Ngoại giao văn hóa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 109)

Từ cuối thế kỷ XX, bước sang đầu thế kỷ XXI, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) “trỗi dậy” đi lên như một cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Trong suốt hơn 35 cải cách và mở cửa, Trung Quốc đặc biệt cần một môi trường hòa bình trên thế giới, trong khu vực và xung quanh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh “hòa

bình và phát triển”, chủ trương xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia trên cơ sở yếu tố kinh tế làm chủ đạo, đồng thời thúc đẩy phát triển các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa. Ngoại giao Trung Quốc xuất phát từ chiến lược phát triển của đất nước đã tiến hành làm nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, ngoại giao năng lượng và hiện đang tập trung vào ngoại giao văn hóa.

Dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thay đổi quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vai trò của sức mạnh mềm chính là tại Đại hội lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2007). Văn kiện Đại hội nhấn mạnh “Trong thời đại hiện nay, vai trò của văn hóa trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng tăng. Ai chiếm cứ được đỉnh cao của phát triển văn hóa, người đó có thể nắm quyền chủ động trong cuộc cạnh tranh quốc tế khốc liệt này”, đồng thời đi đến xác định, muốn nâng cao sức mạnh và tầm ảnh hưởng của văn hóa “phải vực dậy sức sống, sức sáng tạo của văn hóa toàn dân tộc, nâng cao sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia” [76, tr. 188].

Với quan điểm này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sự lớn mạnh của Trung Quốc không thể chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của mình, mà còn phải dựa vào sức mạnh mềm. Chiến lược nâng cao sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc tập trung vào ba hướng cơ bản: nhận thức toàn diện văn hóa truyền thống Trung Hoa, truyền bá các giá trị văn hóa phổ biến nhằm tăng cường sức ảnh hưởng quốc tế của văn hóa Trung Hoa; tích cực thúc đẩy sáng tạo, hiện đại hóa văn hóa truyền thống; tăng cường giao lưu đối ngoại, thúc đẩy văn hóa Trung Hoa hướng ra thế giới.

Ngoại giao văn hóa được xác định là bộ phận cấu thành quan trọng, là phương thức để phát huy tối đa sức mạnh mềm ra thế giới. Trung Quốc xác định rõ ba phương thức chính để triển khai gia tăng sức mạnh mềm ra thế giới, gồm: (i) thành lập Học viện Khổng Tử ở nước ngoài; (ii) thúc đẩy giao lưu văn hóa với các nước; (iii) xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc… ra toàn thế giới [76, tr. 191].

Trung Quốc đã cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn Khổng Tử - người khai sáng ra học thuyết Nho gia, biểu tượng của nền văn hóa Trung Hoa - làm tên gọi cho cơ quan truyền bá tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc ra thế giới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc “xem Khổng Tử như một nguồn sức mạnh mềm Trung Quốc trên trường quốc tế” [50, tr. 492]. Viện Khổng Tử đầu tiên được Trung Quốc thành lập tại thủ đô Xê-un, Hàn Quốc vào cuối năm 2004. Từ năm 2004 đến 2012, Trung Quốc đã thành lập trên 400 Viện Khổng Tử tại 108 nước và khu vực trên thế giới, cùng với 500 phòng học tiếng Trung tại các trường phổ thông ở nhiều quốc gia [133, tr. 257]. Điểm chú ý là Trung Quốc luôn cố gắng thành lập các Viện Khổng Tử trong một trường đại học ở nước ngoài, và hình thành quan hệ đối tác giữa trường đại học đó với một trường đại học tại Trung Quốc. Trong thời gian đầu, các Viện Khổng Tử chủ yếu chỉ giảng dạy tiếng Trung và giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Trung Quốc, tuy nhiên thời gian gần đây đã bắt đầu mở rộng sang tổ chức hội thảo và diễn giảng về lịch sử cận đại và chính sách hiện hành của Trung Quốc.

Những hoạt động giao lưu văn hóa do Trung Quốc tổ chức đã tạo đà cho làn sóng văn hóa Trung Hoa lan tỏa ra khắp thế giới. Hàng năm, Trung Quốc tiến hành trên 2000 hoạt động trao đổi văn hóa với gần 70 quốc gia, với sự tham gia của hơn 30.000 nghệ sĩ, diễn viên [76, tr. 192]. Trong đó đáng chú ý là các sự kiện và chương trình ngoại giao văn hóa lớn như chương trình “Trung Hoa- Vương quốc Anh kết nối qua văn hóa”, các triển lãm “Chiến binh nhà Tần” tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, [221, tr. 14-15], Tuần văn hóa Trung Quốc tại Paris năm 1999, Tuần văn hóa Trung quốc tại Mỹ năm 2000, Festival Trung Quốc tại Berlin (Đức) năm 2001, Năm Văn hóa Trung Quốc tại Pháp từ tháng 10/2003 đến tháng 6/2004, Tuần văn hóa Trung Quốc tại châu Phi năm 2006, Năm văn hóa Trung Quốc tại Nga năm 2007,… [165, tr. 304]. Thông qua ngoại giao văn hóa, tiếng Trung đã từng bước đạt được sự chấp thuận quốc tế. Cơn sốt học tiếng Trung và tìm hiểu văn hóa Trung Quốc tăng mạnh trên toàn cầu. Theo tạp chí “The World of Chinese”, năm 2010 có 40 triệu người trên thế giới học

tiếng Trung, so với thời điểm năm 2005 là 30 triệu người, tăng 10 triệu người trong vòng 5 năm [120].

Một trong những hướng đi chính của ngoại giao văn hóa Trung Quốc đó là đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn cấp khu vực và thế giới. Năm 2008, Trung Quốc đã tổ chức thành công Thế vận hội Olympic với khẩu hiệu “Cùng một thế giới, chung một ước mơ”. Trung Quốc đã đầu tư 40,9 tỉ USD, tính từ năm 2001 đến 2007 cho việc xây dựng 37 khu thi đấu liên hợp và 59 trung tâm huấn luyện thể thao, cũng như toàn bộ cơ sở hạ tầng, năng lượng, hệ thống đường giao thông và hệ thống cung cấp nước sạch. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như Lễ Khai mạc, Bế mạc ấn tượng đã góp phần làm nổi bật vị thế của Trung Quốc trên thế giới qua sự kiện này. Trong thời gian Olympic, có khoảng 10.000 văn nghệ sĩ đến từ hơn 80 nước hội tụ ở Bắc Kinh, triển khai 227 hoạt động văn hóa [76, tr. 217]. Năm 2010, Trung Quốc tổ chức thành công Triển lãm thế giới (World EXPO 2010) tại Thượng Hải với những con số kỷ lục: diện tích khu trưng bày lớn nhất thế giới: 5,2 km2; 192 quốc gia và 50 tổ chức quốc tế tham dự; 73 triệu lượt khách thăm quan trong suốt kỳ EXPO diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/10/2010, trong đó ngày cao nhất đạt 1,03 triệu lượt người. Cũng trong năm 2010, Trung Quốc đăng cai Đại hội thể thao châu Á với sự tham gia của 9704 vận động viên từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đăng cai các sự kiện quốc tế lớn, Trung Quốc đã thể hiện năng lực tổ chức, củng cố vị thế và gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa qua điện ảnh và phim truyền hình là một trong những ưu tiên của Trung Quốc. Hàng ngàn bộ phim truyền hình và phim truyện điện ảnh với đủ các thể loại, khai thác mọi ngóc ngách của lịch sử Trung Hoa 5000 năm cũng như các tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết văn học cho đến cuộc sống của Trung Quốc hiện đại được tung ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Sự đầu tư mạnh mẽ vào điện ảnh và phim truyện truyền hình đã góp phần đáng kể trong cải thiện ngôi vị của điện ảnh Trung Quốc trong làng điện ảnh quốc tế. Một số bộ phim truyện điện ảnh của Trung Quốc đã nhận được

những giải thưởng hoặc những đề cử danh giá trên trường quốc tế. Nhiều diễn viên, đạo diễn Trung Quốc đã trở thành những ngôi sao tầm cỡ quốc tế và là “sứ giả văn hóa” của Trung Quốc.

Võ thuật Trung Hoa cũng được sử dụng như một công cụ của ngoại giao văn hóa Trung Quốc. Huyền thoại về Thiếu Lâm Tự được khai thác triệt để, các lò luyện công phu Thiếu Lâm mọc lên nhan nhản, thậm chí bản thân chùa Thiếu Lâm cũng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng sau những nỗ lực quảng bá của Trung Quốc. Bên cạnh đó, môn Wushu - môn võ được Trung Quốc ca ngợi là quốc võ, đại diện cho tinh hoa võ thuật Trung Hoa - được Chính phủ quyết định thành lập năm 1950 trên cơ sở kế thừa tinh hoa của các môn phái võ truyền thống, đã trở thành môn thể thao chính thức thi đấu trong Thế vận hội Olympic 2008 nhờ những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc. Môn võ thể thao này hiện đã lan rộng sang hơn 78 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng triệu người và vận động viên luyện tập.

Với 33 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đứng thứ 3 trên thế giới về mặt số lượng, Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc tăng mạnh. Nếu như năm 2000, khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc mới đạt 31,2 triệu lượt, thì năm 2010 đã tăng lên 55,7 triệu lượt khách, năm 2012 đạt 57,7 triệu lượt, với thu nhập từ du lịch đạt 50 tỉ USD. Năm 2013 do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhưng lượng khách quốc tế đến Trung Quốc vẫn đạt con số ấn tượng là 55,7 triệu lượt, thu nhập từ du lịch đạt 51,7 tỉ USD [199, tr. 6].

Bên cạnh đó, Trung Quốc đặc biệt quan tâm thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong các cơ chế đa phương, điển hình là với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Với ASEAN, là khu vực láng giềng gần gũi, đồng thời cũng là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, Trung Quốc luôn nhấn mạnh mối quan hệ với ASEAN là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh một Trung Quốc “thân

thiện” và “có trách nhiệm” tại Đông Nam Á, đặc biệt tập trung vào đối tượng thanh niên. Trung Quốc tổ chức nhiều chương trình giao lưu thanh niên, cấp nhiều học bổng toàn phần cho sinh viên ASEAN, như năm 2007 cấp 951 học bổng, năm 2009 cấp 50 học bổng toàn phần cho mỗi nước ASEAN [76, tr. 207]. Ngoài ra, Trung Quốc còn đẩy mạnh sử dụng viện trợ kinh tế để cạnh tranh với Mỹ, tạo dựng hình ảnh đối tác đáng tin cậy với các nước Đông Nam Á, để từ đó gia tăng sức ảnh hưởng vào khu vực. Với Myanmar, từ năm 1988 đến 2007, Trung Quốc cam kết khoản vay và viện trợ lên đến 5 tỉ USD cho xây dựng nhà máy, mua trang thiết bị, đầu tư vào công nghiệp khai khoáng, xây dựng nhà máy thủy điện, khai thác dầu khí và nông nghiệp, giúp Myanmar xây dựng đường cao tốc, đường sắt, sân bay, bến cảng. Năm 2003, khi Mỹ cấm vận thương mại Myanmar, Trung Quốc đã cấp cho Myanmar khoản vay 200 triệu USD. Năm 2006, Trung Quốc tiếp tục cam kết cho Myanmar vay 200 triệu USD. Năm 2007, Trung Quốc viện trợ 12 triệu USD cho các chương trình y tế, nhân đạo, giáo dục của Myanmar. Với Campuchia, từ năm 2007 đến 2009, Trung Quốc viện trợ 236 triệu USD, cao hơn viện trợ của EU (215 triệu USD), và Mỹ (55 triệu USD giai đoạn 2006-2007). Với Lào, từ cuối thập kỷ 90, Trung Quốc đã cấp cho Lào các khoản viện trợ, vay ưu đãi, giúp Lào xây dựng các dự án phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, dự án xây dựng hạ tầng giao thông trị giá 178 triệu USD. Năm 2006, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Lào và tặng gói viện trợ kỹ thuật, xóa nợ trị giá 45 triệu USD. Năm 2004, Trung Quốc cam kết hỗ trợ 63 triệu USD cho Indonesia khắc phục hậu quả sóng thần. Năm 2003, các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc cho Philippines gấp 3 lần của Mỹ cho nước này [160, tr. 6 - 9].

Với SCO, ra đời tháng 4 năm 1996 với mục tiêu ban đầu chỉ nhằm nâng cao lòng tin và giảm lực lượng quân sự ở khu vực biên giới giữa 5 quốc gia gồm Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan (được biết đến với tên gọi “Nhóm Thượng Hải 5”). Năm 2001 Uzbekistan tham gia với tư cách thành viên SCO. Tháng 4 năm 2002, Trung Quốc đề xuất và tổ chức thành công Hội nghị các

Bộ trưởng Văn hóa SCO lần thứ nhất tại Bắc Kinh với việc các Bộ trưởng ký văn kiện chung về đẩy mạnh hợp tác văn hóa trong SCO, đặt nền móng cho một loạt các hoạt động hợp tác văn hóa như tổ chức các Liên hoan nghệ thuật, hòa nhạc, triển lãm,... Năm 2006, cũng chính Trung Quốc đưa ra sáng kiến đẩy mạnh hợp tác giáo dục, giao lưu ngôn ngữ trong khuôn khổ của SCO. Trung Quốc đã đăng cai tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng Giáo dục SCO lần thứ nhất tại Bắc Kinh, thành lập Nhóm Công tác Giáo dục trong SCO và tiếp đó là thành lập Trường Đại học SCO tại Kazakhstan, đưa hợp tác giáo dục trong SCO lên một tầm cao mới, hỗ trợ đắc lực cho ngoại giao văn hóa trong cơ chế này [193, tr. 98-99]

Ngoài kinh tế, thương mại và đầu tư, Trung Quốc còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước với việc hàng năm quốc gia này có một lượng lớn công dân đi du lịch nước ngoài. Năm 2012, Trung Quốc có 83,2 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, vượt cả Đức, Mỹ và trở thành quốc gia có công dân đi du lịch nước ngoài nhiều nhất thế giới. Năm 2013, số người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài lên 98,2 triệu lượt, với tổng chi phí ở nước ngoài lên đến 128,7 tỉ USD. Năm 2014, số người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đạt con số kỷ lục 114 triệu lượt, với tổng chi phí lên 114 tỉ USD [199]. Người Trung Quốc đi du lịch trở thành một trong những công cụ để Trung Quốc ngầm “mặc cả” với các nước. Ngay trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 22 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) năm 2014 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức dùng con bài “khách du lịch Trung Quốc” để gia tăng vị thế của Trung Quốc trong APEC khi cam kết trong một thập niên tới sẽ có 500 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài [39]. Như vậy, du lịch đối với Trung Quốc giờ đây không còn đơn thuần là hoạt động kinh tế-dịch vụ, mà còn mang thông điệp của “quyền lực mềm” Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư cho các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Trung Hoa. Mức ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Trung Quốc tăng tỷ lệ thuận theo tốc

độ mở rộng phạm vi phủ sóng các chương trình phát thanh, truyền hình cũng như thời lượng phát sóng ra phạm vi toàn thế giới. Điển hình nhất là tháng 7/2010, Hãng Thông tấn Tân hoa xã đã khai trương kênh truyền hình CNC World - kênh truyền hình quốc tế phát bằng tiếng Anh 24/24h đầu tiên của Trung Quốc. Trụ sở của Tân hoa xã ở New York cũng đã được chuyển về Quảng trường Thời đại (Times Square) để thể hiện đẳng cấp và tham vọng trở thành một trong những hãng thông tấn hàng đầu và có sức cạnh tranh toàn cầu [135, tr. 8].

Có thể thấy, mặc dù Trung Quốc còn khiến cho các nước trên thế giới vô cùng hoài nghi sau những động thái ra sức bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở khắp các châu lục trên thế giới, thể hiện rõ tham vọng vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới, nhất là sau một loạt sự kiện ở biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua, song những nỗ lực trên cho thấy Trung Quốc đang cố gắng dồn sức cho ngoại giao văn hóa, với mong muốn cải thiện cái nhìn của thế giới và khu vực về một hình ảnh Trung Quốc “thân thiện”, mong muốn hòa bình và hợp tác, biện minh cho những động thái mang tính “cứng rắn” và có vẻ như sẵn sàng dùng quyền lực quân sự để giải quyết vấn đề của Trung Quốc thời gian gần đây.

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)