B. NỘI DUNG
3.1.2. Tính năng động
Hơn hai mươi năm sau Chiến tranh lạnh, các nhà lãnh đạo của Chính phủ Indonesia đã chứng kiến những chuyển biến mạnh mẽ của tình hình thế
giới và khu vực. Sự kết thúc của một trong những cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất trong lịch sử nhân loại - Chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của hệ thống CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, quá trình toàn cầu hóa, khủng bố quốc tế...Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Indonesia.Trong bối cảnh thế giới như thế, thách thức lớn nhất đặt ra cho Chính phủ các Tổng thống kế tiếp nhau của Indonesia là khả năng thích ứng với môi trường mới, nắm bắt xu thế phát triển của quan hệ quốc tế, kịp thời điều chỉnh chiến lược đối ngoại cũng như đối nội phù hợp với trào lưu chung của thế giới, đồng thời chớp thời cơ thuận lợi để tạo ra sự phát triển của quốc gia. Chính sách đối ngoại của các nhà lãnh đạo Indonesia thời kỳ này đã luôn có những điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng những thách thức đó của lịch sử. Thay thế cho chính sách đối ngoại có phần cực đoan và phiêu lưu dưới thời Tổng thống Sukarno, Chính phủ của Tổng thống Suharto và các Tổng thống kế tiếp thời kỳ sau Chiến tranh lạnh đã thi hành chính sách đối ngoại đa cực, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế vừa phù hợp với trào lưu chung của thế giới, đồng thời cũng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hiệu quả nhất.
Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, Chính phủ Indonesia luôn đưa ra những định hướng kịp thời cho chính sách đối ngoại.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Suharto thời kỳ 1991-1998, chính sách đối ngoại của Indonesia đã được điều chỉnh để phù hợp với môi trường thay đổi cả trong nước và quốc tế theo ba cách.
Trước tiên, việc tiến hành các chính sách đối ngoại được dựa trên sức mạnh nội lực của nền kinh tế và “ngoại giao để phát triển” được coi như một mục tiêu cao nhất của chính phủ Tổng thống Suharto khi thực hiện các chính sách đối ngoại.
Thứ hai, Tổng thống Suharto theo đuổi việc tạo ra một quốc gia ổn định và coi đây là điều kiện quan trọng đầu tiên cho sự phát triển kinh tế cũng như các định hướng đối ngoại.
Thứ ba, hai giá trị cốt lõi (phát triển kinh tế và ổn định chính trị) sẽ là cơ sở cho tính hợp pháp của chế độ “Trật tự mới” trong việc thực hiện chính sách đối nội và các quan hệ đối ngoại của Indonesia.
Để thực hiện các mục tiêu này, chính sách đối ngoại của Indonesia dưới thời Tổng thống Suharto cũng bắt đầu di chuyển gần hơn tới các nước phương Tây với một chính sách đối ngoại mở cửa để thu hút viện trợ và đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước tư bản phát triển phương Tây để phục hồi nền kinh tế quốc gia.
Khía cạnh thứ hai trong chiến lược đối ngoại mới, Tổng thống Suharto kết thúc cuộc đối đầu gây nhiều thiệt hại với Malaysia. Đây là biến đổi quan trọng đầu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ “Trật tự mới” với các nước trong khu vực. Nó chỉ ra một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Indonesia và cho thấy một cam kết mới của Chính phủ Indonesia trong việc thực hiện chính sách láng giềng thân thiện cũng như tầm quan trọng của sự liên kết khu vực trong chính sách đối ngoại của quốc gia này.
Với sự ra đời và hoạt động của tổ chức ASEAN trong thời gian qua cũng là cơ hội để Indonesia tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình trong khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế hơn hai thập kỷ qua, ASESAN luôn là nhân tố quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Indonesia.
Ưu tiên kế tiếp của chính sách đối ngoại của Chính phủ Indonesia sau Chiến tranh lạnh là khôi phục các mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Trong thời nắm quyền của Tổng thống Sukarno, mối quan hệ giữa Indonesia và Mỹ căng thẳng do mối quan hệ chặt chẽ giữa Indonesia với Liên Xô, trong khi quan hệ với Nhật Bản chỉ hạn chế trên một số lĩnh vực. Việc cải thiện mối quan hệ tốt đẹp với hai quốc gia này có thể giúp Indonesia theo đuổi các mục
tiêu phát triển kinh tế trong nước, đàm phán về các khoản viện trợ cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của Indonesia để phát triển đất nước. Thành công của chính sách ngoại giao này đã giúp Indonesia tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ và có thêm nhiều khoản viện trợ cho công cuộc tái thiết nền kinh tế. Những thỏa thuận mới với Mỹ và Nhật Bản đã đem lại cho Chính phủ Indonesia thêm 600 triệu USD, cho phép tái khởi động nhiều dự án kinh tế, trong đó có dự án đập ASAHAN và hiện đại hóa thiết bị cảng biển Tây Java.
Một ví dụ tiêu biểu khác cho tính năng động, linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Indonesia đó là việc Indonesia quyết định bình thường hóa quan hệ song phương với Trung Quốc vào tháng 8/1990, sau hơn hai thập kỷ đình chỉ quan hệ hai nước. Đối với Indonesia, sự kiện này sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn cho nền kinh tế Indonesia, đồng thời nó sẽ cho phép tạo ra một mẫu hình mới trong quan hệ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và khuyến khích quá trình sắp xếp lại trật tự an ninh, chính trị ở khu vực này thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.
Các chính sách đối ngoại năng động, linh hoạt của Chính phủ Inđônexia đã đưa đất nước này thoát khỏi những khó khăn nội tại, tận dụng các yếu tố thuận lợi để phát triển và nâng cao vị thế của Indonesia trên trường quốc tế và khu vực.