5. Bố cục đề tài
1.4.1. Khái niệm hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử
Hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn chưa đưa ra một điều luật cụ thể định nghĩa hành vi xâm phạm quyền tác giả là hành vi như thế nào mà chỉ liệt kê một số hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009). Theo đó, có thể hiểu hành vi xâm phạm quyền tác giả là những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà không xin phép hay không thực hiện các nghĩa vụ về tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, thì việc đọc sách trên các thiết bị điện tử nhỏ gọn tiện lợi là chuyện bình thường, cụm từ “sách điện tử” cũng trở nên gần gũi hơn với các độc giả. Bên cạnh, nhưng tiện ích khi sử dụng sách điện tử thì một vấn đề đặt ra là các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử ngày càng nhiều và thủ đoạn rất tinh vi. Bởi lẽ, sách điện tử trước khi được đưa lên mạng thì các thông tin đã được số hóa hoàn toàn tồn tại dưới dạng các file dữ liệu, đây là môi trường dễ bị xâm phạm vì chỉ cần vài cái click chuột là tác phẩm có thể bị sao chép, sửa chữa, cắt xén… hoặc “lướt” qua một số trang web, diễn đàn như www.e-thuvien.com, www.vnthuquan.net... là có thể tìm được ngay các cuốn sách “nóng” trên thị trường sách hiện nay hay thậm chí là các cuốn sách đã bị tịch thu, đình bản cũng vẫn thấy xuất hiện tràn lan trên mạng và người đọc có thể đọc trực tiếp hay vô tư tải về máy.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử là được hiểu đơn giản là hành vi xâm phạm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
Quyền nhân thân là quyền mang yếu tố tinh thần của một chủ thể đối với tác phẩm, quyền này gắn liền với bản thân tác giả. Quyền tài sản là quyền mang bản chất lợi ích vật chất, do quyền này có thể chuyển giao được nên người được hưởng quyền này có thể là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Đây là hai quyền cơ bản mà tác giả xứng đáng được hưởng vì họ đã dùng khả năng lao động trí tuệ của mình, cũng như tiền bạc, vật chất để sáng tạo nên tác phẩm.
Tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005; sữa đổi bổ sung 2009 có qui định rõ các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Theo đó người viết dựa vào cách thức, mục đích của hành vi xâm phạm chia hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử ra làm hai loại:
Hành vi xâm phạm quyền nhân thân của quyền tác giả đối với sách điện tử:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; - Mạo danh tác giả;
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả;
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của đồng tác giả đó;
- Sửa chửa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự uy tín của tác giả;
Hành vi xâm phạm đến quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này;
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp qui định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này;
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này;
- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút thu lao và quyền lợi ích vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả;
- Nhận bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;