B. NỘI DUNG
3.2.1. Đối với sự phát triển kinh tế
Trong suốt thời gian từ sau khi giành độc lập, đặc biệt là từ 1991 đến nay, chính quyền Indonesia đã thực hiện một chính sach đối ngoại độc lập và tích cực. Mục tiêu của chính sách đối ngoại này là thúc đẩy quá trình phát triển của dân tộc, ưu tiên trước hết cho phát triển kinh tế; duy trì sự ổn định
trong nước cũng như trong khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển của dân tộc; bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia và cuộc sống hòa bình của nhân dân Indonesia. Với một chính sách đối ngoại phục vụ và chỉ phục vụ duy nhất lợi ích quốc gia, đồng thời phù hợp với xu thế quan hệ quốc tế, các chính phủ nối tiếp trong giai đoạn này đã tạo ra một thời kỳ phát triển toàn diện cho Indonesia.
Năm 1997 được coi là một năm sóng gió nhất trong lịch sử xây dựng và phát triển Indonesia kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Đại họa cháy rừng, hạn hán kéo dài do ảnh hưởng của El Nino và các vụ tai nạn máy bay và đắm tàu xảy ra trong mấy tháng cuối năm một cách “họa vô đơn chí”, cùng với sự mất giá nghiêm trọng của đồng Rupiah đã gây ra những thiệt hại lớn chưa thể đánh giá hết đối với nền kinh tế của đất nước đông dân thứ tư thế giới này.
Trước khi diễn ra khủng hoảng khu vực, Indonesia đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong hơn một phần tư thế kỷ qua là 7-8% và có mức thu nhập bình quân trên một đầu người khá cao trong khu vực (1000 USD). Indonesia có tham vọng sẽ trở thành một nước công nghiệp khi bước vào thế kỷ XXI bằng kế hoạch xây dựng 5 năm lần thứ 7 (1998-2003). Nhiều nước đang phát triển coi sự thành công của Indonesia là kinh nghiệm quý giá cần học hỏi để áp dụng cho nước mình. Thế nhưng, chỉ sau gần 1 năm, cơn bão khủng hoảng kinh tế tràn đến đã cuốn đi những thành tựu của hơn 3 thập kỷ xây dựng đất nước của Tổng thống Suharto. Do hậu quả của cuộc khủng hoẳng, trước áp lực của dân chúng, mới chỉ sau 2 tháng với cương vị Tổng thống nhiệm kỳ thứ 7, Suharto buộc phải tự tuyên bố từ chức Tổng thống vào ngày 21/5/1998 sau 32 năm cầm quyền liên tục của ông.
Từ năm 1998 đến 2001, Chính phủ Indonesia liên tiếp thay đổi người đứng đầu: B.J. Habibie, Abdrahman Wahid rồi đến Megawati Soekarnoputri.
Khi Megawati trở thành Tổng thống thứ 3 thời “hậu Suharto”, các chính sách cải cách, khôi phục kinh tế của bà đã đưa Indonesia dần đạt được một số kết quả đáng khích lệ: tăng trưởng GDP tăng từ 0,3% năm 1999 lên 5% năm 2003, tăng trưởng thịnh vượng từ số âm chuyển sang giá trị dương 3%; thất nghiệp giảm, tỉ lệ đói nghèo từ 19,1% năm 2000 còn 16,6% năm 2004; nợ nước ngoài của chính phủ giảm từ 103% GDP vào năm 1999 giảm xuống còn 59,8% năm 2004; đồng Rupiah phục hồi về khoảng 8.500 cho 1 USD và lạm phát giảm. Cho đến cuối năm 2004, lần đầu tiên được khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất kể từ sau cuộc khủng hoẳng 1997-1998 [59, tr.93]
Từ năm 2004 đến nay, dưới thới nắm quyền liên tiếp của Tổng thống SBY, Indonesia liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá bất chấp từ năm 2008 bùng nổ khủng hoảng kinh tế thế giới: GDP năm 2007 tăng 6,3% đến năm 2009 tăng 4,5% và năm 2010 tăng 6,2%; dự trữ ngoại tệ đạt 100 tỉ USD và sức cạnh tranh kinh tế vươn từ thứ 139 lên thứ 44 trên thế giới. Năm 2010, Indonesia công bố kế hoạch phát triển kinh tế 15 năm với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 7% - 8%, nhằm mục tiêu đến năm 2025 đưa Indonesia trở thành một trong 10 cường quốc kinh tế thế giới, tới năm 2050 trở thành một trong 6 cường quốc kinh tế thế giới [59; tr.100].