B. NỘI DUNG
1.3.3. Những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của
Indonesia trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Suharto
Các nguyên tắc cơ bản đầu tiên của chính sách đối ngoại của Indonesia được thiết kế bởi Thủ tướng Mohamad Hatta. Ngày 2/9/1948, tại phiên họp của Uỷ ban Trung ương Indonesia (PNKI), tiền thân của Nghị viện Indonesia, Phó Chủ tịch Hatta đồng thời là Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng của nước Cộng hoà Indonesia trẻ tuổi đã làm rõ những định hướng của Indonesia trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Qua tác phẩm của mình là “Mendajung Antara Nua Karang” (Chèo thuyền giữa hai dải san hô ngầm), Mohamad Hatta đã xác lập những nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Indonesia, đó là độc lập và ích cực. Những nguyên tắc này sau đó đã trở thành nền tảng chính sách ngoại giao của Indonesia.
Sau khi lên cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Suharto vẫn tiếp tục duy trì việc thực hiện các nguyên tắc này, đồng thời nhấn mạnh tính thực tế và thực dụng trong chính sách đối ngoại. Trong bài diễn văn tại Nghị viện ngày 17/8/1967, Tổng thống Suharto giải thích: “Thực tế có nghĩa là, chú ý đến thực tại trong sự tập hợp quốc tế hiện nay. Thực dụng tức là các chính
sách quyết định có hiệu quả và có lợi cho quyền lợi của dân tộc Indonesia và tinh thần Pancasila” [94; tr.120].
Dựa trên nền tảng cơ bản là độc lập và tích cực, để phù hợp với những thay đổi của tình hình thế giới cũng như những điều kiện cụ thể của đất nước, Chính phủ của Tổng thống Suharto đã cụ thể hoá những nguyên tắc của chính sách đối ngoại. Tháng 3/1978, Hội đồng tư vấn nhân dân đã họp và tuyên bố những nguyên tắc cơ bản về đường lối đối ngoại của Indonesia, đó là:
- Tiến hành chính sách đối ngoại độc lập và tích cực nhằm phục vụ cho những lợi ích dân tộc và trước hết là lợi ích phát triển. Nhiệm vụ chủ yếu của chính sách đối ngoại là phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
- Tiếp tục tăng cường củng cố sự ổn định và hợp tác trong khu vực Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương cũng như trong khuôn khổ các nước ASEAN nhằm mục đích củng cố sự bền vững và ổn định của khu vực.
- Nâng cao vai trò của Indonesia trên trường quốc tế với mục đích củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc.
- Củng cố sự đoàn kết, thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển để thúc đẩy nhanh việc tạo lập ra một trật tự kinh tế thế giới mới.
- Phát triển sự hợp tác giữa các quốc gia vì lợi ích hoà bình và thịnh vượng của nhân loại trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc độc lập và công bằng xã hội” [17; tr.204].
Những nguyên tắc trên là sự kế thừa những nguyên tắc đối ngoại mà Thủ tướng Hatta đã xây dựng trong những năm đầu độc lập, đồng thời những nguyên tắc này cũng là sự phù hợp với bản sắc và triết lý của quốc gia như đã được ngụ ý trong Pancasila.
Với việc đưa ra những nguyên tắc này, chính sách ngoại giao của Indonesia sẽ giúp quốc gia độc lập và linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Indonesia không đối đầu với các thế lực trên thế giới, không trở
thành đối tượng của các mâu thuẫn quốc tế giành quyền tự quyết với vận mệnh dân tộc. Thực chất của chính sách đối ngoại này là nhằm phục vụ quyền dân tộc, phục vụ lợi ích quốc gia, đồng thời cho phép Indonesia hợp tác với các quốc gia khác nhau nhằm xây dựng một thế giới tự do, hoà bình, ổn định và phát triển lâu dài.
Tiểu kết chương 1
Trong thời kỳ từ 1945 đến 1991, chính phủ của Tổng thống Sukarno và Suharto đã chứng kiến nhiều chuyển biến mạnh mẽ của tình hình thế giới: những căng thẳng của thế giới thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của Trật tự hai cực, sự tan vỡ của Liên Xô và Đông Âu… Những thay đổi đó buộc những nhà lãnh đạo Indonesia phải có cách nhận thức đúng để kịp thời hoạch định một chính sách đối ngoại phù hợp với trào lưu chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Là khu vực án ngữ trong những vị trí chiến lược trọng yếu, lại giàu có tài nguyên thiên nhiên, Đông Nam Á trở thành địa bàn tranh chấp ảnh hưởng của các cường quốc. Sự có mặt của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực mà Indonesia là một nước lớn nhất khu vực cũng không phải là một ngoại lệ. Sự hình thành chính sách đối ngoại của Indonesia không chỉ chịu ảnh hưởng của bối cảnh thế giới mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của tình hình Đông Nam Á.
Là một quốc gia lớn nhất trong khu vực về cả diện tích và dân số, tầm quan trọng của vị trí chiến lược và giàu tài nguyên, các nhà lãnh đạo Indonesia ngày càng ý thức rằng đất nước xứng đáng có một vai trò quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Chính sách đối ngoại của Indonesia được hình thành là sự phản ánh những điều kiện thực tiễn của quốc
gia, đồng thời là sự tự ý thức khả năng, vai trò của quốc gia với khu vực và thế giới.
Hình thành trên cơ sở tư tưởng và pháp lý là những nguyên tắc Pancasila và Hiến pháp 1945, chính sách đối ngoại của Indonesia là sự kế thừa và phát triển những giá trị cốt lõi của dân tộc Indonesia. Đây có lẽ là một trong những điều kiện đảm bảo cho sự thành công trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Indonesia từ năm 1945 đến 1991.
Chương 2
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI