Trên thế giới vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về ngoại giao văn hóa, thậm chí còn có kiến cho rằng ngoại giao văn hóa là hợp tác quốc tế về văn hóa [225, tr. 3]. Nhiều nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế và nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã đưa ra những cách luận giải khác nhau về vấn đề này. Một số khái niệm tiêu biểu về ngoại giao văn hóa gồm: (i) “Ngoại giao văn hóa là những phương thức mà một quốc gia sử dụng để quảng bá các giá trị văn hóa và chính trị ra thế giới” [141, tr. 30] (Từ điển Ngoại giao văn hóa, Viện Ngoại giao văn hóa Đức); (ii) “Ngoại giao văn hóa là sự giao lưu những tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, lối sống, hệ giá trị, truyền thống, tín ngưỡng và các phương diện khác của văn hóa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc” [118, tr. 1] (Milton C. Cummings Jr., Trung tâm nghệ thuật và văn hóa Mỹ);
(iii) “Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao nhấn mạnh tới sự thừa nhận văn hóa và hiểu biết lẫn nhau như là một cơ sở của đối thoại” [45, tr. 2] (Simeon Adebolu, thành viên Hiệp hội các nhà ngoại giao thương mại Anh); (iv) “Ngoại giao văn hóa là tổng thể các hoạt động được triển khai bằng và trên cơ sở trao đổi, giao lưu các giá trị, tư tưởng, truyền thống, phong tục, bản sắc và các loại hình khác của văn hóa, nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ, đẩy mạnh hợp tác văn hóa-xã hội hoặc thúc đẩy các lợi ích quốc gia; ngoại giao văn hóa có thể được triển khai bởi khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự” [141, tr. 30-31] (Emil Constantinescu, Chủ tịch Học viện Ngoại giao văn hóa, Viện Ngoại giao văn hóa, nguyên Tổng thống Rumani từ 1996-2000); (v) “Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực ngoại giao liên quan đến việc thiết lập, phát triển và duy trì các mối quan hệ với các quốc gia khác thông qua văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Nó cũng là một quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, trong đó các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương” [98, tr. 121] (Tạp chí Ngoại giao Văn hóa); (vi) “Ngoại giao văn hóa là lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, liên quan đến sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại của quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia trên thế giới” [98, tr. 123] (Tạp chí “Công tác ngoại giao” của Đại học Quan hệ quốc tế Mátxcơva).
Những khái niệm về ngoại giao văn hóa trên thế giới nêu trên cho thấy ngoại giao văn hóa liên quan chặt chẽ với “quyền lực mềm” - khái niệm mà J. Nye đã nêu năm 2004, đặc biệt là ngoại giao văn hóa góp phần gia tăng sức mạnh mềm của một quốc gia trên trường quốc tế. Như ở phần trên đã nêu, quyền lực mềm chỉ phát huy hiệu quả khi nó được truyền bá ra thế giới bên ngoài. Ngoại giao văn hóa chính là để truyền tải quyền lực mềm của quốc gia ra ngoài cương giới lãnh thổ. Qua những khái niệm nêu trên có thể thấy nét chung nhất đó là các khái niệm đều nhìn nhận rất rõ về “phương thức” của ngoại giao văn hóa, đó là sự giao lưu, trao
đổi văn hóa, nghệ thuật giữa một quốc gia với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, chưa có khái niệm nào nêu tổng quát được 3 thành tố cơ bản, quan trọng nhất của ngoại giao văn hóa, gồm: chủ thể của ngoại giao văn hóa, phương thức/hình thức ngoại giao văn hóa, và mục tiêu của ngoại giao văn hóa.
Ở trong nước, cũng đã có nhiều ý kiến xung quanh khái niệm ngoại giao văn hóa. Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: “Đó là ngoại giao giữa các nước chung quanh những vấn đề mang nội dung văn hóa nhằm đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả hai phía” [8, tr. 57]; Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO của Bộ Ngoại giao: “Ngoại giao văn hóa là một hoạt động đối ngoại, được nhà nước tổ chức, ủng hộ hoặc bảo trợ. Hoạt động này được triển khai trong một thời gian nhất định nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, đối ngoại xác định, bằng các hình thức văn hóa như: nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, truyền thống, ẩm thực, phim, ấn phẩm, văn học” [8, tr. 18]. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất cao về khái niệm, cách nhìn nhận về ngoại giao văn hóa còn tương đối đa dạng và theo nhiều xuất phát điểm khác nhau. Ngay trong “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020”, ban hành theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ “Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực, khái niệm mới, nội hàm đang trong giai đoạn xác định” [93, tr. 3].
Xét về bản chất, khái niệm “Ngoại giao văn hóa” là khái niệm đa lĩnh vực, mang tính liên ngành. Để có thể hiểu rõ hơn khái niệm ngoại giao văn hóa, phải phân định rõ “ngoại giao” và “văn hóa”. Về khái niệm “văn hóa”, luận án đã làm rõ ở tiết 1.1.2 của chương này. Về khái niệm “ngoại giao”, tuy vẫn tồn tại nhiều cách luận giải về khái niệm này trong các học thuyết về quan hệ quốc tế, song luận án chọn khái niệm tương đối phổ biến và được nhiều nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế sử dụng, đó là “Ngoại giao là công cụ để thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia bằng những biện pháp hòa bình” [187, tr. 3].
Như vậy, ngoại giao văn hóa là công cụ để thực hiện chính sách đối ngoại, cùng với các công cụ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế để thực hiện thắng
lợi các mục tiêu đối ngoại của nhà nước. Tuy nhiên, ngoại giao văn hóa không phải là công cụ ngoại giao đơn thuần mà là công cụ liên ngành, bởi nó có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với văn hóa, sử dụng văn hóa và qua văn hóa để thực hiện những nhiệm vụ của chính sách đối ngoại. Mục tiêu cao nhất của ngoại giao văn hóa là góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chính sách đối ngoại của nhà nước, trong đó rõ nét nhất là mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các giá trị văn hóa của nhau, tạo nền tảng và cơ sở cho xây dựng lòng tin, qua đó duy trì mối quan hệ ổn định và lâu bền giữa các quốc gia. Tuy nhiên, phân tích ở những góc độ cụ thể thì mục tiêu của ngoại giao văn hóa tương đối đa dạng, trong đó có thể nêu một số mục tiêu cơ bản như: (i) quảng bá, giới thiệu một cách rõ nét những giá trị văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, lối sống, đời sống nghệ thuật... của đất nước; (ii) xây dựng và quảng bá một hình ảnh tích cực của quốc gia trên thế giới; (iii) định vị đất nước trong đời sống chính trị-văn hóa quốc tế; (iv) tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư của đất nước với nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa cũng là công cụ thực hiện chính sách văn hóa đối ngoại, cụ thể là chính sách, quy định về văn hóa có yếu tố nước ngoài, các thỏa thuận, hiệp định hợp tác quốc tế về văn hóa hoặc có liên quan đến văn hóa của nhà nước và các công ước quốc tế về văn hóa mà nhà nước tham gia, bởi nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa chính là sự cụ thể hóa các thỏa thuận, hiệp định hợp tác giữa các nhà nước về văn hóa. Vì vậy, có thể khẳng định chủ thể quan trọng nhất của ngoại giao văn hóa là nhà nước. Vai trò của nhà nước đối với ngoại giao văn hóa thể hiện ở 5 nội dung chính sau: (i) Hoạch định, đề ra các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch ngoại giao văn hóa của đất nước; (ii) Chỉ đạo, điều phối, tổ chức triển khai thực hiện chính sách và chiến lược ngoại giao văn hóa trong cả nước; (iii) Bố trí và huy động nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và vật lực để thực hiện (iv) Thực hiện công tác quản lý nhà nước
trên phạm vi cả nước việc triển khai thực hiện chính sách ngoại giao văn hóa, bao gồm cả công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát, thanh tra, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng…; (v) Cùng các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá kết quả thực hiện các chương trình ngoại giao văn hóa đã ký kết; đàm phán, thiết lập, ký kết mở rộng quan hệ ngoại giao văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế khác trên thế giới. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về ngoại giao và về văn hóa phải có sự phối hợp hết sức nhịp nhàng để có thể triển khai thắng lợi chính sách, chiến lược ngoại giao văn hóa của nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh chủ thể chính và quan trọng nhất của ngoại giao văn hóa là nhà nước, cần lưu ý sự xuất hiện và tham gia ngày càng rõ nét của một số chủ thể khác của quan hệ quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, các công ty xuyên quốc gia, các trung tâm/viện/cơ sở văn hóa, nghệ thuật tư nhân hoặc không thuộc cơ quan nhà nước, các tập đoàn/doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài lĩnh vực văn hóa,… Văn hóa là khái niệm rất rộng, vì vậy tất cả những hoạt động giao lưu giữa một quốc gia với một hoặc nhiều quốc gia khác có liên quan đến văn hóa như văn học, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, văn nghệ dân gian, phong tục, ẩm thực, trang phục truyền thống, nghề thủ công truyền thống,… đều có thể nằm trong nội hàm của ngoại giao văn hóa, vì vậy nó tạo điều kiện cho những chủ thể phi nhà nước tham gia và phát huy vai trò của mình. Mặc dù so với 5 vai trò chính của nhà nước đối với ngoại giao văn hóa như phân tích ở trên thì vai trò của những chủ thể phi nhà nước có những hạn chế nhất định, song phải thừa nhận rằng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, nhu cầu đa dạng hóa các nguồn lực cho ngoại giao văn hóa ngày càng trở nên cần thiết, và sự tham gia của các chủ thể phi nhà nước ngày càng trở nên quan trọng và có tác động tích cực trong triển khai công tác ngoại giao văn hóa của quốc gia.
Ngoại giao văn hóa là công cụ để thực hiện chính sách đối ngoại của đất nước, là hình thức ngoại giao về bản chất, tuy nhiên phương thức thực hiện lại khác về cơ bản so với các hình thức ngoại giao khác. Phương thức hoạt động của ngoại giao văn hóa gắn kết chặt chẽ với các hoạt động phổ quát, truyền bá, quảng bá văn hóa, giá trị văn hóa của quốc gia (nước gửi đi) ra thế giới, có thể đến một hoặc nhiều nước khác (nước tiếp nhận), trong đó bao gồm cả việc phổ quát ngôn ngữ quốc gia, hình ảnh đất nước, con người, phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật, điện ảnh, mỹ thuật, văn học,…; truyền bá và giải thích, làm rõ những giá trị văn hóa dân tộc cho chính giới và công chúng của nước tiếp nhận; khuyến khích các loại hình hợp tác văn hóa giữa các chủ thể văn hóa của nước gửi đi với nước tiếp nhận. Một trong những phương thức hoạt động khác cũng không kém phần quan trọng của ngoại giao văn hóa đó là đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác văn hóa giữa quốc gia với các nước, các tổ chức đa phương trên thế giới. Việc triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận quốc tế này đặt ra một yêu cầu thực tế đó là ngoại giao văn hóa là một tiến trình hai chiều, có đi có lại. Nước gửi đi có trách nhiệm hỗ trợ nước tiếp nhận trong việc tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa của nước tiếp nhận trên lãnh thổ của mình khi có yêu cầu. Ngoài ra, một trong những phương thức hoạt động khác của ngoại giao văn hóa đó là hỗ trợ và duy trì mối liên kết văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán,… giữa nước gửi đi với các kiều dân của họ ở nước tiếp nhận, qua đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều dân của mình tại nước tiếp nhận. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước gửi đi bởi bản sắc văn hóa dân tộc của họ được bảo tồn và hiện diện hàng ngày, hàng giờ tại nước tiếp nhận, tác động trực tiếp đến chính giới và công chúng của nước tiếp nhận, dễ mang lại sự thân thiện, gắn bó, đồng cảm, yêu mến và mong muốn được khám phá, tìm hiểu sâu hơn nữa về giá trị văn hóa của nước gửi đi trong cộng đồng nhân dân của nước tiếp nhận.
Trên cơ sở những khái niệm, quan điểm của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước, cũng như những phân tích về chủ thể, phương thức và mục tiêu của ngoại giao văn hóa nêu trên, luận án xây dựng khái niệm về ngoại giao văn hóa như sau: “Ngoại giao văn hóa là hình thức ngoại giao, do nhà nước làm chủ đạo, điều phối, với sự tham gia của nhiều chủ thể phi nhà nước khác trong xã hội, thể hiện qua sự quảng bá, giới thiệu, giao lưu các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và các phương diện khác của văn hóa giữa một quốc gia với một hoặc nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhằm đạt được những mục tiêu của chính sách đối ngoại của đất nước”.
Văn hóa là sản phẩm của của con người, hay rộng hơn, của dân tộc. Như C. Mác và P. Ănghen đã chỉ rõ, giao lưu và tiếp biến văn hóa là nhu cầu tất yếu của các dân tộc. Các quốc gia ngày nay không thể không sử dụng công cụ ngoại giao văn hóa trong thực hiện chính sách đối ngoại của mình. Ngoại giao văn hóa là một phương thức của ngoại giao hiện đại, được triển khai thực hiện bằng nhiều loại hình, nhiều hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu, mục đích của một quốc gia trong quan hệ với một hoặc nhiều quốc gia khác. Có thể nói, ngoại giao văn hóa là nhu cầu tất yếu của các nước trong thúc đẩy quan hệ với thế giới bên ngoài, tồn tại và phát triển cùng đời sống chính trị quốc tế. Hình thức, quy mô, tính chất và nội dung của các hoạt động ngoại giao văn hóa cụ thể của mỗi nước sẽ có những sự thay đổi khác nhau, phụ thuộc vào mục tiêu và yêu cầu của công tác đối ngoại, cũng như phụ thuộc vào địa bàn và đối tác cụ thể mà một quốc gia xác định trong chính sách đối ngoại của mình.
Ngoại giao văn hóa là một tiến trình hai chiều giữa quốc gia gửi đi với quốc gia tiếp nhận. Đây là nội hàm mang tính quy luật của ngoại giao văn hóa mà các chủ thể phải tôn trọng. Vừa quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới bên ngoài, nhưng đồng thời phải biết tôn trọng những giá trị văn hóa của dân tộc khác. Ở chiều đi đó là những nỗ lực của quốc gia gửi đi trong quảng bá hình ảnh đất nước, những giá trị văn hóa của mình đến quốc gia tiếp
nhận. Và ở chiều ngược lại đó là hiểu sâu thêm về nền văn hóa, những giá trị văn