B. NỘI DUNG
1.3.1. Cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của Indonesia
1.3.1.1. Cơ sở địa lý - lịch sử
Ở bất kỳ quốc gia nào, dù trong những thời điểm lịch sử khác nhau, để hoạch định chính sách đối ngoại đều cần dựa trên những đặc thù về địa lý, lịch sử của đất nước đó.
- Indonesia là một quốc gia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Indonesia là một quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích nếu tính cả vùng hải phận rộng gần 5 triệu km2, trong đó diện tích đất liền là 1.919.440 km2. Với vị trí nằm cạnh đường xích đạo, Indonesia có chiều dài từ Tây sang Đông là 8.110 km, chiều rộng từ Bắc xuống Nam là 1.888 km. Xét về diện tích, Indonesia là quốc gia lớn thứ 13 trên thế giới và là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.
Tính đến năm 2012, dân số Indonesia là khoảng hơn 248 triệu người, xếp thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và là quốc gia có số dân
đông nhất Đông Nam Á. Đây cũng là quốc gia đa dân tộc với trên 150 dân tộc khác nhau. Ngoài ra, Indonesia còn có các cộng đồng dân nhập cư của những người gốc Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập… Indonesia là quốc gia đa tôn giáo, trong đó Hồi Giáo chiếm vị trí trọng yếu và được xem là quốc giáo, chiếm 87% dân số. Ngoài ra, còn có Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo…
-Indonesia là một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên.
Indonesia là quốc gia nằm giữa lục địa châu Á và châu Đại Dương, án ngữ con đường vận chuyển dầu mỏ nối liền Ấn Độ dương và Thái Bình dương. Trải dài từ vĩ độ 6 độ 8 phút Bắc đến 11 độ 15 phút Nam, từ Kinh độ 94 độ 45 phút đến 141 độ 5 phút Đông. Indonesia được ví như một “chuỗi ngọc bích quấn quanh đường xích đạo”.
Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng, Indonesia còn được xếp vào hàng những quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là một số tài nguyên chiến lược.Indonesia xếp thứ 7 trên thế giới về trữ lượng đầu mỏ và dẫn đầu Đông Nam Á về sản lượng dầu khai thác. Bên cạnh đó, đất nước này có trữ lượng khí thiên nhiên đứng hàng thứ hai trên thế giới với sản lượng khai thác vào khoảng 10.000 m3/năm. Indonesia còn có sản lượng thiếc, gỗ xuất khẩu, dừa … đứng thứ hai thế giới. Hàng năm, Indonesia còn xuất khẩu một khối lượng lớn dầu cọ, chè, cà phê, than đá, quặng bô xít, niken, đồng…
Là quốc gia có vị trí địa chiến lược, diện tích và dân số lớn nhất khu vực, lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào. Chính sách đối ngoại mà các nhà lãnh đạo Indonesia thực hiện không chỉ phải xứng đáng với vị trí của quốc gia mà còn phải thể hiện những ảnh hưởng của quốc gia tới khu vực và trên thế giới.
-Indonesia - một đất nước tồn tại nhờ ý thức độc lập dân tộc, thống nhất.
Ngay từ thế kỷ XVI, Indonesia đã trở thành đối tượng xâm chiếm và tranh giành của các nước tư bản phương Tây. Sau hàng loạt những cuộc chiến
tranh, xung đột và thoả thuận, Hà Lan đã chiếm được phần lớn lãnh thổ Indonesia nhưng đến năm 1811, người Anh đã tấn công và chiếm được hầu hết các vị trí của Hà Lan ở Indonesia. Tròn 1 thế kỷ sau, năm 1911, Hà Lan đã hoàn thành quá trình thuộc địa hoá và đặt ách thống trị ở Indonesia kéo dài suốt hơn 3 thế kỷ.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Indonesia phải đương đầu với một đế quốc xâm lược đến từ Đông Á là Nhật Bản. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc với sự thất bại của chủ nghĩa phát xít, Nhật Bản đã buộc phải từ bỏ Indonesia cũng như nhiều thuộc địa ở châu Á - Thái Bình dương. Hà Lan nhanh chóng quay lại thiết lập chế độ thuộc địa với sự ủng hộ đắc lực của Anh, Mỹ trong vai trò đồng minh của Hà Lan…
Cũng như nhiều quốc gia và dân tộc khác trên thế giới, trước khi thức tỉnh và đấu tranh giành độc lập, đất nước Indonesia phải sống trong cảnh nô lệ với máu và nước mắt của thực dân phương Tây trong nhiều thế kỷ. Với một vị trí đại lý quan trọng cùng nguồn tài nguyên dồi dào, Indonesia là vùng đất mà nhiều nước đế quốc thực dân đều muốn có và không dễ gì từ bỏ. Chính bởi vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Indonesia đã phải trải qua một quá trình lâu dài, khó khăn và đầy gian khổ đã đứng lên đấu tranh giành độc lập ngay từ những ngày đầu khi thực dân phương Tây đặt chân lên xâm lược.
Song, ý nguyện về một quốc gia độc lập và thống nhất, niềm tự tôn dân tộc như một mạch ngầm sức mạnh đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh cho nhân dân Indonesia. Ý thức về một đất nước, một dân tộc độc lập, thống nhất, ý thức của một quốc gia tự ý thức về vai trò và vị trí của mình đã bao hàm và xuyên suốt lịch sử đấu tranh của nhân dân Indonesia.
Trải qua hơn 3 thế kỷ đưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân và cuộc đấu tranh cho thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ kéo dài hơn một thập kỷ, dân tộc Indonesia hiểu hơn ai hết sự quý giá của độc lập và tự chủ. Bởi vậy, trong
các chính sách của mình, Indonesia luôn nêu cao tinh thần độc lập, ý thức tự cường quốc gia, tự cường khu vực và đa dạng hoá quan hệ. Từ một xứ “Ấn độ thuộc Hà Lan”, Indonesia đã khẳng định vị thế của mình và ngày càng khẳng định vị trí đó trên bản đồ khu vực và thế giới.
Giống như bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới, chính sách đối ngoại của Indonesia về cơ bản cũng phải bắt nguồn từ nhiệm vụ cụ thể của quốc gia, dân tộc và chịu ảnh hưởng từ những yếu tố lịch sử. Đất nước Indonesia được tạo thành từ hàng vạn hòn đảo và với một số dân tạo thành từ nhiều tiểu quốc Hồi giáo và bản địa, với sự đa dạng và phong phú của các nền văn hoá. Bởi vậy, tư tưởng về một quốc gia, một dân tộc độc lập và thông nhất là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các chính sách đối nội và đối ngoại của Indonesia.
1.3.1.2. Cơ sở thực tiễn
Cùng với sự chi phối về ý thức của một dân tộc, một đất nước thống nhất, chính sách đối ngoại của Indonesia còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những vấn đề thực tiễn của đất nước đang đặt ra.
Trong hơn 2 thập kỷ cầm quyền (1945 -1967), Tổng thống Sukarno đã thi hành những chính sách đối nội, đối ngoại nhằm củng cố nền độc lập của đất nước cũng như bước đầu khẳng định vị trí của Indonesia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những thành công bước đầu này không đủ sức ngăn cản những rạn nứt trong nội bộ cũng như sự suy sụp của nền kinh tế. Chính sách đối ngoại của Chính phủ từ giữa thập niên 50 đã chi phối mạnh mẽ các vấn đề đối nội đến mức tới đầu thập niên 60 đã quyết định diễn biến chính trị trong nước và dẫn tới hàng loạt những biến động lớn với kết quả là sự ra đi của Tổng thống Sukarno.
Những yếu tố cực đoan và phiêu lưu trong chính sách đối ngoại của Sukarno đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Indonesia không chỉ khu vực
mà cả trên trường quốc tế. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho Chính phủ Tổng thống Suharto sau khi lên cầm quyền là phải thi hành chính sách đối ngoại phù hợp để không chỉ khôi phục mà còn nâng cao hơn nữa hình ảnh Indonesia trong cái nhìn của khu vực và quốc tế. Chính sách đối ngoại mà Indonesia thực hiện phải dung hoà được các mối quan hệ với các nước lớn ở Đông Nam Á nếu muốn xây dựng Indonesia trở thành một quốc gia lãnh đạo trong khu vực và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sau khi lên nắm quyền, thách thức lớn nhất của Suharto phải đối mặt là đưa đất nước ra khỏi khủng hoẳng kinh tế và phá sản mà Chính phủ tiền nhiệm đã để lại thông qua những chính sách tiêu xài hoang phí. Những nỗ lực của Chính phủ mới nhằm đối phó với nạn lạm phát, thất nghiệp leo thang và thiếu vốn nghiêm trọng kèm theo đó là món nợ nước ngoài lên tới 1,7 tỉ USD. Chính sách đối ngoại mà Chính phủ Suharto lựa chọn không chỉ nhằm củng cố hay lấy lại vị thế cho Indonesia mà nó còn có ý nghĩa cứu quốc gia trước bờ vực của sự phá sản.
Có thể thấy, những kinh nghiệm đối ngoại trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Sukarno đã ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng đối ngoại của Tổng thống Suharto và những Tổng thống kế tiếp. Nhu cầu phát triển đất nước đòi hỏi chính sách đối ngoại phải nâng cao tính hiện thực, thực dụng và tính linh hoạt. Mặt khác, việc tiến hành chính sách đối ngoại phải dựa trên sức mạnh nội lực của nền kinh tế và ổn định về chính trị. Hai giá trị cốt lõi của quốc gia đó là phát triển kinh tế và ổn định về chính trị chỉ có thể đạt được bằng cách theo đuổi một chính sách độc lập và linh hoạt trong chính sách đối ngoại.
Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với chính sách đối ngoại của Indonesia đó là sự lớn mạnh của cộng đồng Hồi giáo. Dưới thời Tông thống Sukarno, cộng đồng Hồi giáo chưa trở thành một thế lực chính trị
lớn mạnh và có những ảnh hưởng lớn đến quốc gia nên không khó để lý giải vì sao Hồi giáo lại vắng mặt trong những xem xét về chính sách đối ngoại của Sukarno. Đến thời của các Tổng thống tiếp theo, Hồi giáo thậm chí đã trở thành một trong số các lực lượng quan trọng tham gia vào công việc chính trị của đất nước.
Như vậy, xuất phát từ tình hình cụ thể của quốc gia, để đối phó với sự chia rẽ trong nội bộ cũng như sự bất đồng tư tưởng ngày càng tăng trong nền chính trị đối với việc định hướng chính sách đối ngoại, từ năm 1974, những người lãnh đạo Indonesia buộc phải đưa ra một hệ tư tưởng mang tính quốc gia có sức cuốn hút đông đảo các tầng lớp trong xã hội và hạn chế đến mức tối đa những chia rẽ trong hệ thống chính trị. Trong bối cảnh đó, những nguyên tắc cụ thể của tư tưởng Pancasila đã được nêu cao và được coi như nguyên tắc tư tưởng chính thức duy nhất ở Indonesia. Bất cứ ai chống lại Pancasila đều bị quy là Cộng sản hay Hồi giáo cực đoan.
1.3.1.3. Cơ sở tư tưởng và pháp lý - Nền tảng tư tưởng Pancasila
Pancasila (nghĩa là “Năm viên đá quý”) là 5 nguyên tắc xây dựng đất nước được Tổng thống Sukarno nêu lên trong bài diễn văn đọc trước Uỷ ban trù bị cho độc lập của Indonesia ngày 1/6/1945. Năm nguyên tắc này được coi là cơ sở tư tưởng cho nền độc lập tương lai của Indonesia cũng như sau này trở thành cơ sở pháp lý quốc gia của nước Cộng hoà Indonesia. Tổng thống Sukarno đã giải thích 5 nguyên tắc đó như sau:
+ Chủ nghĩa dân tộc thống nhất trên lãnh thổ Indonesia. Quốc gia Indonesia không phải của bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào mà là một quốc gia “tất cả cho tất cả”. Điều này được Tổng thống Sukarno khẳng định trong bài diễn văn kỷ niệm thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc ngày 24/10/1951: “Nếu không có chủ nghĩa dân tộc thì không thể có chủ nghĩa nhân đạo… Bất
luận trong nội bộ chúng tôi có bao nhiêu điều trái ngược nhau, nhưng trên trường quốc tế, về phương diện chung, chúng tôi cần tỏ rõ mặt đoàn kết, nhất trí” [65; tr.11].
+ Chủ nghĩa quốc tế hay chủ nghĩa nhân văn, tức là từ bỏ chủ nghĩa sô vanh để đoàn kết hữu nghị với tất cả các dân tộc. Tổng thống Sukarno nói: “Vị trí địa lý của nước chúng tôi nằm giữa bốn đại dương khiến chúng tôi có tinh thần quốc tế… Dân tộc Indonesia chúng tôi đã tự do và trao đổi một cách khảng khái với các nước láng giềng theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau” [65; tr.11].
+ Mufakat hay nền dân chủ phù hợp với những truyền thống của xã hội Indonesia. Muốn có một cơ sở vĩnh viễn cho một quốc gia, cần có một chính phủ đại diện, một chính phủ trong đó nhân dân có quyền tiếng nói trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của quốc gia.
+ Xã hội thịnh vượng: Mọi người đều có cuộc sống hạnh phúc, tự do và không nghèo khổ. Indonesia đã phải trải qua hơn 3 thế kỷ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Tuy tài nguyên giàu có nhưng đời sống nhân dân còn nghèo khổ. Vì vậy, xây dựng xã hội thịnh vượng là một trong những nhiệm vụ mà chính phủ phải đảm đương và thực hiện.
+ Niềm tin vào Thượng đế, nghĩa là mỗi người đều có quyền tôn thờ vị thần của mình. Điều đó có nghĩa rằng, nhân dân Indonesia đều có quyền tin tưởng vào vị Thượng đế riêng của mình, nghĩa là được quyền tự do tín ngưỡng như đã nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng, mặc dù cùng sử dụng Pancasila trong định hướng các chính sách đối nội, đối ngoại, mặc dù những định hướng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Suharto hoàn toàn khác biệt so với thời Tổng thống Sukarno, nhưng những chính sách tổng quát của nguyên tắc Pancasila như vũ khí đắc lực trong việc hạn chế một cách tối đa sự
chia rẽ tư tưởng trong xã hội Indonesia. Đồng thời, nó tạo ra một sự đồng thuận nhất định trong việc xây dựng các chính sách quốc gia mà chính sách đối ngoại là một trong những bộ phận đó.
Pancasila trên thực tế đã trở thành cơ sở nền tảng cho việc hoạch định những chính sách đối nội, đối ngoại của Indonesia của hầu hết những người lãnh đạo của đất nước Cộng hoà Indonesia.
- Cơ sở pháp lý : Hiến pháp năm 1945
Hiến pháp năm 1945 của Indonesia được ban hành ngay sau khi Indonesia tuyên bố độc lập, được xây dựng trên cơ sở triết lý của 5 nguyên tắc dựng nước Pancasila tập trung vào những điểm chủ yếu sau:
- Bảo đảm sự tăng cường và củng cố chính quyền của nước Cộng hoà Indonesia dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng thống. Theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống có quyền lực rất lớn, là người đứng đầu Chính phủ, đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
- Bảo đảm thực hiện các nguyên tắc dân chủ.
- Tổ chức hướng dẫn việc phát trtiển một hệ thống kinh tế nhằm xây dựng một xã hội công bằng và phồn thịnh.
Tháng 8/1959, Tổng thống Sukarno đã công bố một Tuyên ngôn chính trị mang tính chất cương lĩnh (maniplo) thể hiện tư tưởng xây dựng một “nền dân chủ có chỉ đạo” của mình và ra sắc lệnh quyết định Hiến pháp năm 1945 là Hiến pháp của nước Cộng hoà Indonesia độc lập và thống nhất. Hiến pháp năm 1945 đã trở thành cơ sở pháp lý cho công cuộc cải cách và xây dựng đất nước Indonesia.
Như vậy, cùng với Pancasila, Hiến pháp năm 1945 đã trở thành cơ sở tư tưởng và pháp lý cho công cuộc xây dựng đất nước Indonesia. Những đường lối, chủ trương, chính sách của Chính phủ nhằm xây dựng một Indonesia độc lập, thống nhất và phát triển đều dựa trên những cơ sở này.