Dự báo chính sách đối ngoại của Indonesia trong thời gian tới

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 126)

B. NỘI DUNG

3.3.2.Dự báo chính sách đối ngoại của Indonesia trong thời gian tới

Sau hơn hai thập kỷ Chiến tranh lạnh kết thúc, trải qua những bước thăng trầm, khó khăn và thử thách, sự điều hành của chính phủ các tổng thống Indonesia đã giúp quốc gia này đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt. Tình hình chính trị nội bộ ngày càng ổn định, an sinh xã hội được cải thiện. Kinh tế

giữ nhịp độ phát triển liên tục và được đánh giá là thể chế kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện nay và là nền kinh tế đã gia nhập vào nhóm G20, từng bước sớm ra khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu chiến lược đề ra trong việc đối mặt với những thách thức lớn để tăng trưởng kinh tế, Indonesia có thể sẽ có những điều chỉnh tích cực trong chính sách ngoại giao.

Indonesia tăng cường quan hệ song phương với các nước lớn để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh tế, đồng thời tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế để xây dựng một hình ảnh Indonesia phát triển thịnh vượng. Tiếp tục coi ASEAN là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại, làm sâu sắc với quan hệ giữa các nước thành viên và khẳng định vai trò lãnh đạo Hiệp hội trong việc giải quyết các vấn đề nội khối.

Đối với vấn đề Biển Đông, Indonesia cũng đã từng có kinh nghiệm riêng của mình trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Đáp lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần đặc khu kinh tế của mình, Indonesia đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất của quân đội năm 1996. Nếu Trung Quốc tiếp tục đe doạ tấn công hay trừng phạt các nước láng giềng không những sẽ tăng cường sức mạnh quốc phòng của họ mà còn tạo cơ hội để chào đón các nước bên ngoài tham gia, đặc biệt là Mỹ. Do vậy, Indonesia với nhiều biện pháp khác nhau:

Biện pháp đầu tiên là nâng DOC thành một cơ sở pháp lý có trọng lượng hơn để liên kết tất cả các bên. Các bên có thể tham gia thoả thuận về “sự cố trên biển” giữa Mỹ và Liên Xô trước đây hồi năm 1972.

Biện pháp thứ hai là tạo ra một cách tiếp cận phối hợp để tiến hành các “hoạt động hợp tác” như Điều 6 của DOC quy định. Điều này có nghĩa là khi bất kỳ bên nào muốn tiến hành nghiên cứu khoa học biển đều phải mời các bên quan sát, hoặc ít nhất là thường xuyên có những thông báo. Chính sách

như vậy cũng có thể là một phần của các biện pháp xây dựng lòng tin cần thiết để tạo dựng sự tin tưởng giữa các bên tranh chấp.

Biện pháp thứ ba là tăng cường các cuộc thảo luận trong khu vực liên quan đến các vấn đề hàng hải.

Biện pháp thứ tư là cải thiện các cơ chế hiện tại để các nước tiến hành tập trận quân sự với cácch tiếp cận hiệu quả nhất có thể là tiến hành tập trận chung giữa các bên tranh chấp.

Như vậy, Indonesia phải có khả năng thuyết phục đối với tất cả các bên, phải chỉ rõ cho họ thấy, họ đang cùng ở trên một con thuyền, một giải pháp hoà bình cho tranh chấp sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian, do vậy đe doạ hay sử dụng vũ lực chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Indonesia tiếp tục vận động các nước thành viên nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cho ASEAN nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đồng thời tham gia tích cực và đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của mình trên trường quốc tế.

3.3.3. Một số bài học cho Việt Nam

Nghiên cứu chính sách đối ngoại của Indonesia từ đó rút ra được vai trò, đóng góp của quốc gia này đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, cho chúng ta thấy, trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa, việc hội nhập khu vực và quốc tế là điều cần thiết.Hội nhập cũng là một cách để giúp chúng ta có một môi trường ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng một ASEAN vững mạnh là điều kiện quan trọng để củng cố các nền tảng vững chắc cho sự hội nhập khu vực và quốc tế một cách toàn diện.

Đối với ASEAN, cần phải xác định đúng vai trò và vị trí của tổ chức, cần phải lấy ASEAN làm nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước ta. Việt Nam muốn có được sự ổn định, bảo đảm an ninh đất nước và

chủ quyền lãnh thổ quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đối ngoại của các nước ASEAN. Đây là những quốc gia láng giềng cùng nằm trên một tổng thể địa lý, có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của Việt Nam. Đảm bảo được an ninh khu vực sẽ đảm bảo an ninh cho Việt Nam và ngược lại. Hơn nữa, với một khu vực có 600 triệu dân, là thị trường rộng lớn và giàu tiềm năng. Đây là thị trường hấp dẫn, thu hút các nước lớn đầu tư vào khu vực. Việt Nam nên lấy ASEAN làm tâm điểm trong sự phát triển và mở rộng vai trò của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung và nỗ lực nhiều hơn cho tiến trình phát triển ASEAN như một hướng chiến lược ưu tiên hàng đầu. Đây là cơ sở để Việt Nam tăng sức hấp dẫn quốc tế của mình trong các nỗ lực thu hút đầu tư, mở rộng thị trường nhằm cải thiện năng lực canh tranh. Đồng thời, ASEAN cũng là nhân tố giúp Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.

Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội trên tất cả các phương diện từ an ninh chính trị đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải quan tâm đến việc cân bằng lợi ích quốc gia và khu vực.

Trong xu thế hợp tác và phát triển hiện nay, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cần giữ được thế cân bằng đối với các nước lớn. Đây là nền tảng để ASEAN và các nước thành viên nâng cao vị trí của mình trên trường quốc tế. Việt Nam cần tích cực đóng góp, đưa ra những sáng kiến trong hợp tác an ninh chính trị, liên kết kinh tế, thực hiện những hiệp định theo đúng lộ trình để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ASEAN bởi vì ASEAN phát triển vững mạnh sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam.

Trong thời gian tới, tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, xung đột biên giới, khủng bố quốc tế, bất ổn về chính trị, các vấn đề an ninh phi truyền thống khác... là

những thách thức lớn đối với các nước trong khu vực trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN thống nhất vào năm 2015.

Sự can dự mạnh mẽ của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc vào khu vực, xu thế chạy đua vũ trang và những bất ổn về chính trị, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng lãnh thổ và giữa các nhóm sắc tộc có thể nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến tình trạng bất ổn của khu vực Đông Nam Á.

Đây chính là những thách thức lớn mà Indonesia cần phải đối mặt và vượt qua. Trong thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục có những thay đổi tích cực trong chính sách đối nội và đối ngoại để nhanh chóng giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, tập trung vào phát triển kinh tế đất nước, duy trì và tăng cường vai trò, uy tín trên trường quốc tế cũng như tiếp tục đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự hợp tác khu vực.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 126)