Chính sách đối ngoại với Mỹ

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 45)

B. NỘI DUNG

2.2.1.Chính sách đối ngoại với Mỹ

Dưới thời của Tổng thống Sukarno, Indonesia thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết, sẵn sàng nhận viện trợ của các nước để phát trỉển kinh tế, xã hội nhưng không bao gồm các điều khoản ràng buộc về chính trị quân sự. Trong những năm 1950, Indonesia đã nhận được nhiều khoản vay và viện trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, sang thập kỷ 1960, cùng với ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Liên Xô và Trung Quốc ở Indonesia, chính sách ngoại giao của Indonesia ngày càng thể hiện sự xa lánh với Mỹ.

Sự xuất hiện của Suharto với vai trò là Tổng thống đã đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Chính phủ Indonesia đã thi hành chính sách đối ngoại thân Mỹ và phương Tây. Mối quan hệ với Mỹ sẽ giúp Indonesia có thêm nhiều khoản vay và viện trợ để phát triển kinh tế vốn đang trong cơn khủng hoẳng trầm trọng bởi những chính sách tiêu xài hoang phí dưới thời Tổng thống Sukarno. Thêm vào đó, chính phủ của Tổng thống Suharto kỳ vọng, Mỹ sẽ là nhân tố giúp Indonesia trở thành quốc gia có địa vị lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, chính quyền Tổng thống Suharto công khai ủng hộ sự có mặt của Mỹ ở Đông Nam Á về mặt quân sự, kinh tế, viện trợ. Đồng thời, Indonesia khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Philippin để cho Mỹ đóng các căn cứ quân sự.

Trong và thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á luôn là một điểm nóng bởi khu vực này là nơi đụng độ lợi ích giữa các nước lớn trong ý muốn biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng của mình. Nhằm ngăn chặn Liên Xô, Trung Quốc và các lực lượng cách mạng để nắm quyền chi phối khu vực này, Mỹ tìm mọi cách lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á. Indonesia là một trong những quốc gia được Mỹ đặc biệt chú ý ở khu vực Đông Nam Á. Mối quan tâm đặc biệt này của Mỹ xuất phát từ vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược quan trọng của quốc gia này:

- Về quân sự, Indonesia là một quốc gia quần đảo khống chế các đường giao thông trên biển và trên không ở Đông Nam Á.

- Về chính trị, Mỹ muốn lợi dụng Indonesia - một quốc gia lớn ở Đông Nam Á đang muốn nâng cao vai trò, uy tín của mình trong các công việc quốc tế, trong Phong trào Các nước Không Liên kết, đặc biệt là đóng vai trò quan trọng trong tổ chức ASEAN. Hơn nữa, Indonesia là quốc gia có chính sách độc lập nên Mỹ cũng rất muốn tranh thủ. Đánh giá vai trò quan trọng của Indonesia, chính quyền Mỹ tìm mọi cách lôi kéo quốc gia này, đặc biệt sau khi Tổng thống Suharto lên nắm quyền và thi hành chính sách đối ngoại thân phương Tây.

Trong những năm 1973-1975, khi chiến tranh Đông Dương kết thúc với sự thắng lợi của ba nước Đông Dương, Mỹ buộc phải rút quân về nước. Lo ngại ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Đông Dương sẽ lan rộng và đe dọa nền an ninh quốc gia cũng như an ninh khu vực, tháng 7/1975, trong chuyến công du Mỹ, Tổng thống Suharto đã bày tỏ ý định của Chính phủ Indonesia muốn Mỹ tiếp tục duy trì vai trò quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời Indonesia tiếp tục đặt mua thêm nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự của Mỹ.

Mặc dù thi hành chính sách đối ngoại thân Mỹ, ủng hộ Mỹ trong việc thiết lập ảnh hưởng cũng như các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, song chính

sách đối ngoại của Indonesia cũng thể hiện sự độc lập nhất định. Indonesia là nước duy nhất của ASEAN không có căn cứ quân sự của Mỹ. Mặc dù kinh tế Indonesia phụ thuộc vào viện trợ Mỹ nhưng giới cầm quyền Indonesia lại giữ được sự độc lập nhất định trong các chính sách. Điều này được thể hiện trong phản ứng của chính phủ Indonesia với các kế hoạch của Mỹ nhằm sử dụng Indonesia và các nước ASEAN khác như những thành tố nhất định trong bản đồ chính trị - quân sự khu vực nhằm chống lại Liên Xô, Việt Nam và kiềm chế Trung Quốc cũng như việc Mỹ khuyến khích Nhật Bản tăng cường vũ trang, mở rộng phạm vi kiểm soát của Nhật Bản đến Đông Nam Á.

Các nhà lãnh đạo Indonesia cũng có những quan điểm khác với Mỹ về “mối đe dọa về quân sự của Liên Xô”. Nếu như trước đây, Indonesia có lập trường tương tự với Mỹ về cái gọi là “nguy cơ Liên Xô”, thì bắt đầu từ giữa những năm 1980, với những biến đổi của thế giới và khu vực, Indonesia đã thể hiện cách nhìn thực tế và khác biệt với quan điểm của Mỹ. Indonesia phê phán những lý lẽ chủ yếu do Mỹ đưa ra để thúc đẩy nước này tăng cường nhanh chóng về quân sự.

Indonesia cũng như các nước ASEAN lo ngại trước sự lôi kéo của Mỹ vào các kế hoạch chiến lược quân sự của Mỹ. Sự thay đổi tình hình ở Đông Nam Á trong thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước đã khiến Indonesia và các quốc gia trong khu vực có sự cân nhắc và điều chỉnh nhất định trong các chính sách cũng như cách ứng xử với Mỹ. Mặc dù vẫn coi Mỹ và phương Tây là chỗ dựa chủ yếu để duy trì an ninh như phát triển kinh tế, song tình hình thực tế lại cho thấy, nếu chỉ nghiêng về một phía là không có lợi. Sự thất bại của Mỹ trong chiến tranh Đông Dương và việc Mỹ rút quân khỏi vùng này đã chỉ ra cho Indonesia cần phải có một chính sách độc lập hơn và giữ khoảng cách với Mỹ. Sự thành lập ZOPFAN năm 1971 đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của ASEAN trong đó có Indonesia. Sự thành lập tổ chức này thể hiện sự mong muốn của ASEAN nói chung và Indonesia nói riêng là

thi hành một chính sách trung lập, cân bằng giữa các nước lớn và cùng tồn tại hòa bình. Lợi ích của Indonesia cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác là phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, không có sự chi phối của các nước khác. Điều này thể hiện rõ trong câu trả lời phỏng vấn phóng viên Reuter của tướng Indonesia, Benny Mudani: “Chúng tôi muốn và kiên trì xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) không có ảnh hưởng của các siêu cường” [81; tr.168].

Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô và Trật tự hai cực Ianta đã đưa đến sự thay đổi căn bản trong cán cân lực lượng thế giới và khu vực. Ở Đông Nam Á, việc cả Mỹ và Liên Xô đều giảm sự có mặt về quân sự của mình đã tạo ra khoảng trống quyền lực ở đây. Mỹ đã rút khỏi Đông Nam Á, song không muốn các nước khác mở rộng ảnh hưởng nhằm lấp lỗ trống chiến lược mà Liên Xô và Mỹ để lại. Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang muốn khẳng định vai trò, ảnh hưởng của mình đối với khu vực này. Sự thay đổi của bối cảnh lịch sử khiến các nhà lãnh đạo Indonesia phải có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Từ chiến lược chỉ dựa vào Mỹ và phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Indonesia chuyển sang chiến lược ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa. Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas đã khẳng định: “Chúng tôi không thể cho bốn cường quốc (Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga) vào khu vực này, nhưng phải cân bằng giữa họ với nhau và giữa họ với Đông Nam Á” [81;tr. 208].

Mặc dù thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong chính sách đối ngoại, chính phủ Suharto vẫn coi Mỹ là nhân tố quan trọng bảo đảm cân bằng chiến lược trong khu vực. Ngày 2/11/1994, khi đề cập đến vấn đề này, Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas nêu rõ “Cần có Mỹ ở châu Á như một nhân tố cân bằng” [81; tr.219]. Mối quan hệ giữa Mỹ và Indonesia tiếp tục được phát triển tốt đẹp kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B.Clinton tháng

11/1994. Hai bên tiếp tục khẳng định các cam kết đã đạt được, tăng cường hơn nữa các quan hệ về hợp tác về kinh tế.

Tuy nhiên giữa Indonesia và Mỹ cũng tồn tại nhiều bất đồng do Mỹ và phương Tây gây sức ép về vấn đề nhân quyền, dân chủ và vấn đề Đông Timor, trong đó vấn đề nhân quyền là một trong những vấn đề gay gắt nhất. Mỹ đã có lúc thậm chí sử dụng vấn đề nhân quyền như một con bài trừng phạt nhằm gây sức ép để đạt được những thay đổi trong quan hệ với Indonesia. Năm 1997, Quốc hội Mỹ lên án Indonesia vi phạm nhân quyền thô bạo ở Đông Timor. Indonesia phản ứng mạnh mẽ bằng việc hủy bỏ đơn hàng mua bổ sung 16 chiến đấu cơ F16 của Mỹ. Đáp lại, Quốc hội Mỹ điều chỉnh lại Đạo luật Leahy, cấm cung cấp tài chính cho chương trình IMET và đình chỉ các đơn bán hàng thiết bị quân sự cho Indonesia. Đạo luật Leahy sửa đổi còn yêu cầu Indonesia phải đáp ứng nhiều nội dung: cải thiện an ninh giữa hai miền Timor, giải giáp vũ khí của các lực lượng quân sự thân Indonesia và chấm dứt xâm nhập quân sự vào Đông Timor, xét xử và trừng phạt các sỹ quan quân đội cao cấp có trách nhiệm về bạo lực ở Đông Timor…Bộ Ngoại giao Mỹ còn chỉ trích Chính phủ Indonesia đã hạn chế chặt chẽ sự cạnh tranh chính trị trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội tháng 5/1997.

Như vậy, có thể thấy rằng, tuy còn tồn tại những bất đồng nhưng trước và sau Chiến tranh lạnh, Chính phủ Indonesia đều coi Mỹ là một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại.

Là một quốc gia lớn trong khu vực, có vị trí địa lý - kinh tế, địa - chính trị quan trọng, Indonesia được Mỹ chú ý đặc biệt trong chính sách đối với Đông Nam Á. Với mục đích thiết lập ảnh hưởng lâu dài ở khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô, Trung Quốc và các lực lượng cách mạng, Mỹ đã thực hiện chính sách lôi kéo Indonesia, đặc biệt là sau khi Tổng thống Suharto lên cầm quyền và thi hành chính sách thân Mỹ. Qua các đời Tổng thống khác

nhau với các chiến lược khác nhau, Indonesia vẫn là một trong những quốc gia được Mỹ ưu tiên trong các chính sách cả về kinh tế lẫn quân sự.

Mỹ hiện đánh giá rất cao sự phát triển kinh tế ổn định của Indonesia. Đầu tư kinh tế của Mỹ vào Indonesia tăng đáng kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B.Obama tháng 11/2010. Kim nghạch thương mại hai chiều Mỹ - Indonesia đạt 26,5 tỉ USD năm 2011, tăng 17% so với năm 2010[69]. Hai bên nhất trí sẽ nâng tổng kim nghạch thương mại hai chiều đạt khoảng 50 tỉ USD vào năm 2015. Với những cam kết về kinh tế giữa hai nước trong thời gian vừa qua, quan hệ kinh tế song phương Mỹ - Indonesia đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác kinh tế giữa Mỹ - ASEAN, đặc biệt là việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương giữa ASEAN và Mỹ.

Về lĩnh vực quân sự, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, từ sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ đã tăng cường hợp tác chống khủng bố với Indonesia và các nước Đông Nam Á như Philippinnes, Thái Lan, Singapore và Malaysia. Mỹ đã tái khởi động quan hệ quân sự - dân sự với Indonesia, khôi phục Chương trình Giáo dục và Đào tạo Quân sự quốc tế (IMET). Năm 2002, trong số 142 triệu USD viện trợ về quân sự và kinh tế cho Indonesia, Mỹ đã giành cho Indonesia gần 25 triệu USD để phục vụ các vấn đề an ninh, trong đó 12 triệu USD dùng để huấn luyện cảnh sát chống khủng bố và thành lập một đơn vị cảnh sát đặc biệt chống khủng bố [88].

Mặc dù nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào viện trợ của Mỹ, song chính sách đối ngoại của Chính phủ Indonesia vẫn thể hiện dấu ấn của sự độc lập.Trong các chính sách cũng như mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á khác, Indonesia luôn chú ý đến lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực.

Trong bối cảnh sự biến đổi mạnh mẽ của tình hình thế giới và khu vực sau Chiến tranh lạnh, Chính phủ Indonesia đã có những điều chỉnh phù hợp

trong đường lối đối ngoại. Với Indonesia, Mỹ vẫn là một nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo thế cân bằng giữa các nước lớn trong khu vực nhưng không còn là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến các định hướng đối ngoại của Indonesia như thời kỳ trước đây nữa.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 45)