B. NỘI DUNG
3.3.1.4. Những khó khăn trong nước
Sau khi tái cử nhiệm kỳ 2009-2014, Tổng thống SBY đã phải gánh vác nhiều nhiệm vụ và vượt qua không ít khó khăn. Mặc dù Indonesia đã đạt được những thành công nhất định, nhưng quốc gia này sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, một loạt thách thức cũ vẫn chưa giải quyết triệt để và vẫn tồn tại: tỉ lệ đói nghèo, thất nghiệp vẫn cao; tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng vốn rất cấp bách diễn ra quá chậm chạp; cải cách tư pháp và tòa án chưa toàn diện và hiệu quả; các quy định về thị trường lao động không tiến triển; chất lượng dịch vụ y tế thấp kém; lực lượng vũ trang thiếu ngân sách mua sắm trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang khiến kim ngạch xuất khẩu của Indonesia giảm mạnh.
Thứ hai, tình trạng bạo lực tôn giáo cũng như phong trào ly khai vũ trang tại Ache và Papua vẫn là nhân tố tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn trong xã hội.Trong khó khăn cũ vẫn còn hiện hữu, những nguy cơ mới lại xuất hiện ở Indonesia. Sau 4 năm yên tĩnh không xảy ra các vụ khủng bố, ngày 17/7/2009, Indonesia lại rung chuyển bởi 2 vụ đánh bom liều chết liên tiếp tại các khách sạn sang trọng ở thủ đô Jakarta. Nó đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những chính sách khủng bố trong thời gian cầm quyền của Tổng thống SBY. Trước khi các vụ đánh bom này xảy ra, Indonesia được xem là tấm gương sáng trong các nỗ lực chống và kiểm soát khủng bố, thậm chí nhiều người còn cho rằng, chủ nghĩa khủng bố tại Indonesia chỉ là khái niệm thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, những vụ đánh bom vừa qua thực sự đã là một thách thức đối với chính sách chống khủng bố của Tổng thống SBY. Trong thời gian tới, chắc chắn nỗ lực chống khủng bố sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nước này nhằm đảm bảo rằng, Indonesia sẽ là một nơi an toàn cho người dân và các nhà đầu tư nước ngoài.