Sự cần thiết phải hình thành trung tâm nghề cá ngừ vùng Nam Trung bộ

Một phần của tài liệu Tiếp cận lý thuyết cụm (cluster) cho phát triển nghề cá khu vực duyên hải nam trung bộ (Trang 86)

7. Kết cấu của luận văn

3.1. Sự cần thiết phải hình thành trung tâm nghề cá ngừ vùng Nam Trung bộ

3.1. Sự cần thiết phải hình thành trung tâm nghề cá ngừ vùng Nam Trung bộ bộ

Cá ngừ đại dương được Bộ Công Thương xác định là một trong 3 mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song do việc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác cá ngừ tại một số vùng biển trên thế giới nên mặt hàng này hiện đang và sẽ tiếp tục ở trong tình trạng cầu cao hơn cung. Đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam. Thêm một điều kiện thuận lợi khác cho ngành cá ngừ Việt Nam, đó là, trong khi các nước láng giềng do mất mùa đang bị sụt giảm về sản lượng khai thác, thì Việt Nam lại đang được mùa, đặc biệt là về cá ngừ mắt to và vây vàng.

Tuy nhiên, ngành thủy sản vùng Nam Trung Bộ hiện tại vẫn phát triển một cách manh mún, chưa xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của các địa phương. Vùng Nam Trung Bộ có thế mạnh trong hoạt động khai thác, với một trong những sản phẩm chủ lực là cá ngừ. Hầu hết, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đều có thế mạnh trong hoạt động khai thác cá ngừ. Tuy vậy, hạ tầng hậu cần nghề cá được đầu tư dàn trải, chủ yếu đầu tư ở góc độ từng tỉnh. Số lượng cảng cá nhiều nhưng chưa có cảng lớn để phục vụ tốt yêu cầu của hoạt động khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, tàu thuyền khai thác phần lớn với công suất nhỏ, dưới 90 CV nên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của vùng. Mặt khác, để đẩy mạnh hoạt động khai thác xa bờ, đòi hỏi dịch vụ hậu cần nghề cá cần phát triển một cách chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu bám biển dài ngày của ngư dân. Thực tế, dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn chưa được chú trọng. Các ngành CNHT cho ngành thủy sản (khai thác, nuôi trồng và chế biến) chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc phát triển manh mún, không kiểm soát, tác động xấu đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, làm suy giảm năng lực cạnh tranh, khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hệ quả là mối quan hệ trong nghề cá ngừ của vùng yếu ớt, ít có các hoạt động tương tác, cạnh tranh và hợp tác để cùng phát triển. Chính những nguyên nhân trên, đã kéo theo sự mất ổn định trong hoạt động chế biến của các DN ở khu vực này trong khi chế biến thủy sản được xác định là động lực phát triển cho các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần trong ngành thủy sản. Giá trị từ ngành thủy sản chủ yếu có được do khai thác thuần về tài nguyên mà

chưa đầu tư đúng mức để có thể tạo ra giá trị gia tăng cho ngành. Yếu tố thương hiệu thủy sản vùng vẫn chưa được định vị trong tâm trí của người tiêu dùng thế giới.

Trong khi đó đầu tư cho nghề cá đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Vì vậy, nếu đầu tư riêng cho từng tỉnh thì số tiền đầu tư sẽ không đủ để có thể xây dựng nghề cá theo hướng hiện đại hóa. Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư mỗi địa phương hiện nay có thể đem lại lợi ích và nguồn thu trong ngắn hạn, mà bỏ qua các lợi ích và tổng sản phẩm trong dài hạn do phân tán nguồn lực. Do đó, việc tập trung đầu tư theo vùng sẽ là hướng đi đúng đắn căn cứ trên thực tiễn nghề cá của các nước trên thế giới. Xu hướng phát triển theo vùng hay cụm đã thể hiện tính ưu việt trong xu thế phát triển kinh tế vùng trên thế giới.

Như vậy, dựa theo cách tiếp cận lý thuyết cụm thì cần quy hoạch nghề cá vùng Nam Trung Bộ theo mô hình cụm để tạo lập lợi thế cạnh tranh bền vững, đưa ra chiến lược phát triển mới cho ngành công nghiệp cá ngừ tại đây. Quy hoạch kinh tế theo vùng là cách giúp cho một nền kinh tế ở tầm bậc trung vươn lên trở thành nền kinh tế tiên tiến, hiện đại, có sự đầu tư tập trung, tránh việc đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ. Đồng thời việc phân bố cơ cấu kinh tế theo cụm hay vùng sẽ giúp các địa phương hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển và sử dụng nguồn lực của vùng một cách hiệu quả nhất.

Với những lợi ích như phân tích ở trên, việc phát triển nghề cá cho khu vực Nam Trung Bộ sẽ tạo được giá trị gia tăng cho ngành khi ngành thủy sản được tổ chức theo cụm, theo chuỗi giá trị. Các tỉnh có cơ hội được khai thác cơ sở vật chất hiện đại, có thể học hỏi và tận dụng tối đa tiềm năng của địa phương, tạo sự phát triển đồng đều, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh. Ở khía cạnh khác, sự phát triển kinh tế theo vùng, sẽ góp phần tạo động lực xây dựng được thương hiệu cá ngừ của Việt Nam nói riêng và thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam nói chung, từ đó gia tăng việc thu hút đầu tư trong khu vực này.

Một phần của tài liệu Tiếp cận lý thuyết cụm (cluster) cho phát triển nghề cá khu vực duyên hải nam trung bộ (Trang 86)