Các vấn đề an ninh phi truyền thống

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 73)

Sau Chiến tranh Lạnh, những vấn đề an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày một nhiều hơn trong quan hệ quốc tế. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, cướp biển, buôn bán phụ nữ và trẻ em, xung đột sắc tộc và tôn giáo, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, rửa tiền,

suy thoái môi trường sinh thái, dịch bệnh, di cư, nghèo đói, suy thoái xã hội, tội phạm công nghệ cao,… đặt ra cho tất cả các quốc gia trên thế giới yêu cầu phải hợp sức để cùng giải quyết. Tuy không phải tất cả các vấn đề an ninh phi truyền thống đều tác động đến ngoại giao văn hóa, nhưng ở một góc độ nhất định, một số vấn đề an ninh phi truyền thống có tác động đến ngoại giao văn hóa, nhất là những vấn đề như khủng bố, xung đột sắc tộc và tôn giáo, di cư,...

Sự kiện khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ đặt ra những yêu cầu nghiên cứu, làm rõ gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới. Theo nghiên cứu của Trung tâm Curb Center at Vanderbilt thì một trong những nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa khủng bố là “văn hóa” [119, tr. 1]. “Khoảng cách văn hóa giữa Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới đang ngày một rộng ra. Sự thống trị của các tác phẩm điện ảnh Hollywood, các chương trình truyền hình, quảng cáo Mỹ, cách quản trị doanh nghiệp kiểu Mỹ và các chuỗi nhà hàng ăn nhanh đã làm dấy lên sự phản ứng dữ dội từ những nhóm người cho rằng nền văn hóa của họ bị văn hóa Mỹ xâm lăng” [119, tr. 10]. Điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ phải có những điều chỉnh chiến lược, đặc biệt là các giải pháp ngoại giao văn hóa phù hợp nhằm thu hẹp khoảng cách về văn hóa, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, giải tỏa những lo ngại về việc văn hóa Mỹ xâm lăng các nền văn hóa trên thế giới, và quan trọng nhất là làm giảm thiểu thái độ thù địch của người dân các nước khác đối với nước Mỹ.

Trong một nỗ lực ở quy mô toàn thế giới, chưa đầy 2 tháng sau sự kiện khủng bố 11/9, tại Paris, tổ chức UNESCO đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa. Theo phát biểu của nguyên Tổng Giám đốc UNESCO ông Koichiro Matsuura thì Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa khẳng định mong muốn và quyết tâm bảo vệ đa dạng văn hóa trên thế giới, chống lại những tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan núp dưới vỏ bọc của sự khác biệt văn hóa để biện minh cho những hành động của chúng chống lại những nền văn hóa khác, đồng thời khẳng định niềm tin vào đối thoại văn hóa như là một biện pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định trên thế giới [196, tr. 2]. Những nỗ lực triển

khai thực hiện đa đạng văn hóa trên thế giới đã góp phần làm sôi động các hoạt động ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế.

Di cư quốc tế trong những năm gần đây đang tăng lên cả về số lượng và phạm vi do những tác động của tăng dân số thế giới và toàn cầu hóa. Quá trình tăng dân số cơ học này làm phát sinh ra những cộng đồng mới với những khác biệt về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ trong xã hội tiếp nhận họ. Khi có nhân tố di cư tác động thêm, có thể thấy rằng các nỗ lực xây dựng bản sắc quốc gia và đoàn kết dân tộc - sắc tộc trong phạm vi một nước gặp thêm nhiều khó khăn, do các cộng đồng trong một nước luôn giữ bản sắc riêng của mình và trong quá trình đó luôn củng cố các mối quan hệ của mình với các đối tác bên ngoài cùng bản sắc [72, tr. 26]. Điều này đặt các quốc gia, đặc biệt là những nước tiếp nhận di cư phải có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho cộng đồng người di cư hội nhập, ổn định đời sống, giao lưu với nền văn hóa của đất nước tiếp nhận, đồng thời duy trì những mối liên hệ văn hóa với quê hương.

Trong các cơ chế hợp tác khu vực, việc hợp sức giải quyết những vấn đề an ninh phi truyền thống có tác động nhất định đối với ngoại giao văn hóa. Một trong những nguyên nhân chính đó là bởi ngoại giao văn hóa giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 tổ chức tại Campuchia vào năm 2002, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống để cùng giải quyết những vấn đề đang gia tăng trong khu vực, bao gồm chống buôn lậu ma túy, buôn lậu người, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm qua mạng. Một trong những giải pháp được các nước lựa chọn đó là xây dựng lòng tin nhằm thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và đối thoại an ninh phi truyền thống giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó yếu tố văn hóa, đặc biệt là việc ASEAN và Trung Quốc có những mối liên kết văn hóa lâu đời được các nước ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh, coi đó là cơ sở quan trọng để xây dựng lòng tin [204, tr. 14]. Những nỗ lực trong xây dựng lòng tin,

tăng cường hiểu biết lẫn nhau đã góp phần làm cho các hoạt động ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh trong các hoạt động của ASEAN và Trung Quốc.

Tại khu vực châu Âu và Địa Trung Hải, nơi luôn phải đối mặt với tình hình an ninh mong manh và tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhất là những vấn đề di cư trái phép, vấn đề sắc tộc, tôn giáo,..., cơ chế “Đối tác Châu Âu-Địa Trung Hải” (European-Mediteranean Partnership - EUROMED) đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này, trong đó nổi bật là các hoạt động ngoại giao văn hóa. EUROMED khởi nguồn từ “Tiến trình Barcelona” năm 1995, đến nay gồm 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và 15 nước khu vực vành đai phía Nam của Địa Trung Hải (gồm An-ba-ni, An-giê-ri, Bosnia & Herzegovina, Ai- cập, Israel, Gioóc-đa-ni, Li-băng, Mauritania, Monaco, Mông-tê Nê-grô, Ma-rốc, Palestine, Xy-ri (đang bị ngừng quy chế thành viên), Tuy-ni-di và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các dự án về ngoại giao văn hóa của “Đối tác Châu Âu-Địa Trung Hải”, nổi bật là việc thành lập Quỹ Châu Âu-Địa Trung Hải (thường gọi là Quỹ Anna Lindh) vào năm 2005 sau kết luận của Hội nghị các ngoại trưởng châu Âu và các nước phía Nam Địa Trung Hải. Mục tiêu của Quỹ Anna Lindh nhằm đưa các dân tộc ven bờ Địa Trung Hải xích lại gần nhau, nâng cao hiểu biết lẫn nhau thông qua các hoạt động văn hóa, qua đó nâng cao sự trân trọng về đa dạng văn hóa cũng như hỗ trợ cho các hoạt động giao lưu, thúc đẩy hợp tác văn hóa ở khu vực. Cho đến nay, Quỹ Anna Lindh đã có mạng lưới ở 43 quốc gia thành viên, tổng cộng có trên 143.000 cán bộ và nhân viên các tổ chức dân sự đã tham dự các hoạt động do Quỹ tổ chức, hơn 400.000 lượt người đã tham dự các hoạt động văn hóa của Quỹ, gần 35.000 thanh niên tham gia chương trình “Tiếng nói thanh niên Ảrập” [107, tr. 11]. Tại Hội nghị các Bộ trưởng Văn hóa EUROMED lần thứ 3 năm 2008, các Bộ trưởng đã quyết định lấy năm 2008 là “Năm đối thoại văn hóa EUROMED” với việc triển khai chiến dịch “1001 hành động đối thoại”, đồng thời nhất trí xây dựng Chiến lược văn hóa EUROMED nhằm đẩy mạnh đối thoại văn hóa giữa các nước thành viên [123].

Một phần của tài liệu Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)