Chính sách đối ngoại với Trung Quốc

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 54)

B. NỘI DUNG

2.2.3. Chính sách đối ngoại với Trung Quốc

Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Sukarno, Indonesia thi hành chính sách đối ngoại nghiêng về chủ nghĩa cộng sản. Mối quan hệ giữa Indonesia với quốc gia cộng sản lớn nhất châu lục là Trung Quốc diễn ra tốt đẹp. Mặc dù Liên Xô, Trung Quốc là hai quốc gia cộng sản viện trợ nhiều nhất cho Indonesia, song các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Indonesia (PKI)- một trong những chính đảng quan trọng trong Chính phủ của Tổng thống Sukarno lại lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hơn Liên Xô. Theo quan điểm của họ, Trung Quốc có nhiều mối quan tâm chung ở châu Á hơn là Liên Xô. Trước thời gian xảy ra cuộc đảo chính ngày 30/9/1965, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với PKI nói riêng và với Indonesia nói chung đang ở trong giai đoạn đỉnh cao.

Sau cuộc đảo chính của những người cộng sản thất bại năm 1965, chính phủ Tổng thống Suharto lên cầm quyền đã thay đổi hoàn toàn chính sách đối

ngoại của Indonesia với Trung Quốc. Thay vì mối quan hệ đồng minh thân cận trước đây, các nhà lãnh đạo của “Trật tự mới” tỏ ra nghi ngờ sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc đảo chính. Chính phủ mới của Indonesia công khai cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ PKI để lật đổ chính phủ hợp pháp và cố gắng khuyến khích một cuộc cách mạng cộng sản ở Indonesia.Tháng 10/1967, Chính phủ Indonesia quyết định đình chỉ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Việc đình chỉ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cũng nhằm phục vụ ba chức năng quan trọng vì lợi ích chính trị của chính phủ “Trật tự mới”.

Thứ nhất, việc đình chỉ quan hệ với Trung Quốc sẽ phản ánh hình ảnh của “Trật tự mới” như một lực lượng chống cộng sản, điều này sẽ tăng cường tính hợp pháp và quyền lực của chính phủ mới. Quân đội là lực lượng quan trọng trong việc loại bỏ những ảnh hưởng của PKI. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh chống lại PKI, quân đội đã cố gắng loại bỏ những ảnh hưởng của Trung Quốc ở Indonesia.

Thứ hai, bằng cách đình chỉ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, quân đội đã có thể thiết lập hình ảnh của mình như là một lực lượng chính trị nhằm đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, cụ thể là nhu cầu của lực lượng chống cộng sản. Ngay sau cuộc đảo chính năm 1965 thất bại đã có những yêu cầu mạnh mẽ từ phía người dân Indonesia rằng, chủ nghĩa cộng sản cần phải được loại bỏ khỏi Indonesia. Trong bối cảnh này, việc đình chỉ quan hệ ngoại giao với Trung quốc đã tạo điều kiện thuận lợi để quân đội nhận được sự ủng hộ từ các lực lượng chính trị khác trong nỗ lực lật đổ hệ thống chính trị cũ.

Thứ ba, việc đình chỉ quan hệ với Trung Quốc đã tăng cường niềm tin vào quân đội như một thế lực quốc gia thực sự. Giống như quân đội, các lực lượng chống cộng sản khác cũng nhận thức được rằng quan hệ gần gũi giữa PKI và Trung Quốc đã làm Indonesia dễ trở thành đối tượng can thiệp của các nước bên ngoài.

Thái độ của Chính phủ Indonesia cũng bắt nguồn từ những chính sách của Trung Quốc sau cuộc đảo chính năm 1965. Trung Quốc tuyên truyền chống Indonesia trên các phương tiện truyền thông. Đài phát thanh Bắc Kinh liên tục kêu gọi một cuộc nổi dậy trên khắp Indonesia để lật đổ chính phủ của “Trật tự mới” và kèm theo đó là lời hứa giúp đỡ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc là Tân Hoa Xã thì liên tục cáo buộc chính phủ của “Trật tự mới” là “con chó trung thành” của đế quốc Mỹ.

Trong suốt cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, các nhà lãnh đạo Indonesia tiếp tục tố cáo những hành động của Trung Quốc trong việc gây bất ổn cho Indonesia. Đó là việc Trung Quốc hỗ trợ cho các nhóm du kích thực hiện “chiến tranh nhân dân” dọc theo biên giới Indonesia - Sarawak và thậm chí gửi cả các cán bộ quân sự Trung Quốc vào Indonesia để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chính phủ Indonesia. Lực lượng đông đảo Hoa kiều ở Indonesia cũng được Trung Quốc sử dụng như một công cụ để thực hiện âm mưu gây bất ổn cho Indonesia.

Mối quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc chỉ được cải thiện mạnh mẽ vào đầu những năm 80 khi Indonesia đồng ý nối lại quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc. Điều này bắt nguồn từ chính yêu cầu phát triển kinh tế của Indonesia. Suharto và chính phủ của ông rất quan tâm đến vấn đề giá dầu giảm mạnh trên thị trường thế giới đối với nền kinh tế đất nước. Ông nhận thức rằng, nếu các vấn đề kinh tế của đất nước không thể giải quyết được ngay lập tức, nó sẽ trở nên khó khăn hơn và trở thành một nguy cơ gây bất ổn chính trị. Các chính sách đa dạng hóa quan hệ thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu mỏ trở thành giải pháp cho những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90, những thay đổi mạnh mẽ của tình hình thế giới và khu vực đã dẫn đến sự điều chỉnh chính sách đối ngoại

của Indonesia và Trung Quốc. Thay thế cho chính sách đối ngoại theo tư tưởng nước lớn, bành trướng bá quyền bằng mọi hình thức với các nước Đông Nam Á trước đây, Trung Quốc đưa ra chính sách đối ngoại mới, xây dựng với Đông Nam Á mối quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở bạn bè láng giềng tin cậy. Trung Quốc đã đưa ra phương châm thể hiện 3 nguyên tắc chiến lược ngoại giao của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, đó là:

- Xóa bỏ hoài nghi, tăng thêm tin cậy nhằm xoa dịu mối lo ngại và nghi ngờ về “mối đe dọa của Trung Quốc” trong các nước Đông Nam Á.

- Mở rộng điểm đồng, tăng cường hợp tác nhằm lấy kinh tế làm cơ sở cho mối quan hệ và đảm bảo nền an ninh khu vực một cách lâu dài.

- Thúc đẩy đoàn kết, cùng nhau phát triển nhằm xoa dịu những bất đồng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nhất là trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã tác động một cách tích cực đến thái độ của các nhà lãnh đạo Indonesia. Bước ngoặt trong quá trình bình thường hóa giữa Indonesia và Trung Quốc diễn ra vào tháng 2/1989. Tại tang lễ của Hoàng Đế Nhật Bản Hirohito, Tổng thống Suharto đã có cuộc hôị kiến với Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham. Theo đó, các đoàn đại diện hai nước tại Liên Hợp Quốc tiến hành đàm phán về bình thường hóa quan hệ.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Trung quốc chính thức được khôi phục vào tháng 8/1990 trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas đến Bắc Kinh. Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ là các chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo 2 nhà nước. Tháng 8/1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng sang thăm chính thức Indonesia. Tháng 11/1990, lần đầu tiên Tổng thống Sukarno sang thăm chính thức Trung Quốc và có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cũng trong tháng 11/1990, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng đã tới thăm Indonesia.

Từ sau Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc từng bước được khai thông và phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Năm 1994, buôn bán hai chiều đạt 2,7 tỉ USD. Trong năm 1997, quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố, nhiều chuyến viếng thăm được diễn ra của các đoàn Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học công nghệ Trung Quốc…

Năm 2010, kim nghạch buôn bán hai chiều giữa Indonesia và Trung Quốc là 34 tỉ USD [104].

Trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Indonesia chủ trương vừa tích cực hợp tác, vừa đấu tranh hạn chế sức mạnh của Trung Quốc. Bên cạnh mối quan hệ tốt đẹp, giữa Indonesia và Trung Quốc hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng gây căng thẳng trong quan hệ hai nước như vẫn đề chủ quyền biển đảo liên quan đến đảo Natura của Indonesia vẫn chưa được giải quyết…

2.3. Chính sách đối ngoại của Indonesia đối với khu vực Đông Nam Á

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w