Chính sách đối ngoại với Australia

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 73)

B. NỘI DUNG

2.4.1.Chính sách đối ngoại với Australia

Australia là quốc gia láng giềng có vị trí gần gũi với Indonesia. Trong số các nước láng giềng, Indonesia coi quốc gia này có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển đối với Indonesia nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Có thể nói, Australia là láng giềng gần gũi nhất với Indonesia về phía Đông - Nam, nhưng sẽ không có hai nước láng giềng nào, ở bất cứ đâu trên thế giới lại khác biệt nhau một cách căn bản và toàn diện như hai quốc gia này từ chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, hệ thống pháp luật, định chế xã hội…

Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Sukarno, việc Indonesia nghiêng về thế giới cộng sản cũng như mâu thuẫn giữa hai quốc gia này trong vấn đề Tây Iran và sự thành lập Liên bang Malaysia đã dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Điều này đã khiến một thời kỳ dài sau đó, chính sách đối ngoại của cả Indonesia và Australia đều thể hiện sự dè dặt nhau và luôn chứa đựng bên trong những nhân tố gây nên sự bất đồng gây nên sự bất đồng và khác biệt trong nhiều vấn đề.

Sau khi lên cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Suharto đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Với việc ký Hiệp ước chấm dứt xung đột với Malaysia, thiết lập quan hệ chặt chẽ và thân thiết với phương Tây, tham gia thành lập ASEAN…, Chính phủ Indonesia đồng thời thi hành chính sách láng giềng hữu nghị và hợp tác vì hòa bình, an ninh và sự phồn vinh giữa hai nước. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại cả hai chính phủ đã khiến quan hệ hai nước trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, từ sự kiện tháng 12/1975, Indonesia tiếp quản vùng Đông Timor sau khi Bồ Đào Nha rút quân khỏi đây, mối quan hệ giữa hai nước lại trở nên căng thẳng, thậm chí trong thời điểm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX có nguy cơ rơi vào sự bế tắc vô cùng tai hại cho cả hai bên.

Nhưng, cũng chính từ cuối những năm 80 đã xuất hiện những điều kiện mới giúp cải thiện mối quan hệ giữa Indonesia và Australia. Trước hết, hai nước đều nhận thức được những chuyển biến mạnh mẽ trong tình hình quốc tế và khu vực đang đặt ra trước tất cả các quốc gia yêu cầu phải điều chỉnh lại chính sách tổng thể của mình để đáp ứng được những thách thức của lịch sử. Hơn nữa, sự bổ nhiệm hai Ngoại trưởng mới của hai nước (Ali Alatas của Indonesia và Gareth Evans của Australia) đã đem đến những thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại giữa hai nước láng giềng này.Thành tựu quan trọng nhất của sự thay đổi này là Indonesia đã ký với Australia “Hiệp ước hợp

tác vùng trống Timor” (12/1989) và có hiệu lực từ tháng 2/1991. Đây được coi là “hiệp ước song phương có ý nghĩa nhất trong toàn bộ lịch sử quan hệ hai nước” [26; tr.180]. Nó không chỉ đánh đấu sự chấm dứt sự bất đồng, tranh chấp về hải phận mà hơn nữa, chính khu vực này có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú nên đồng thời hiệp ước còn mở ra khả năng hợp tác khai thác tài nguyên cùng có lợi giữa hai nước.

Từ thập kỷ 90 trở đi, mối quan hệ giữa hai quốc gia tiếp tục được mở rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh. Indonesia tiếp tục giữ vai trò hàng đầu trong các chương trình viện trợ của Astralia cho khu vực Đông Nam Á và trên tổng thế vẫn chỉ đứng sau Papua New Guinea về giá trị viện trợ cho nước ngoài.

Một trong những dấu ấn rõ nét nhất khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia đó là việc ký kết Hiệp định an ninh Indonesia và Australia ngày 18/12/1995. Hiệp định này đã thu hút sự chú ý không chỉ dư luận trong khu vực mà cả dư luận thế giới. Đây không chỉ là hiệp định an ninh song phương đầu tiên được ký kết ở Đông Nam Á sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc mà còn là hiệp định an ninh song phương đầu tiên của Indonesia ký với một quốc gia khác sau 47 năm kể từ ngày giành được độc lập từ Hà Lan. Thêm nữa, đây cũng là hiệp định an ninh đầu tiên giữa hai quốc gia có những bất đồng truyền thống về lợi ích an ninh của nhau.

Để nhấn mạnh và cũng là để giải thích rõ hơn nội dung của hiệp định này, Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas mô tả đây đơn thuần chỉ là “sự hợp tác an ninh chứ không phải là sự phòng thủ giữa hai nước, và là minh chứng cho sự phát triển mối quan hệ quốc phòng ngày càng nồng ấm giữa hai quốc gia trong những năm gần đây” [9; tr.17]. “Có thể nói, việc ký kết Hiệp định an ninh Indonesia - Australia đã đưa hai nước lại gần nhau hơn, xóa bỏ những mối nghi ngờ vốn có giữa hai nước về tham vọng của nhau và mở ra một trang mới Indonesia trong quan hệ hợp tác giữa hai nước” [9; tr.17].

Đây cũng là lần đầu tiên sau 47 năm, Indonesia - một quốc gia vốn ngại hợp tác về quốc phòng ngay cả trong khối ASEAN, nay lại ký hiệp định an ninh với Australia, một quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á. Động thái này của Indonesia được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Indonesia đang thay đổi mục tiêu và yêu cầu về an ninh sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Dù ý kiến của các nhà nghiên cứu có đúng hay không thì trên thực tế, việc ký hiệp định an ninh với Australia đã làm đa dạng thêm các quan hệ về an ninh của Indonesia. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, Hiệp định an ninh Indonesia - Australia đã đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong chính sách của hai nước với nhau. Trong quá khứ, hai nước này luôn chỉ trích chính sách của nhau và Australia luôn phê phán Indonesia luôn có ý đồ xâm lược nước mình và thôn tính Đông Timor. Bằng hiệp ước này, Indonesia muốn chứng tỏ với Australia rằng, Indonesia không có ý định xâm lược Australia và qua đó tỏ rõ thiện chí của Indonesia đối với hòa bình và an ninh khu vực. “Hiệp định an ninh Indonesia còn là một hình thức ràng buộc để Australia không tiếp tục chống Indonesia về vấn đề nhân quyền và vấn đề Đông Timor như trước đây nữa” [9; tr.17].

Ngoài ra, một hiệp định an ninh với Australia - một quốc gia lớn ở Nam Thái Bình Dương sẽ tăng cường thêm vai trò của Indonesia trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng của ASEAN về phía Nam Thái Bình Dương. Và như vậy, sẽ đồng nghĩa với mở rộng thêm việc tập hợp các nước nhỏ và trung bình trong cân bằng so sánh lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với những thay đổi trong so sánh lực lượng ở khu vực thời kỳ sau Chiến tranh lạnh [9; tr.17].

Những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực trong quan hệ giữa hai nước tiếp tục được khẳng định bằng các cuộc thăm viếng của các quan chức cao cấp cả hai nhà nước. Ngày 14/3/1997, hai bên đã ký Hiệp định biên giới giữa hai nước, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Indonesia

luôn khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Australia là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế Indonesia.

Mặt khác, với Australia, trong ASEAN thì quốc gia này luôn coi trọng quan hệ vớí Indonesia. Quan hệ giữa Indonesia và Australia đã góp phần quan trọng, mở đường thúc đẩy phát triển kinh tế giữa ASEAN và Australia trong những năm vừa qua. Indonesia là một thị trường lớn với 230 triệu dân, là một trong những nền kinh tế mới nổi của thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 trong nhóm các nước G20. Trong khi đó, Australia là một nước phát triển với nền kinh tế lớn thứ 18 của thế giới và là một trong những nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh cao nhất thế giới. Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Australia. Năm 2009- 2010, Australia là nước viện trợ cho Indonesia nhiều nhất trong khu vực (khoảng 452,5 tỉ Đô la Australia trong tổng số 1,97 tỉ Đôla Austrlalia cho toàn khu vực). Tổng kim nghạch thương mại hai chiều giữa Indonesia và Australia đạt gần 15 tỉ USD vào năm 2011. Mặc dù còn nhiều thách thức trong thời gian tới, nhưng Indonesia định hướng đẩy mạnh quan hệ với Australia và mong muốn sẽ trở thành một trong 10 nước có tổng kim ngạch thương mại hai chiều cao nhất của Australia [69].

Tháng 3/2010, trong chuyến thăm chính thức Australia đầu tiên của Tổng thống Indonesia SBI, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.

Tháng 7/2012, Tổng thống Indonesia SBI đã có chuyến thăm Australia và tiến hành hội đàm cấp cao với Thủ tướng nước chủ nhà Julia Gillard. Thủ tướng J.Gillard tuyên bố Australia sẽ đóng góp 1 tỉ USD trong chương trình cho vay khẩn cấp giành cho Indonesia, đồng thời cho biết khoản đóng góp này là một phần trong gói cho vay khẩn cấp của quốc tế giành cho Indonesia với tổng trị giá 5,5 tỉ USD. Theo Thủ tướng J.Gillard, cuộc hội đàm cao cấp

lần này đóng vai trò chính yếu trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược tòa diện Australia - Indonesia và thiết lập đường hướng cho mối quan hệ sẻ chia trong tương lai.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 73)