5. Bố cục đề tài
2.3.1. Biện pháp hành chính
Biện pháp hành chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả mà cụ thể ở đây là xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp hành chính này được áp dụng
theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do các hành vi xâm phạm gây ra; tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết các cơ quan này có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì các biện pháp xử phạt hành chính được áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử gồm có: cảnh cáo và phạt tiền. Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm của người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.18 Còn đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả bị xử lý bằng hình thức phạt tiền thì các chủ thể có thẩm quyền xử phạt được nêu ở trên sẽ ra quyết định xử phạt theo quy định của Nghị Định số 131/2013/NĐ-CP cụ thể là mức phạt tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Và còn tùy theo tính chất mức độ xâm phạm quyền tác giả có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài các hình thức xử phạt trên tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tác giả còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 3, Nghị Định số 131/2013/NĐ-CP.
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả bị xử phạt vi phạm hành chính khi “xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”.19 Điều đó có nghĩa là khi cá nhân, tổ chức hay chính độc giả với hình thức nào đó mà xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử gây ra thiệt hại thì phải chịu xử lý hành chính theo quy định của pháp luật mà cụ thể là tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt theo Nghị định này gồm có:
- Hành vi vi phạm quyền đứng tên đặt, tên tác phẩm (Điều 9, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
- Hành vi vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (Điều 10, Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
- Hành vi vi phạm quyền công bố tác phẩm (Điều 11, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP)
- Hành vi vi phạm quyền làm tác phẩm phái sinh (Điều 12, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
- Hành vi vi phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng (Điều 13, Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
- Hành vi vi phạm quyền phân phối tác phẩm (Điều 15, Nghị định 131/2013/NĐ-CP). - Hành vi vi phạm quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng (Điều 17, Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
- Hành vi vi phạm quyền sao chép tác phẩm (Điều 18, Nghị định 131/2013/NĐ-CP). - Hành vi vi phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả (Điều 20, Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Tóm lại, khi áp dụng biện pháp hành chính để bảo vệ quyền tác giả nói chung cũng như bảo vệ quyền tác giả đối với sách điện tử nói riêng thì nó mang lại những thuận lợi nhất định cho các chủ thể quyền như: thủ tục nhanh chóng, đơn giản và ít tốn kém chi phí. Nhưng bên cạnh đó thì nó cũng tồn tại một số hạn chế như pháp luật trong trường hợp này quy định rất nhiều cơ quan có quyền áp dụng biện pháp hành chính để xử lý, mà trên thực tế các cơ quan này lại hoạt động chồng chéo, nên đôi khi không cơ quan nào xử lý các hành vi vi phạm. Vì thế, để thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền tác giả đối với sách điện tử thì trong trường hợp này đòi hỏi qui định của pháp luật phải chặt chẽ cụ thể hơn nữa cũng như là sự độc lập và phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan trong quá trình xử lý vi phạm tránh trường hợp có vi phạm xảy ra trên thực tế mà không cơ quan nào xử lý.