Là một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Đức [156], Pháp luôn theo đuổi một chính sách đối ngoại khá nhất quán nhằm củng cố địa vị của mình trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. Pháp chủ trương một trật tự đa cực trong quan hệ quốc tế và luôn tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ để vươn lên thành cường quốc. Về chính trị, Pháp có ảnh hưởng nổi trội ở châu Âu, một số nước châu Phi và các khu vực ảnh hưởng truyền thống, qua đó tác động ra thế giới.
Cùng với sức mạnh quân sự, kinh tế, Pháp chủ trương gia tăng sức mạnh mềm để vươn tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới. Các hoạt động ngoại giao văn hóa của Pháp từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Pháp. Chính sách ngoại giao văn hóa Pháp với 3 mục tiêu chính, gồm: (i) truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp ra thế giới; (ii) nâng cao nhận thức về văn hóa Pháp và văn hóa Cộng đồng Pháp ngữ; (iii) thúc đẩy đa dạng văn hóa trên thế giới [86, tr. 171-173]. Những lĩnh vực được Pháp ưu tiên trong ngoại giao văn hóa gồm: nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, điện ảnh, văn học, thông tin, công nghiệp văn hóa và sáng tạo, giao lưu văn hóa, internet và truyền thông đa phương tiện. Pháp chủ trương trong bối cảnh thế giới hiện nay, cần tăng cường vai trò của văn hóa để giải quyết các căng thẳng và xung đột. Pháp đã có một lựa chọn hết sức chiến lược khi đưa ra quan điểm rằng cộng đồng quốc tế phải tôn trọng đa dạng văn hóa và phải tiến tới một cam kết kiên
quyết hơn về vấn đề này. Pháp coi đây là kim chỉ nam cho các hoạt động ngoại giao văn hóa Pháp và luôn thể hiện qua sự tích cực đấu tranh, vận động đề xuất một hiệp ước quốc tế đảm bảo sự đa dạng văn hóa và hỗ trợ các nước gặp khó khăn trong việc phát triển nền văn hóa của riêng họ. Pháp khuyến khích các nước đẩy mạnh quảng bá văn hóa và ngôn ngữ, tạo điều kiện để các nước có thể tổ chức các hoạt động này nhằm qua đó tác động ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế, tạo ra không gian đối thoại và một công cụ để đưa các cộng đồng xã hội xích lại gần nhau hơn. Quan điểm và những nỗ lực này của Pháp được nhiều nước trên thế giới ủng hộ bởi nó phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các nước.
Ngoại giao văn hóa Pháp được Bộ Ngoại giao triển khai thực hiện với mục tiêu đưa văn hóa Pháp và các tác phẩm văn học, nghệ thuật của Pháp ra thế giới, qua đó xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa Pháp với thế giới, đặc biệt là giữa những nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật và liên quan đến nghệ thuật. Hàng năm Pháp tổ chức trên 10.000 sự kiện văn hóa ở nước ngoài để quảng bá nghệ thuật và văn minh Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua một hệ thống mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ sở văn hóa mà Pháp xây dựng và thành lập ở khắp thế giới. Pháp là quốc gia sớm quan tâm đến ngoại giao văn hóa và cũng là quốc gia tiên phong trên thế giới thành lập các trung tâm văn hóa ở nước ngoài. “Viện trao đổi văn hóa Pháp” (Alliance Française) là cơ quan văn hóa ở nước ngoài lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập từ ngày 21/7/1883 với mục đích ban đầu để dạy tiếng Pháp như là một ngôn ngữ thứ hai cho sinh viên. Ngày nay, Viện trao đổi văn hóa Pháp đã có 850 trung tâm tại 137 quốc gia ở cả 5 châu lục, trở thành thiết chế truyền bá ngôn ngữ và văn hóa lớn nhất thế giới [127, tr. 13]. Gần đây, Pháp thành lập thêm các Trung tâm văn hóa Pháp ở nước ngoài (The Institut français) dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao Pháp theo Luật về tổ chức các hoạt động văn hóa Pháp ở nước ngoài được thông qua năm 2010. Hiện tại, mạng lưới các Trung tâm văn hóa Pháp đã có ở 161 quốc gia trên toàn thế giới với 96
Trung tâm văn hóa trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, trong đó có Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội “L’Espace”, và hơn 300 Viện trao đổi văn hóa Pháp được Bộ Ngoại giao Pháp ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ [212, tr. 3]. Hệ thống các trung tâm, cơ sở văn hóa của Pháp trên thế giới đã trở thành công cụ đắc lực trong phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Pháp ra thế giới. Các trung tâm văn hóa độc đáo này tạo ra không gian cho các cuộc đối thoại cởi mở về văn hóa, cho những nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa cũng như khơi nguồn sáng tạo cho tương lai. Hơn thế nữa, những hoạt động phối hợp giữa các trung tâm văn hóa Pháp với với các cơ quan, tổ chức văn hóa tại nước bản địa đã góp phần làm cho các hoạt động ngoại giao văn hóa vượt ra khỏi những bức tường bao quanh các trung tâm văn hóa, đến với cộng đồng nhân dân nước sở tại.
Song song với việc quảng bá sự đa dạng văn hóa Pháp ở nước ngoài, Pháp còn đặc biệt quan tâm việc quảng bá văn hóa Pháp ở ngay trong nước. Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao lớn được tổ chức dày đặc trong năm, thu hút một lượng khách quốc tế đông đảo. Pháp cũng rất quan tâm đến việc đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao lớn của thế giới, điển hình như tổ chức thành công FIFA World Cup 1998.
Một trong những định hướng trong ngoại giao văn hóa được Pháp rất quan tâm đó là việc hỗ trợ, giúp đỡ các nước tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa của họ tại Pháp như các Tuần Văn hóa, Năm Văn hóa tại Pháp. Theo hướng này, Pháp đạt được nhiều mục đích: khẳng định vị trí trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Pháp tại châu Âu; thể hiện vai trò trung tâm, nước lớn của Pháp đối với các nước; khẳng định vị thế không thể thiếu của Pháp trong chính sách đối ngoại của các nước; tạo cảm tình và củng cố quan hệ giữa Pháp với các nước trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Pháp. Kể từ năm 1999 đến nay, Pháp liên tục tổ chức và phối hợp với các nước tổ chức nhiều Tuần Văn hóa và Năm Văn hóa Pháp ở các nước và ngược lại. Năm 1999 tổ chức “Tuần Văn hóa” với Ma-rốc, Ukraine, Quebec (Canada); năm 2001 tổ chức “Tuần văn hóa
Pháp tại Hungary”; năm 2002 tổ chức “Tuần Văn hóa Czech tại Pháp”; năm 2003 tổ chức “Năm An-giê-ri tại Pháp”; năm 2004 tổ chức “Năm Trung Quốc tại Pháp”; “Tuần Văn hóa Ba Lan tại Pháp” và “Lễ hội văn hóa Iceland tại Pháp”; năm 2005 tổ chức “Năm văn hóa Bra-xin tại Pháp”; năm 2006 tổ chức “Năm Văn hóa Armenia tại Pháp”; năm 2012 tổ chức “Năm Croatia tại Pháp”, năm 2013 tổ chức “Năm Nam Phi tại Pháp”, “Năm Pháp tại Việt Nam” và năm 2014 tổ chức “Năm Việt Nam tại Pháp”. Trong những năm qua, Pháp luôn là quốc gia dẫn đầu trên thế giới về thu hút khách du lịch quốc tế. Năm 2012, Pháp đón 83 triệu lượt khách quốc tế, năm 2013 lên đến 84,7 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 56 tỉ USD [199].
Đặc biệt, Pháp hết sức chú trọng đẩy mạnh hợp tác văn hóa, khoa học-kỹ thuật trong Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie) nhằm qua cơ chế này tập hợp lực lượng, ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ vào khu vực được coi là ảnh hưởng của Pháp. Francophonie hiện có 80 quốc gia tham gia, trong đó có 57 thành viên và 23 quan sát viên (bằng 1/3 số thành viên Liên hợp quốc), dân số lên đến 900 triệu người và chiếm 19% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thế giới [128]. Qua hợp tác trong Francophonie, Pháp muốn nâng cao vị trí của tiếng Pháp và duy trì ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp không chỉ trong Cộng đồng, mà cả trên thế giới. Năm 1989 Pháp khởi xướng và thúc đẩy việc tổ chức Đại hội Thanh niên, Nghệ thuật và Thể thao khối Pháp ngữ (Jeux de la Francophonie) 4 năm một lần, nhằm tăng cường hơn nữa sự giao lưu, gắn kết trong khối. Chủ trương bảo vệ đa dạng văn hóa trên thế giới của Pháp được Cộng đồng ủng hộ, thể hiện qua Tuyên bố Cotounou tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ họp tại Maurice vào tháng 6/2001 về một khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm thúc đẩy đa dạng văn hóa. Tuyên bố này là một trong những cơ sở của Tuyên bố UNESCO về đa dạng văn hóa vào tháng 11/2001 tại Mexico. Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ IX họp tại Bây-rút, Li-băng tháng 10/2002 đã chọn chủ đề là “Đối thoại giữa các nền văn minh và đa đạng văn hóa” [86, tr. 173]. Là quốc gia đề xướng bảo vệ đa dạng
văn hóa, Pháp được nhiều nước, nhất là những quốc gia nghèo ủng hộ. Đối với các nước nghèo, việc sản xuất và truyền bá những sản phẩm văn hóa bản địa gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nguồn lực tài chính. Pháp cho rằng, sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang bản sắc, giá trị và ý nghĩa riêng, nên không được coi chúng như những hàng hóa bình thường khác, và không được áp đặt các quy tắc về tự do thương mại đối với văn hóa. Có thể khẳng định việc Pháp thúc đẩy đa dạng văn hóa, phổ quát tiếng Pháp ra thế giới chính là phương thức để bảo vệ nền văn hóa Pháp trước sự cạnh tranh của các nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa và lối sống Mỹ.
Việc phát triển tiếng Pháp ra thế giới là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại Pháp. Chính phủ Pháp cho rằng tiếng Pháp cần phải được duy trì ngôi vị như một ngôn ngữ chính trong giao lưu quốc tế và là ngôn ngữ của nghệ thuật, văn hóa và sự hiểu biết, đồng thời nó là một công cụ của giáo dục, thống nhất khu vực, thương mại và phát triển. Bộ Ngoại giao Pháp đã đặt ra 4 nhiệm vụ chính trong đó tập trung thúc đẩy sự phát triển của đa ngôn ngữ để có thể bảo vệ ngôn ngữ tiếng Pháp trong các tổ chức quốc tế; quảng bá hình ảnh của nước Pháp như là một loại công cụ hỗ trợ phát triển tại các nước thuộc Vùng ưu tiên hòa hợp; xác định lại chiến lược phát triển ngôn ngữ tiếng Pháp tại các nước đang nổi lên để có thể thu hút thêm nhiều các đối tượng tham gia học tiếng Pháp; tăng cường chất lượng việc giảng dạy tiếng Pháp ở nước ngoài.
Những nỗ lực của Pháp thời gian qua đã góp phần cải thiện đáng kể vị thế của tiếng Pháp trên thế giới. Hiện hàng năm có trên 450.000 người học tiếng Pháp tại các lớp học tiếp Pháp do “Alliance Française” tổ chức. Hàng năm Pháp tiếp nhận khoảng 150.000 sinh viên nước ngoài và cấp khoảng 18.000 học bổng [86, tr. 168]. Hiện trên thế giới có 274 triệu người nói tiếng Pháp, trong đó có 60% là thanh niên dưới 30 tuổi. Tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi thứ 9 trên thế giới và được sử dụng ở cả 5 châu lục, chỉ sau tiếng Anh, đồng thời là ngôn ngữ thông dụng thứ 3 trên mạng internet. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính
thức được sử dụng trong các tổ chức quốc tế cũng như các diễn đàn đa phương quan trọng (Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu). Tiếng Pháp cũng là yếu tố liên kết đặc biệt quan trọng, gắn bó 57 quốc gia thuộc Tổ chức các nước nói tiếng Pháp [127, tr. 5].
Có thể khẳng định, Pháp đã rất thành công trong ngoại giao văn hóa, cũng như sử dụng yếu tố văn hóa để tập hợp lực lượng, củng cố ảnh hưởng, nhất là trong Cộng đồng Pháp ngữ. Liên tiếp trong các Hội nghị cấp cao gần đây, các nhà lãnh đạo Cộng đồng đều cam kết thúc đẩy những mục tiêu của khối, trong đó có việc đẩy mạnh học tiếng Pháp, tôn trọng đa dạng văn hóa, mở rộng không gian số tiếng Pháp. Tuyên bố Hội nghị cấp cao lần thứ 13 Cộng đồng Pháp ngữ (năm 2010) tại Môn-tơ-rơ, Thụy Sĩ khẳng định tiếng Pháp là mấu chốt của sự hợp tác và đoàn kết thúc đẩy đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trong khối. Tuyên bố Hội nghị cấp cao lần thứ 14 tại Kinshasa, Congo (năm 2012) khẳng định thúc đẩy không gian số tiếng Pháp và thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp. Đặc biệt, Tuyên bố Dakar của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 15 tổ chức tại Dakar, Senegal (năm 2014) đã thông qua nhiều chương trình hợp tác chiến lược, như Khung chiến lược hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2015-2022, Chiến lược Thanh niên Pháp ngữ, Chiến lược kinh tế Pháp ngữ. Với những chiến lược này, nhất là Chiến lược Thanh niên Pháp ngữ, Pháp sẽ có nhiều điều kiện để tác động đến thế hệ trẻ trong khối, những người sẽ nắm quyền trong tương lai ở các nước thành viên. Pháp đặt trọng tâm vào khối Pháp ngữ, bởi ở đây không chỉ gìn giữ và phát triển tiếng Pháp, mà còn là nơi truyền tải những giá trị của toàn khối như văn hóa, đoàn kết, dân chủ, nhân quyền. Trong khối Pháp ngữ thì khu vực quan trọng nhất là Châu Phi bởi đến 2050, Châu Phi sẽ chiếm 85% những người nói tiếng Pháp trên thế giới, đây còn là châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên, nhiều tiềm năng phát triển, là khu vực gắn chặt với lợi ích của Pháp, nhưng đồng thời cũng là địa bàn được nhiều nước lớn quan tâm.