B. NỘI DUNG
3.2.2. Xã hội, văn hóa giáo dục ,y tế
Cho trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Đông Nam Á diễn ra, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 3 thập niên cầm quyền của Tổng thống Suharto đã tạo điều kiện thuận lợi nâng cao mức sống cho người dân Indonesia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ tăng thu nhập bình quân đầu người ở Indonesia trong giai đoạn 1965-1993 là 4,5%, trong năm 1995-1996 là 5,8%, đạt 1080 tỉ USD vào năm 1996, đứng hàng 74 trên thế giới [42; tr.39]. Tỉ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ từ 40,1% dân số cả nước (tương đương với hơn 50 triệu người) năm 1976, giảm xuống còn
13,7% (khoảng 25,9 triệu người) năm 1993. Năm 1995, 63% dân số của Indonesia đã được dùng nước sạch, 51% dân cư được cải thiện các điều kiện vệ sinh. Mức sống và điều kiện tốt hơn đã giúp Indonesia nâng cao tuổi thọ cho công dân của nước mình, trung bình là 64 tuổi vào năm 1997.[42, tr.39]
Nhờ sự phát triển kinh tế, ngân sách giành cho văn hóa - giáo dục, y tế của chính phủ Indonesia cũng tăng lên đáng kể. Năm 1995, con số này chiếm tới gần 20% tổng chi ngân sách. Chính phủ Indonesia đã thành lập các trường học đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đào tạo giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc nhằm xóa bỏ dần những chênh lệch về trình độ giáo dục giữa các vùng, các sắc tộc, giới tính. Hệ thống giáo dục phổ cập được thực hiện đã đem lại những lợi ích bình đẳng theo giới tính và dân tộc rất rõ nét ở Indonesia. Giáo dục cơ bản đem lại những lợi ích xã hội và các nhân rất lớn bởi nó góp phần tạo nên thể chất, nhân cách, khả năng tư duy và năng suất lao động cho người lao động.
Trên lĩnh vực chăm sóc y tế, sức khỏe cho cộng đồng, Indonesia cũng đạt những thành công đáng kể. Hàng năm, chi tiêu cho y tế sức khỏe chiếm 1,8% GDP của Indonesia, trong đó chi tiêu công cộng là 0,7% GDP, chi tiêu tư nhân là 1,1% (giai đoạn 1990-1995). Năm 1994, cứ 5.000 người dân Indonesia thì có 1 bác sỹ, 43,5% dân số được tiếp cận các dịch vụ y tế [104].