Với lịch sử mấy ngàn năm văn hiến, Việt Nam có tiềm năng lớn về công nghiệp văn hóa. Với hơn 90 triệu dân, trên 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, quan hệ ngoại giao với trên 180 nước, đây là những điều kiện khách quan hết sức thuận lợi để phát triển thị trường cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Mặt khác, việc Cộng đồng ASEAN sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm 2015, cùng với việc Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do (VKFTA) với Hàn Quốc ngày 5/5/2015, ký Hiệp định thương mại tự do với Liên
minh kinh tế Á-Âu (EEU) ngày 29/5/2015 (EEU gồm 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia với tổng GDP 2500 tỉ USD), và sẽ kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - EU trong năm 2015 sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa.
Có thể khẳng định, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển với nhiều sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế và có khả năng nhất. Trước mắt cần tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân thường xuyên đầu tư, cập nhật công nghệ và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng các ấn phẩm in, sách, báo, tạp chí, công nghệ ghi âm, ghi hình. Phấn đấu đưa các sản phẩm công nghiệp văn hóa như các loại sách, báo, tạp chí, băng, đĩa, sản phẩm ghi âm, ghi hình các loại hình nghệ thuật biểu diễn; tác phẩm điện ảnh, truyền hình; tác phẩm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc); tác phẩm nhiếp ảnh; sách văn học; phần mềm giải trí,… của Việt Nam đạt chất lượng quốc tế. Nâng cao năng lực của Trung tâm dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, xây dựng đội ngũ dịch thuật và cộng tác viên đủ năng lực để đẩy mạnh công tác dịch sang tiếng nước ngoài các tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam. Đẩy mạnh phối hợp với các nhà xuất bản và các hãng phát hành sách ở nước ngoài trong công tác xuất bản và phát hành ở nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Từng bước xác lập thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông đối ngoại trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các kênh truyền hình, phát thanh, sách báo và tạp chí đối ngoại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động kênh truyền hình đối ngoại quốc gia phát sóng 24/24h đạt tiêu chuẩn quốc tế, có sức cạnh tranh trong khu vực, đồng thời nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh,
truyền hình phục vụ đối ngoại và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nâng cao chất lượng nội dung thông tin, hình ảnh và dịch thuật sang tiếng nước ngoài. Đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, khai thác tối đa lợi thế của mạng internet, góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân, bè bạn trên thế giới và người Việt Nam ở nước ngoài cập nhật tình hình về đất nước, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu văn hóa, đất nước, con người, phong tục, tập quán, truyền thống lịch sử,... của Việt Nam ra thế giới.