Chính sách đối ngoại của Indonesia với tổ chức ASEAN

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 58)

B. NỘI DUNG

2.3.1. Chính sách đối ngoại của Indonesia với tổ chức ASEAN

Tổ chức ASEAN ra đời ngày 8/8/1967 tại Bangkok (Thái Lan) ban đầu gồm 5 nước (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippinnes, Singapore) mục đích chính là thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng.

Với riêng Indonesia, sự thành lập của ASEAN đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Indonesia dưới thời của Tổng thống Suharto với các nước trong khu vực. Mặt khác, sự thành lập của ASEAN “giúp tạo ra một môi trường thuận lợi để Indonesia ổn định tình hình chính trị trong nước và phát triển kinh tế bằng cách loại bỏ những mầm mống của sự xung đột và phiền nhiễu”. Trong ASEAN, Indonesia nhấn mạnh đến “hợp tác về kinh tế,

xã hội trong khu vực để cải thiện cơ cấu nội bộ của các nước khác nhau để giúp họ loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của những rối loạn trong khu vực một cách hoàn thể. Vì vậy, ASEAN trở thành nhân tố quan trọng nhất của những vòng tròn đồng tâm trong chính sách đối ngoại của Indonesia”.

Trên thực tế từ khi được thành lập, ASEAN là nhân tố quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Indonesia, đặc biệt trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Suharto. “Indonesia coi quan hệ với ASEAN là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của mình” [31; tr.31]. Indonesia đề cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các nước ASEAN, tích cực củng cố, xây dựng để tổ chức này ngày càng lớn mạnh. Thông qua ASEAN, Indonesia muốn khẳng định tiếng nói và vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực. Đồng thời, Indonesia cũng muốn thông qua tổ chức này để đấu tranh với các cường quốc trong làm ăn kinh tế và quan hệ chính trị. Cũng trong ASEAN, Indonesia tiếp tục nhấn mạnh không liên kết và mối quan tâm chung về loại bỏ sự cạnh tranh của các siêu cường trong khu vực. Đây là sự tiếp nối chính sách đối ngoại sau khi giành độc lập của Indonesia.

Để khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong ASEAN, Chính phủ Indonesia đã tiến hành những nỗ lực ngoại giao để mở rộng thành viên ASEAN thành tổ chức của tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Trong quá trình Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, Indonesia là nước có vai trò chủ yếu.Việc kết nạp 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia gặp không ít khó khăn do sự yếu kém về kinh tế và cả những sự bất ổn về chính trị của những quốc gia này. Mỹ và các nước châu Âu lên tiếng phản đối việc kết nạp 3 nước này vào ASEAN, đặc biệt là Myanmar vì nước này vi phạm nhân quyền. Họ lập luận rằng, nếu ASEAN tiếp nhận Lào, Myanmar, Campuchia sẽ kìm hãm bước tiến của tổ chức, đồng thời làm cho mối quan hệ giữa ASEAN và thế giới phương Tây giảm sút. Bất chấp sự phản đối của Mỹ

và phương Tây, năm 1997 ASEAN đã kết nạp Lào và Myanmar. Việc kết nạp Myanmar vào ASEAN không chỉ nhằm thiết lập một tổ chức khu vực thống nhất mà còn nằm trong lợi ích của Đông Nam Á để tránh việc Myanmar rơi vào quỹ đạo của một cường quốc khu vực. Điều này cũng thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ của ASEAN khi tổ chức này giành lấy quyền tự quyết của mình như Ngoại trưởng Indonesia đồng thời là Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN Ali Alatas khẳng định: “Việc kết nạp ai là thành viên, giành cho nước nào quy chế quan sát viên - đó là quyền của ASEAN” [81; tr.211].

Với Campuchia, ASEAN đã thành lập cơ chế “Bộ ba ASEAN” gồm 3 Ngoại trưởng Indonesia, Philippinnes và Thái Lan. Những nỗ lực này đã đưa đến kết quả là năm 1999, Campuchia chính thức trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN.

Trong việc giải quyết “vấn đề Campuchia”, Indonesia đã có những bước đi ngoại giao đúng đắn để giải quyết cuộc khủng hoẳng ở Campuchia cũng như những hiểu lầm giữa các nước ASEAN và Việt Nam. Mâu thuẫn giữa ASEAN và các nước Đông Dương, đặc biệt là đối với Việt Nam bắt đầu khi quân đội Việt Nam bắt đầu cuộc “chiến tranh bắt buộc”, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Ponpot -Yengxary. Hành động của Việt Nam bị các nước ASEAN coi là vi phạm nguyên tắc không can thiệp và không sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia. Đồng thời ASEAN cũng cho rằng, hành động của Việt Nam có thể sẽ mở rộng xung đột và trở nên phức tạp bởi có sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc..

Để giải quyết vấn đề này, các nước ASEAN có những quan đểm khác nhau. Trong khi Indonesia và Malaysia cho rằng nên thực hiện đường lối “ngoại giao dàn xếp” nhằm giải quyết xung đột, hạn chế tối đa vai trò của các cường quốc bên ngoài, thì Thái Lan và Singapore lại cho rằng ASEAN nên

thực hiện chiến lược đối kháng, đẩy Việt Nam rơi vào tình thế cô lập với cộng đồng quốc tế, hao tổn về mọi mặt thông qua sự sa lầy ở Campuchia. Trước sự đối đầu căng thẳng giữa ASEAN và Việt Nam, Indonesia đã có nhiều hoạt động ngoại giao tích cực nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa hai phía, cố gắng đưa Việt Nam thoát khỏi sự cô lập, thuyết phục Mỹ phục hồi quan hệ với Việt Nam. Chính phủ Indonesia cũng thuyết phục Việt Nam trở thành láng giềng thân thiện của ASEAN với thiện ý giải quyết vấn đề Campuchia. Sự hiểu biết sâu sắc giữa Việt Nam và Indonesia được thể hiện qua việc Ngoại trưởng hai nước là Mocta và Nguyễn Cơ Thạch đã có cuộc gặp gỡ không chính thức vào ngày 29/7/1987 bàn về giải pháp cho Campuchia. Kết quả những chuyến thăm đó là ASEAN và Việt Nam đã đồng ý tổ chức những cuộc gặp gỡ không chính thức tại Giakarta (JIM) để các bên Campuchia thương lượng chấm dứt xung đột.

Kết quả của các nỗ lực này là Hội nghị quốc tế về Campuchia đã diễn ra vào tháng 7/1990 do Pháp và Indonesia chủ trì. Hội nghị đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của Campuchia nói riêng, quan hệ ASEAN và ba nước Đông Dương nói chung. Ngày 12/11/1990, Tổng thống Indonesia Suharto đã đến Hà Nội. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ASEAN đến Việt Nam. Chuyến viếng thăm này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bằng chứng cho sự hòa giải giữa ASEAN và Việt Nam, khẳng định xu thế đối thoại hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực. Nó cũng chứng tỏ sự thắng thế của chủ trương “ngoại giao dàn xếp”, mềm mỏng trong ASEAN mà Indonesia đã kiên trì theo đuổi [3.tr.205].

Mối quan hệ song phương của Indonesia với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã được phục hồi dười thời Tổng thống Suharto. Tuy vậy, khi ông Suharto từ chức năm 1998 sau cuộc khủng hoẳng tài chính - tiền tệ tác động nghiêm trọng đến kinh tế Indonesia, quan hệ giữa Indonesia với ASEAN khá

trầm lắng, không có những bước tiến tích cực thực sự. Các thời Tổng thống giai đoạn này chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề trong nước mà không chú trọng đến ASEAN trong chính sách đối ngoại của mình. Điều này làm cho vai trò của Indonesia trong ASEAN giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù vậy, sự ủng hộ và thúc đẩy ký kết Hiệp ước Bali II (2003) với mục tiêu hướng tới thành lập Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN với 3 nước Đông Á (ASEAN +3) là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc của Indonesia trong thời gian này cũng rất đáng ghi nhận.

Kể từ khi ông SBY lên nắm quyền liên tiếp từ 2004 đến nay, Indonesia tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao linh hoạt, coi ASEAN là nền tảng và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Giữ nguyên cam kết đối với sự liên kết khu vực, đề cao vai trò quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời coi việc thông qua hợp tác với ASEAN là cơ hội để mở rộng với các nước lớn, Indonesia nêu rõ chú trọng việc “tăng cường sự ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo của Indonesia trong ASEAN”. Ông cũng cho rằng, Indonesia cần đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề khu vực tại các diễn đàn ASEAN +, ARF, EAS…

Có thể thấy, đối với các nhà lãnh đạo Indonesia, khu vực Đông Nam Á và tổ chức ASEAN luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và Indonesia luôn muốn tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình trong khu vực, vì đây là tổ chức của các nước trong khu vực, là những quốc gia láng giềng có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của Indonesia.Trước tiên, nếu Indonesia muốn duy trì được hòa bình, ổn định đất nước, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế thì việc duy trì và ổn định khu vực là điều kiện quan trọng. Các nhà lãnh đạo Indonesia trong bất kỳ thời kỳ nào cũng đều cố gắng tăng cường vai trò lãnh đạo của quốc gia trong tổ chức này.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w