Những thách thức mới

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 119)

B. NỘI DUNG

3.3.1.Những thách thức mới

3.3.1.1. Sự can dự của các nước lớn vào khu vực Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường can dự với các nước Đông Nam Á, trong khi đó Mỹ công khai chính sách quay trở lại châu Á, quan tâm nhiều hơn đến khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian tới, hai cường quốc này sẽ tiếp tục can dự nhiều hơn vào khu vực này và mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ có tác động lớn đến khu vực này vì:

Thứ nhất, về phía Mỹ: Nội bộ Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã và đang ủng hộ chính sách “quay trở lại châu Á”. Theo đó, chiều hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới sẽ tiếp tục quan tâm hơn tới Đông Nam Á nhằm: khai thác nguồn thị trường tiềm năng ở khu vực này; tạo ra cơ

chế ở khu vực để kiềm chế Trung Quốc; tăng cường quan hệ với ASEAN, góp phần tập hợp lực lượng của Mỹ. Trong báo cáo “Đánh giá quốc phòng 2010” (QDR), Mỹ nêu ra 3 nhóm nước: nhóm đồng minh chính thức gồm Philippinnes và Thái Lan; nhóm các đối tác chiến lược là Singapore và nhóm các đối tác chiến lược trong tương lai gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Mỹ dự định sẽ “tăng cường” các quan hệ liên minh với nhóm thứ nhất, “làm sâu sắc” hơn mối quan hệ hợp tác với Singapore và “phát triển mối quan hệ chiến lược mới” với nhóm thứ ba. So với QDR 2006, báo cáo QDR 2010 khẳng định chủ trương hợp tác lâu dài và với nhiều cấp độ với các nước trong khu vực. Theo đó, việc nâng tầm quan hệ với các nước khu vực Đông Nam Á sẽ là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ Mỹ - ASEAN, nhất là trong giai đoạn ASEAN đẩy mạnh quá trình nhất thể hóa từ nay đến 2015.

Thứ hai, về phía Trung Quốc: Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ, ra sức tranh thủ các nước ở Đông Nam Á. Đây là khu vực mà Trung Quốc dễ tăng cường ảnh hưởng của mình nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc đang gặp phải đối tượng mạnh là Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, với phương châm “cầu đồng, tồn dị”, “lấy kinh tế thúc đẩy chính trị”, thông qua nhiều biện pháp tổng hợp về kinh tế, chính trị, đầu tư, viện trợ, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc nâng cấp quan hệ với các nước ở khu vực (Trung Quốc đã xây dựng khuôn khổ quan hệ chiến lược với nhiều nước ASEAN: Malaysia năm 2004; Thái Lan, Indonesia, Philipinnes năm 2005 và Việt Nam năm 2008). Từ nay đến 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cấp quan hệ với các nước Đông Nam Á khác nhằm để các nước này “không ngả” theo Mỹ tạo thành vòng vây “chống lại Trung Quốc”. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN trong

các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, chủ động tham dự các cơ chế đối thoại về chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực, đề cao vai trò của ASEAN trong các cơ chế đối thoại ASEAN +1, ASEAN +3, Đối thoại Châu Á và các cơ chế không có Mỹ tham gia.

Xét cho cùng, hai cường quốc này đều quan tâm đến khu vực Đông Nam Á nhưng lợi ích mà không có sự va chạm nhau thì chắc chắn mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khu vực. Tuy nhiên, khi thế và lực của 2 nước mạnh lên thì lợi ích của 2 nước cũng theo đó mà được mở rộng. Việc tăng cường hiển diện của 2 quốc gia này ở khu vực đều nằm trong những tính toán về lợi ích cụ thể của 2 nước này. Mỹ và Trung Quốc sẽ biến Đông Nam Á thành một khu vực cạnh tranh về ảnh hưởng. Sự cọ xát, cạnh tranh và thỏa hiệp Mỹ - Trung có tác động mạnh mẽ tới tình hình khu vực, đặt ra nhiều thách thức mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối phó.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của cộng hòa Indonesia từ năm 1991 đến nay (Trang 119)