Cách mạng khoa học và công nghệ

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 71)

Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ tin học thời gian qua đã góp phần làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Công nghệ số và mạng internet đã làm cho thế giới trở thành nhỏ bé, mọi sự kiện dù xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể được chia sẻ ngay lập tức và trực tiếp với toàn thế giới. Thông tin giữa hàng tỉ người với nhau được tính bằng giây. Cũng nhờ internet, mọi thông tin về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người có thể được truyền tải đến mọi ngõ ngách ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới nếu ở đó có thiết bị và điều kiện truy cập internet.

Cách mạng khoa học và công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến ngoại giao văn hóa, góp phần làm thay đổi căn bản hình thức hoạt động cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động ngoại giao văn hóa. Nếu như trước đây, một hoạt động ngoại giao văn hóa chỉ có thể tác động đến một số lượng công chúng nhất định ở một quốc gia, thì nay, nhờ công nghệ thông tin, một hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ tác động đến đa số công chúng của quốc gia đó, mà còn có thể tác động tới công chúng của nhiều quốc gia, thậm chí là tác động đến toàn cầu. Hơn thế nữa, nhờ công nghệ thông tin, một hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở trong nước cũng có thể mang yếu tố đối ngoại và có thể tác động đến người dân

các nước khác. Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ số đã đưa “mạng internet” trở thành “không gian internet” hợp nhất, đa ứng dụng khi toàn bộ công nghệ viễn thông, truyền hình, truyền thanh, điện ảnh, điện thoại, thông tin... đều được chia sẻ trên “không gian internet”. Nhờ cách mạng khoa học và công nghệ, giờ đây người dân các nước có thể tìm hiểu các nét văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống, trải nghiệm phong cảnh thiên nhiên, đất nước, con người của các quốc gia khác chỉ với một cú nhấp chuột. Công nghệ 3D làm cho người sử dụng được trải nghiệm không gian văn hóa sống động, hấp dẫn không thua kém trải nghiệm thực tế. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, các quốc gia có xu hướng tăng cường ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động ngoại giao văn hóa.

Điển hình trong áp dụng công nghệ số phục vụ cho hoạt động ngoại giao văn hóa là Vương quốc Anh. Hội đồng Anh (British Council) - một trong số các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong triển khai ngoại giao văn hóa của Vương quốc Anh đã đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của mình. Hội đồng Anh với nhiệm vụ then chốt là thúc đẩy hiểu biết về Vương quốc Anh, đẩy mạnh việc sử dụng tiếng Anh trên thế giới và tăng cường quan hệ văn hóa gần gũi hơn với các nước trên thế giới. Hội đồng Anh có mạng lưới chi nhánh tại trên 100 quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của Hội đồng Anh, trong năm tài chính 2013-2014, Hội đồng Anh đã thu hút 10,9 triệu lượt người tham gia các hoạt động trực tiếp tại Hội đồng; 11,6 triệu lượt người tham gia các hoạt động triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, có 116 triệu người tham gia các hoạt động của Hội đồng Anh thông qua các ứng dụng công nghệ số như hội thảo trực tuyến, lớp học trực tuyến, các hoạt động truyền thông trực tuyến, tăng 26% so với năm trước. Bên cạnh đó, có 465 triệu lượt người đã xem, nghe và đọc các chương trình, ấn phẩm của Hội đồng Anh [114, tr. 13]. Tây Ban Nha thành lập các Trung tâm Xéc-van-téc điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học bổ trợ cho các hoạt động quảng bá văn

hóa và giảng dạy ngôn ngữ Tây Ban Nha của hệ thống các Viện Xéc-van-téc trên thế giới [215, tr. 34].

Sự phát triển của khoa học và công nghệ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghệ điện ảnh, truyền hình, các sản phẩm ứng dụng công nghệ nghe - nhìn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, các phần mềm trò chơi điện tử,… Việc mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với một quốc gia, bởi nó tác động trực tiếp đến thành công của ngoại giao văn hóa của quốc gia đó trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng những tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, cùng với những nỗ lực của các nước trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, đã góp phần cải thiện đáng kể trình độ dân trí và đời sống của người dân ở các nước, nhất là các nước đang phát triển. Sự cải thiện về trình độ dân trí và mức sống được nâng cao đã góp phần làm gia tăng nhu cầu văn hóa, trong đó có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm, hưởng thụ những giá trị văn hóa trên thế giới. Thể hiện rõ nét nhất đó là ngày càng có nhiều người dân trên thế giới đi du lịch ra nước ngoài để khám phá, trải nghiệm những nền văn hóa mới. Nếu năm 1995 toàn thế giới mới có 528 triệu lượt người đi du lịch ra nước ngoài thì năm 2013 đã tăng vọt lên 1.087 triệu lượt người, trong đó đáng chú ý là lượng khách đi du lịch nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển tăng từ 193 triệu lượt năm 1995 lên 506 triệu lượt năm 2013 (đạt 262,2%), tăng nhiều hơn mức tăng của toàn thế giới (205,5%) [199, tr. 4]. Đây cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa trên thế giới.

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)