2.1.1.1. Xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế
Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thế giới chia thành hai phe đối đầu, mở ra một thời kỳ mới trong đời sống chính trị quốc
tế. Hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển trở thành xu thế dẫn dắt trong quan hệ quốc tế, đòi hỏi các nước phải điều chỉnh chính sách, tăng cường đối thoại, trao đổi, giao lưu, quảng bá văn hóa nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, xây dựng, củng cố lòng tin, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, an toàn, thân thiện mến khách để thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư và du lịch.
Sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia theo hướng này đã tạo ra những tác động tích cực đến chính sách và hoạt động ngoại giao văn hóa trên thế giới. Nhiều nước như Anh, Ôxtrâylia, Niu Di-lân, Canada, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ,... đã quyết định tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động ngoại giao văn hóa, phê duyệt các kế hoạch ngoại giao văn hóa dài hạn, quy mô lớn. Đơn cử như Tây Ban Nha từ năm 1991 bắt đầu thiết lập hệ thống các Viện Xéc-van-téc (Instituto Cervantes) ở nước ngoài với mục tiêu quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Tây Ban Nha ra thế giới. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha còn thành lập 19 Trung tâm văn hóa ở nước ngoài thuộc Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế (AECID). Trong những năm cuối của thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, các hoạt động ngoại giao văn hóa của Tây Ban Nha được đẩy mạnh ở nhiều nước. Đặc biệt, tháng 4/2011, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua “Kế hoạch quốc gia về hoạt động văn hóa ở nước ngoài” với nhiều chương trình ngoại giao văn hóa lớn, trong đó các khu vực ưu tiên gồm: châu Âu, Mỹ La tinh, Bắc Mỹ, các nước khu vực Địa Trung Hải, bên cạnh đó cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa Tây Ban Nha tại châu Á và các nước Nam sa mạc Sahara [215, tr. 34, 40]. Riêng năm 2012, ngân sách của Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ cho hoạt động của các Viện Xéc-van-téc lên đến 80 triệu Euro [226, tr. 8]. Ấn Độ đẩy mạnh ngoại giao văn hóa qua Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ với thông điệp một cường quốc kinh tế và một người khổng lồ về công nghệ [162, tr. 22]. Ôxtrâylia thúc đẩy ngoại giao văn hóa qua Hội đồng văn hóa quốc tế với mục tiêu xây dựng hình ảnh một đất nước Ôxtrâylia “hiện đại, thịnh vượng, công
nghệ tiên tiến với một nền văn hóa giàu bản sắc và đa dạng, đồng thời đẩy mạnh quảng bá những giá trị văn hóa người bản địa của Ôxtrâylia ở nước ngoài” [160, tr. 23]. Canada nhấn mạnh vào thông điệp quảng bá hình ảnh một đất nước Canana “đa dạng văn hóa, hiện đại, sáng tạo, tiên tiến, tiên phong về công nghệ, đồng thời là quốc gia với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những cánh rừng nguyên sinh, những hồ nước, núi đá và những đàn tuần lộc”[160, tr. 23]