Là công cụ của chính sách đối ngoại, là phương thức ngoại giao do nhà nước làm chủ đạo, mọi hoạt động ngoại giao văn hóa đều phục vụ cho các mục tiêu của chính sách đối ngoại của đất nước. Trong quan hệ quốc tế đương đại, mỗi quốc gia trên thế giới theo đuổi một mục tiêu đối ngoại riêng, nhưng đều có 3 điểm chung nhất mà các nước cùng theo đuổi, đó là: (i) giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền; (ii) thúc đẩy hợp tác và phát triển; và (iii) gia tăng vị thế, ảnh hưởng và uy tín trên trường quốc tế. Những nỗ lực của các quốc gia trong triển khai chiến lược và hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm thực hiện các mục tiêu đối ngoại của mình, đã tác động và điều chỉnh quan hệ quốc tế đương đại, góp phần cụ thể hóa vai trò của ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế. Có thể khái quát một số vai trò của ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại như sau:
Thứ nhất, ngoại giao văn hóa góp phần củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, gia tăng sự gắn kết và củng cố lòng tin. Những năm đầu sau Chiến tranh Lạnh, mặc dù những rào cản vô hình giữa hai phe đã được xóa bỏ, nhưng vẫn tồn tại sự nghi kỵ, và trên hết, đó là sự thiếu hiểu biết giữa người dân các nước với nhau. Trong khi đó, yêu cầu giữ môi trường hòa bình, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại, đẩy mạnh hợp tác liên kết khu vực và quốc tế để tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh trở thành xu thế chủ đạo, dẫn dắt quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, các hoạt động ngoại giao văn hóa mà các quốc gia triển khai đã góp phần đưa các dân tộc xích lại gần nhau, biến mối hoài nghi trở thành sự hiểu biết lẫn nhau, vun đắp tình hữu nghị, tạo động lực thúc đẩy hợp tác.
Hoạt động ngoại giao văn hóa song phương được các nước hết sức quan tâm, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, các tuần phim, tuần văn hóa, ẩm thực, triển lãm
các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật, giới thiệu sách, giao lưu văn hóa, giao lưu thanh niên… Đơn cử như việc Liên bang Nga tổ chức nhiều chương trình ngoại giao văn hóa ở châu Âu, Trung Á, Đông Bắc Á, Mỹ La tinh, trong đó đáng chú ý nhất là việc Nga và Trung Quốc liên tục tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quy mô lớn kéo dài suốt cả năm như sự kiện “Năm giao lưu văn hóa Nga-Trung” trong hai năm 2006 - 2007; “Năm tiếng Nga tại Trung Quốc” 2009 và “Năm tiếng Trung tại Nga” 2010; “Năm Du lịch Nga tại Trung Quốc” 2012 và “Năm Du lịch Trung Quốc tại Nga” 2013 [219, tr. 5]. Đặc biệt, việc tổ chức các chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên với những hoạt động cốt lõi như giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán cho thế hệ trẻ được nhiều quốc gia hết sức quan tâm. Năm 2003, Canada và Pháp đã ký hiệp định với nội dung tạo điều kiện cho 14.000 đại biểu thanh niên hai nước tham gia các chương trình giao lưu thanh niên, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa, đời sống xã hội.Một số nước Đông Bắc Á, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và trong thập kỷ qua là Trung Quốc đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu thanh niên quốc tế cả song phương và đa phương với quy mô lớn, trong đó nổi bật là các chương trình “Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản-Hàn Quốc; “Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản-Trung Quốc”; “Chương trình Giao lưu Thanh niên Nhật Bản-châu Á về Khoa học”; Chương trình giao lưu Thanh niên, Sinh viên Nhật Bản-Đông Á (JENESYS) [166]; Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP); Chương trình Tàu Thanh niên Thế giới (SWY) với sự tham gia của cả thanh niên khu vực Nam Á, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh; “Chương trình Giao lưu thanh niên toàn cầu” với sự tham gia của thanh niên từ 30 quốc gia trên thế giới [143].
Thứ hai, ngoại giao văn hóa góp phần gắn kết chặt chẽ và làm sâu sắc hơn
hợp tác đa phương. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngoại giao văn hóa song
phương, quan hệ quốc tế đương đại ghi nhận sự lớn mạnh của ngoại giao văn hóa trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương. Bên cạnh những nội dung hợp tác quan trọng như an ninh, kinh tế, thương mại, dịch vụ,… văn hóa trở thành nội dung hợp tác trụ cột, có ý nghĩa then chốt trong nhiều tổ chức đa phương. Điển
hình như ASEAN với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 theo quyết định được thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 tại Bali, In-đô-nê-xi-a, tháng 10/2003 với 3 trụ cột quan trọng: hợp tác chính trị-an ninh, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa-xã hội. Trong đó trụ cột thứ ba, hợp tác văn hóa-xã hội được xem như chân kiềng quan trọng, gắn kết và bổ trợ cho 2 trụ cột chính trị-an ninh và kinh tế, tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hợp tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. Trong EU, văn hóa được xác định là yếu tố chiến lược trong quan hệ đối ngoại của EU. Diễn đàn ASEM hướng tới thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh thông qua Quỹ ASEF. Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước Iberoamerica, Cộng đồng Pháp ngữ,… đều hết sức coi trọng văn hóa và đưa văn hóa trở thành một trong những nội dung hợp tác chính của khối. Những hoạt động hợp tác văn hóa nội khối đã góp phần tạo sự tin tưởng lẫn nhau, xóa bỏ những khoảng cách, xây dựng cầu nối tình hữu nghị giữa các quốc gia thành viên, qua đó thúc đẩy và đưa hợp tác trong khối đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Thứ ba, ngoại giao văn hóa góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quan hệ quốc tế; đóng góp xây dựng hệ giá trị văn hóa chung của nhân loại, tôn trọng bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa trên thế giới, th c đẩy
sự phát triển của các nền văn hóa trên thế giới. Trong đời sống chính trị-văn hóa
thế giới hết sức đa dạng, trước xu thế của toàn cầu hóa và những bước nhảy vọt của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với các quốc gia không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là sự đảm bảo cho tương lai của đất nước. Vì vậy, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa ra thế giới chính là góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trên trường quốc tế, qua đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bảo vệ đa đạng văn hóa trên thế giới, góp phần thực hiện Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO năm 2001. Ngoại giao văn hóa góp phần thúc đẩy tinh thần hỗ trợ, quan tâm lẫn nhau giữa các quốc gia trong phổ biến rộng rãi các giá trị văn hoá vì sự công bằng, tự do và hoà bình. Hoạt động ngoại giao văn hóa của các nước, với nội dung chủ yếu là quảng bá, giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc ra thế giới bên ngoài, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú hơn nền văn hóa quốc gia, sẽ tác động trực tiếp đến tính sinh động và đa dạng của đời sống văn hóa quốc tế. Văn hóa là một tập hợp các đặc điểm nổi bật về mặt tinh thần, vật chất, trí thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật thì văn hóa còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng, vì vậy, qua hoạt động ngoại giao văn hóa và công tác truyền thông, những giá trị tinh hoa của các nền văn hóa sẽ được giới thiệu, quảng bá ra thế giới. Nếu những giá trị đó phù hợp với hệ giá trị, ước nguyện và mong muốn của của nhân loại, những giá trị văn hóa của dân tộc đó sẽ được nhân loại thừa nhận, bổ sung vào kho tàng văn hóa thế giới. Đây chính là sự đóng góp hết sức quan trọng của ngoại giao văn hóa, hay nói cách khác, nhờ ngoại giao văn hóa mà những giá trị văn hóa của các dân tộc, được tôn vinh trên vũ đài chính trị-văn hóa thế giới.
Trong 2 thập kỷ qua, các chương trình do UNESCO triển khai như Chương trình Di sản tư liệu thế giới (hay còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới) - bắt đầu từ năm 1994, Chương trình Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại (hay còn gọi là Chương trình Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới) - bắt đầu từ năm 2001, đã góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa của các dân tộc, đồng thời làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tính đến năm 2014, toàn thế giới đã có 1007 di sản thuộc 161 quốc gia được công nhận di sản thế giới, trong đó có 779 di sản văn hóa, 197 di sản thiên nhiên và 31 di sản hỗn hợp [198].
Thứ tư, ngoại giao văn hóa hỗ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao
kinh tế. Mặc dù là ba trụ cột của nền ngoại giao hiện đại, nhưng giữa ngoại giao
văn hóa và ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế luôn có sự tác động qua lại, sự lồng ghép, đan xen, bổ trợ lẫn nhau. Ngoại giao văn hóa có tính tương tác qua lại, chứ không biệt lập với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Theo Philip H. Coombs thì văn hóa và giáo dục là một trong bốn phương diện của chính sách đối ngoại, sau kinh tế, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế đương đại, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, cấu thành các phương diện cơ bản nhất của chính sách đối ngoại [229, tr. 2]. Tại Hội nghị lần thứ nhất về Ngoại giao văn hóa các nước Iberoamerica năm 2011 đã ra tuyên bố khẳng định “Ngoại giao văn hóa, trong một số trường hợp cụ thể, có thể là tác nhân gắn kết các phương diện của chính sách đối ngoại” [231, tr. 5]. Trong quan hệ quốc tế đương đại, sự lồng ghép, đan xen và tác động bổ trợ cho nhau giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế được thể hiện rất rõ nét. Trong hầu hết chương trình nghị sự của các sự kiện chính trị quốc tế lớn như các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo của các tổ chức hợp tác đa phương, hoặc trong chương trình nghị sự của các chuyến thăm cấp cao của nguyên thủ các nước, luôn có một chương trình văn hóa, nghệ thuật do nước chủ nhà bố trí [111, tr. 1731]. Nhiều nhà lãnh đạo các nước cũng hết sức chú ý đến những chi tiết ngoại giao văn hóa trong các hoạt động ngoại giao chính thức. Ví dụ, trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc vào trung tuần tháng 5/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã rất tinh tế khi chọn thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây làm điểm dừng chân đầu tiên tại Trung Quốc. Tây An, ngoài ý nghĩa là một địa danh với những giá trị văn hóa lịch sử 5000 năm của Trung Quốc, nơi đây còn là quê nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài ra, trước khi đến Trung Quốc, ông Modi còn mở tài khoản trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút hàng chục ngàn người theo dõi. Trong lịch
sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và gần đây nhất là Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đều đã rất khéo léo trích dẫn những câu thơ trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du khi đánh giá và bày tỏ hy vọng về mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa hai nước. Những hoạt động ngoại giao văn hóa này là những điểm nhấn hết sức có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào thành công của các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Bên cạnh đó, khi quan hệ chính trị giữa hai quốc gia tốt đẹp sẽ tạo điều kiện để các hoạt động ngoại giao văn hóa giữa hai quốc gia nảy nở và phát triển.
Đối với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa có tác động và ý nghĩa hết sức đặc biệt, trực tiếp nhất là trong hỗ trợ thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu các sản phẩm của công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, trên thế giới luôn tồn tại một thực tế là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn xuyên quốc gia trước khi quyết định đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều nghiên cứu cặn kẽ mọi mặt của quốc gia đó, trong đó yếu tố văn hóa, đặc biệt là phong tục tập quán, truyền thống, thói quen sinh hoạt, bản chất và tâm tính con người,… luôn được coi trọng, thậm chí ở một số trường hợp còn là yếu tố quyết định đến chiến lược của các tập đoàn.
Thứ năm, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao và củng cố quyền lực
mềm của quốc gia trên trường quốc tế. Như đã phân tích ở chương 1, quyền lực
mềm của quốc gia chỉ được phát huy hiệu quả khi nó được truyền bá ra thế giới bên ngoài. Nội hàm cơ bản của quyền lực mềm là tổng hợp sức mạnh của truyền thống văn hóa dân tộc, những giá trị tinh thần, hệ tư tưởng, văn hóa chính trị, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại, những thành tựu chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, xã hội, y tế, thể thao, khoa học, công nghệ, chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực. Nếu những giá trị làm nên quyền lực mềm này không được truyền bá ra thế giới bên ngoài sẽ làm hạn chế hiệu quả của quyền lực mềm quốc gia. Ngoại giao văn hóa với phương thức hoạt động cơ bản nhất là phổ quát, truyền bá các giá trị của quốc gia ra thế giới thông qua các hoạt động
biểu diễn, giới thiệu, trưng bày, triển lãm hình ảnh đất nước, con người, các loại hình, các lĩnh vực của văn hóa…, chính là góp phần đưa sức mạnh mềm quốc gia ra thế giới. Nói cách khác, hoạt động ngoại giao văn hóa chính là góp phần đưa những giá trị văn hóa của đất nước thành sức mạnh trên trường quốc tế.