Giao lưu và tiếp biến văn hóa

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 33)

Giao lưu văn hóa xuất hiện và tồn tại từ lâu trong lịch sử, là quy luật sinh tồn và phát triển của các nền văn hóa, là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người. Mỗi dân tộc, mỗi con người chỉ tồn tại và phát triển được trong quá trình trao đổi giữa bản thân mình với thế giới xung quanh. Bản thân văn hóa đã có tính mở, và do vậy giúp cho các nền văn hóa có sự giao lưu, tiếp biến và phát triển. Sự giao lưu giữa các nền văn hóa có thể xảy ra trên diện rộng (giữa phương Đông và phương Tây) hoặc trên diện hẹp (giữa nền văn hóa của quốc gia này với quốc gia khác). Cùng với quá trình toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa ngày nay đã trở thành một hiện tượng phổ biến.

Trong đời sống nhân loại, hiện tượng tiếp xúc, giao lưu văn hóa là tất yếu. Giao lưu văn hóa là sự bổ sung các giá trị văn hóa giữa các dân tộc. Nói một cách khác, nền văn hóa của một quốc gia hay một dân tộc sẽ có xu hướng tiếp xúc, giao lưu, giao thoa, tiếp biến với bên ngoài. Giao lưu văn hóa là sự tiếp xúc và trao đổi qua lại trong một quá trình lâu dài, trực tiếp giữa hai nền văn hóa của hai cộng đồng người khác nhau. Giao lưu văn hóa là sự vận động thường xuyên của văn hóa. Nó không chỉ là động lực phát triển của văn hóa mà còn là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Chính sự đa dạng của các nền văn hóa đã làm nảy sinh nhu cầu giao lưu và đối thoại văn hóa. Sự giao lưu văn hóa trên thế giới có những nét phổ quát và những nét đặc thù. Giao lưu văn hóa bao hàm trong đó sự chung sống của ít nhất hai nền văn hóa (của hai cộng đồng, hai dân tộc, hai đất nước) và giao lưu là hình thức quan hệ trao đổi văn hóa cùng có lợi, giúp đáp ứng một số nhu cầu không thể tự thỏa mãn của mỗi bên, giúp tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa để từ đó làm nảy sinh nhiều nhu cầu mới thúc đẩy mỗi nền văn hóa phát triển. Do đó giao lưu văn hóa là dạng cộng sinh giữa các nền văn hóa.

Các nền văn hóa có thể từ tiếp x c đến giao lưu với nhau, và trong quá trình giao lưu ấy có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hóa này thâm

nhập vào nền văn hóa kia (tiếp thu thụ động) hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa kia (tiếp thu chủ động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh (endogenous) và ngoại sinh (exogenous) ấy mà điều chỉnh, biến cải cho phù hợp, gây ra sự tiếp biến văn hóa (acculturation).

Bản thân giao lưu văn hóa không gây ra sự đồng hóa văn hóa, điều này lại càng chắc chắn trong trường hợp nền văn hóa bản địa giao lưu đồng thời với nhiều nền văn hóa bên ngoài. Một nền văn hóa chỉ có thể bị đồng hóa với nền văn hóa khác nếu sức mạnh bên trong của nó không đủ để thực hiện tiếp biến văn hóa, mà chỉ đơn thuần tiếp nhận trong quá trình giao lưu.

Nhà nghiên cứu Lê Thanh Bình, trong công trình nghiên cứu “Giao thoa văn hóa và chính sách ngoại giao văn hóa Việt Nam” đã liệt kê và hệ thống hóa nhiều quan điểm và luận giải của các nhà nghiên cứu nước ngoài về giao thoa văn hóa. Trong đó có một số luận điểm đáng chú ý như Judith L. Gillies cho rằng “giao thoa văn hóa là quá trình tìm đến sự thích nghi, vận động và phát triển; quá trình giao thoa văn hóa luôn để lại những dấu ấn cho mỗi nền văn hóa và cần có điểm cân bằng. Đây là yếu tố quan trọng để các nền văn hóa duy trì được sự tồn tại, không bị rơi vào thế yếu và bị lụi tàn”. Còn Larry R. Petersen cho rằng “Sự giao thoa văn hóa là cơ sở để một nền văn hóa nhận thức lại mình, tìm ra những yếu tố mới từ văn hóa bên ngoài để tiếp thu và phát triển”. Các giá trị xã hội của một quốc gia cũng chịu những tác động nhất định từ giao thoa văn hóa. Điều quan trọng là cần có sự định hướng cho quá trình giao tiếp giữa các nền văn hóa. Quá trình giao thoa văn hóa không thể để cho tự phát, thiếu sự định hướng bởi quá trình này không phải bao giờ cũng diễn ra theo đường hướng tích cực. Duane Elmer với luận điểm “Giao thoa văn hóa là một hình thức kết nối các nền văn hóa, tạo ra sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa bản địa và văn hóa nước ngoài”. Giao thoa văn hóa là một hiện tượng tất yếu của lịch sử văn hóa và lịch sử văn minh nhân loại. Một nền văn hóa từ bản địa bước ra với giá trị văn hóa chung và tạo thành những dòng chảy văn hóa [7, tr. 37-38].

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, giao lưu văn hóa có vai trò rất quan trọng đối với mỗi nền văn hóa. Giao lưu văn hóa là sự bổ sung các giá trị văn hóa giữa các dân tộc. Giao lưu và tiếp biến văn hóa tạo ra nền tảng cho việc phát triển văn hóa, tạo điều kiện tiếp thu các giá trị văn hóa mới, nâng tầm các giá trị văn hóa, hướng đến giá trị văn hóa nhân loại. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph. Ănghen khẳng định “Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới” [16, tr. 602].

Giao lưu văn hóa là quy luật tất yếu mà không một nền văn hóa nào có thể đứng ngoài. Bản chất sâu xa của giao lưu văn hóa là một tiến trình vận động và chọn lọc tự nhiên của văn hóa. Mọi tác động của ý chí chính trị đối với giao lưu văn hóa đều ảnh hưởng nhất định đến kết quả của tiến trình đó. Một nền văn hóa muốn phát triển, cập nhật và ngang tầm thời đại thì không thể khép mình, đóng cửa với thế giới bên ngoài. Cũng không thể dùng ý chí chính trị để dùng một nền văn hóa “đồng hóa” một nền văn hóa khác. Lịch sử cổ đại và trung đại đã ghi nhận những nỗ lực chính trị trong đồng hóa một nền văn hóa khác và kết cục không được như mong muốn, thậm chí nền văn hóa của đất nước bị chinh phục còn quay lại chinh phục nền văn hóa của kẻ chinh phục mình như trường hợp nền văn hóa Hy Lạp cổ đại sau khi bị La Mã chinh phục đã quay trở lại, tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa La Mã [84, tr. 194].

Trong quá trình phát triển, mỗi nền văn hóa đều tiếp xúc, giao lưu và đối thoại với nhiều nền văn hóa khác nhau. Quá trình giao lưu và tiếp biến giữa các nền văn hóa là cơ sở để một nền văn hóa tiếp thu các giá trị mới, đồng thời phổ quát các giá trị của mình ra thế giới. Giao lưu văn hóa nhằm tăng cường nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về những giá trị chung của toàn nhân loại và tôn trọng sự khác biệt của mỗi dân tộc, đồng thời tạo cơ hội cho các nền văn hóa hợp

tác cùng chung sống hòa bình, vì sự phát triển bền vững. Qua tiếp xúc, giao lưu và đối thoại văn hóa, giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng nhờ đó được làm giàu, phong phú, sáng tạo hơn. Ngày nay, không một dân tộc trên thế giới nào tồn tại tách biệt mà không có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Giao lưu văn hóa là nhu cầu nội tại của sự phát triển văn hóa, làm giàu bản sắc văn hóa và chia sẻ giá trị với các nền văn hóa khác. Một nền văn hóa không có sự giao lưu thì sẽ xơ cứng, không được tiếp thêm nguồn lực, mất sức sống, dần dần sẽ lụi tàn. Quy luật này tác động trực tiếp đến các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và nhất là tác động đến chính sách và hoạt động ngoại giao văn hóa của các nước. Như vậy, có thể khẳng định, giữa giao lưu văn hóa có mối quan hệ qua lại với ngoại giao văn hóa. Giao lưu văn hóa tác động và ảnh hưởng đến ngoại giao văn hóa và ngược lại. Giao lưu văn hóa làm phong phú các hoạt động ngoại giao văn hóa, góp phần hình thành chính sách ngoại giao văn hóa của một quốc gia. Ngược lại, chính sách ngoại giao văn hóa chủ động, phù hợp của đất nước sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa ở một cấp độ cao hơn.

Nắm rõ và tôn trọng bản chất, tính tất yếu của giao lưu và tiếp biến văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với việc triển khai công tác ngoại giao văn hóa, bởi ngoại giao văn hóa thúc đẩy giao lưu và tiếp biến văn hóa ở cả chiều rộng và chiều sâu, vừa thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ mới. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nền văn hóa Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc giao lưu với các nền văn hóa bên ngoài, song “quá trình giao lưu văn hóa của Việt Nam trong lịch sử không phải là sự lai căng, học tập sống sượng, mà chính là tạo ra những nhân tố tích cực, chiều hướng phát triển” [3, tr. 29]. Những kinh nghiệm và bài học quý báu từ lịch sử dựng nước, giữ nước và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là cơ sở vững chắc để văn hóa Việt Nam tự tin giao lưu với văn hóa thế giới trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)