh đất nước, con người ra thế giới, tạo nền tảng cơ sở vững chắc để xây dựng lòng tin, thiết lập, phát triển và duy trì quan hệ với các quốc gia khác; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu và phong phú thêm cho nền văn hóa nước nhà, nâng cao trình độ thẩm mỹ, nhận thức của nhân dân, tiếp thu những kinh nghiệm hay của thế giới trong quản lý và phát triển văn hóa; tạo cơ sở cho xuất khẩu, quảng bá các sản phẩm của công nghiệp văn hóa của quốc gia ra thế giới; góp phần thực hiện những mục tiêu của công tác đối
ngoại, đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch. Nhóm hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa đối ngoại là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia đối với tất cả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hoặc liên quan đến văn hóa, nghệ thuật có yếu tố nước ngoài được tổ chức trên lãnh thổ của quốc gia đó, kể cả các hoạt động nhập khẩu văn hóa phẩm, đầu tư sản xuất các sản phẩm văn hóa, kinh doanh văn hóa, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, trình diễn... nhằm đảm bảo các hoạt động đó được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, ngoài hai nội hàm theo nghĩa rộng nêu trên, ở một phạm vi hẹp, “văn hóa đối ngoại” còn được hiểu là “văn hóa ứng xử trong quan hệ đối ngoại”. Theo nghĩa này, văn hóa đối ngoại có thể được hiểu là văn hóa ứng xử giữa một quốc gia với một hoặc nhiều quốc gia khác; giữa một vị nguyên thủ, nhà ngoại giao, nhân dân của quốc gia này với nguyên thủ, nhà ngoại giao và nhân dân của quốc gia khác. Ở đây chủ yếu đề cập đến “hành vi”, “thái độ”, “cách ứng xử” giữa con người của quốc gia này với con người của quốc gia khác trong quan hệ đối ngoại.
Như vậy, có thể thấy khái niệm “văn hóa đối ngoại” rất rộng, bao hàm nhiều nội dung và liên tục được bổ sung, cập nhật theo sự phát triển của xã hội, của quan hệ quốc tế và đời sống văn hóa, nghệ thuật trên thế giới chứ không đơn thuần chỉ gồm những hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa ra thế giới bên ngoài. Qua những phân tích về khái niệm văn hóa đối ngoại nêu trên, luận án khái quát một số nội hàm cơ bản của khái niệm “văn hóa đối ngoại” như sau: (i) Văn hóa đối ngoại là bộ phận của chính sách đối ngoại của quốc gia, gồm hệ thống các chủ trương, đường lối, chính sách, luật pháp, văn bản dưới luật của quốc gia về hợp tác về văn hóa hoặc liên quan đến văn hóa với nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài, kể cả hợp tác song phương và đa phương; (ii) Là hoạt động quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa hoặc liên quan đến văn hóa có yếu tố nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia, đảm bảo các hoạt động đó theo
đúng quy định của pháp luật; (iii) Là hoạt động giới thiệu văn hóa, đất nước, con người của quốc gia ra thế giới, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và cảm tình của nhân dân thế giới về quốc gia đó, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đồng thời góp phần thực hiện và bảo vệ đa dạng văn hóa trên thế giới theo Tuyên bố toàn cầu về Đa đạng văn hóa năm 2001 của UNESCO; (iv) Tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của các nền văn hóa nước ngoài, phổ biến những kinh nghiệm tốt về xây dựng và phát triển văn hóa của các nước, làm phong phú và giàu mạnh thêm nền văn hóa dân tộc; (v) Gìn giữ truyền thống, duy trì bản sắc văn hóa trong cộng đồng người dân của quốc gia đang sinh sống và học tập, lao động ở nước ngoài, duy trì sự gắn kết mật thiết với nhân dân trong nước (vi) Thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa phẩm của quốc gia ra thế giới; (vii) Thực hiện các cam kết của quốc gia và những điều kiện ràng buộc của quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu văn hóa, nghệ thuật trong các hiệp định hợp tác, đầu tư song phương và đa phương; (viii) Ngăn ngừa sự thâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, làm phương hại tới văn hóa, thuần phong mỹ tục và đạo đức trong nước.