7. Kết cấu của luận văn
1.4.1. Một số mô hình cụm thủy sản trên thế giới
1.4.1.1. Mô hình cụm cá ở Uganda
Uganda là một quốc gia nhỏ ở Đông Trung Phi, là một trong những quốc gia nghèo và bất bình đẳng nhất trên thế giới. Uganda phải đối mặt với nhiều thách thức cho khả năng cạnh tranh quốc gia. Theo GDP bình quân đầu người, Uganda đứng thứ 20 trong nhóm quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
Bộ Tài chính Uganda ước tính dữ liệu lĩnh vực thủy sản làm tăng 2,6% GDP của Uganda và là ngành XK lớn thứ 2 Uganda (sau nông sản) nhưng chỉ chiếm 1% thị
trường cá fillet toàn cầu. Cụm thủy sản của Uganda nằm ven hồ Victoria, nơi sản xuất một nửa sản lượng thủy sản của Uganda và ngư dân đánh bắt cá hoàn toàn thủ công. Ở đây có các chuỗi cung ứng khác nhau cho thủy sản XK và tiêu thụ nội địa. Cá chất lượng cao sẽ được bán cho người trung gian ngay tại bến và được đưa đi đông lạnh, fillet và chuyển ra nước ngoài. Các nhà máy chế biến không tham gia vào phân phối hay marketing khi cá đã ra nước ngoài. Cá kém chất lượng được bán tươi, khô hoặc muối tại thị trường nội địa. Có hơn 350 loài cá trong hồ Victoria và cá rô sông Nile chiếm tới 95% giá trị XK.
Uganda đã tận dụng lợi thế tài nguyên thiên nhiên, chính phủ ổn định, giá đất đai và lao động rẻ để cung cấp phi lê cá trắng, sạch, chất lượng cao sang các thị trường XK. Thị trường tiêu dùng nội địa tiêu thụ cá chất lượng thấp và các bộ phận cá không XK, giảm thiểu chất thải. Điều này là không bền vững cho những thách thức về sự cạn kiệt hiện nay.
Hình 1.4 Sơ đồ cụm cá Uganda
Nguồn: Melissa Hammerle, Havard Business school, 2010
Cụm thủy sản Uganda hình thành từ năm 1986, tuy nhiên mãi đến năm 1991 sau lệnh cấm XK cá nguyên con đến Kenya thì các nhà đầu tư từ Kenya đổ bộ vào
Uganda và đầu tư nhà máy chế biến để khai thác nguồn thủy sản tại đây cho XK, chủ yếu sang châu Âu. Giá trị XK tăng tới 75% từ năm 1991 đến 1996. Tuy nhiên do không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng XK vào EU nên cụm thủy sản này bị cấm XK vào EU đến 3 lần từ năm 1997 đến 2000. Nhờ đó, các tiêu chuẩn cao hơn được thiết lập. Sau lệnh cấm, XK cá tăng trở lại đến 30% từ năm 2000 đến 2006, tập trung 80% vào cá fillet vào EU. Tuy nhiên, những năm gần đây mức độ XK đã giảm đến 46% từ 141 triệu USD năm 2006 xuống còn 75 triệu USD năm 2009 do nhiều nguyên nhân trong đó có cạn kiệt nguồn lợi làm tăng chi phí, cạnh tranh gia tăng tại EU và thị phần XK của Việt Nam tại đây tăng 30% từ 2007-2009.
Trong thập niên trước, cụm thủy sản Uganda đã trở nên đông đúc hơn. Lực lượng ngư dân tăng 52% từ 129.305 năm 2000 lên 196.426 năm 2006. Số tàu đánh cá tăng 63% từ 42.493 năm 2000 lên 69.160 năm 2006, trong đó đã có nhiều thuyền trang bị động cơ.
15 nhà máy chế biến cá chính của Uganda đóng góp 90% tổng sản lượng cá XK từ Uganda và có trụ sở đặt tại Kampala, Masaka, Entebbe và Jinja rất gần bờ hồ. Các công ty đóng gói 20-80 tấn cá/ngày. Một số công ty đầu tư hệ thống kho lạnh và xe tải lạnh để vận chuyển nguyên liệu thô từ khắp mọi nơi.
+ Các nhân tố cạnh tranh của cụm (cluster diamond):
Uganda phong phú về nguồn lợi thủy sản, có lợi cho đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản. Uganda có ba loài cá thương mại lớn: cá rô sông Nile, Rastrinabola và cá rô phi được đánh bắt chủ yếu tại hồ Victoria và Kyoga. So với các nước láng giềng, Uganda có chi phí đất đai, xây dựng và nhân công rẻ, đây là các yếu tố đầu vào quan trọng cho nuôi trồng, chế biến và CNHT nghề cá. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng là nhược điểm nổi bật nhất trong điều kiện yếu tố như hệ thống lạnh, sân bay, năng lượng và hậu cần.
Các ngư dân cạnh tranh nhau để đánh bắt cá và các nhà máy cũng cạnh tranh nhau để thu mua. Uganda không áp đặt hạn ngạch nhưng giới hạn kích thước tối thiểu nhằm ngăn chặn bắt cá chưa trưởng thành và hạn chế sự suy giảm. Uganda cũng phát triển 355 đơn vị quản lý bãi biển (BMUs) vào năm 2003, một giám sát dựa vào cộng đồng hạn chế suy thoái môi trường, cạn kiệt cá. Ngư dân Uganda mua nhiều tàu sản xuất trong nước, bánh răng, và lưới, các thiết bị tinh vi hơn như tủ lạnh được nhập
khẩu từ Châu Âu. Uganda bắt đầu nuôi tôm nhưng sản lượng hạn chế, trồng hoa và du lịch. Họ hy vọng ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi từ việc phát triển các ngành này.
+ Điều kiện cầu: Uganda có nhu cầu cao về sản lượng cá nước ngọt nội địa với tiêu chuẩn thấp, không thể XK.
+ Hợp tác: Uganda đã tham gia chia sẻ lợi ích hồ Victoria với các nước láng giềng, các học viện nghiên cứu nông nghiệp thủy sản trong nước tương tác với cộng đồng trong nuôi trồng, khai thác, chế biến…
1.4.1.2. Mô hình cụm nuôi tôm ở Columbia
Columbia là nước lớn thứ 3 ở Mỹ La tinh với dân số 44 triệu cư dân, tiếp giáp 2 đại dương nhiều tài nguyên, có nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực nhưng chính trị và xã hội không ổn định do xung đột nội bộ kéo dài hơn 40 năm. Đây là một nền kinh tế Mỹ La tinh khá điển hình với cụm lớn nhất là khai thác mỏ, nông nghiệp và dầu mỏ, thông tin liên lạc và dược sinh học nhưng không có cụm nào thống trị thế giới.
Columbia là một quốc gia có hệ thống luật tương đối cạnh tranh nhưng vẫn chưa giải quyết có hiệu quả các vấn đề chính và còn thiếu quyền sở hữu. Những thách thức của quốc gia này bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém, không có bề dày sáng tạo và R&D, hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay Columbia đã cải cách và những thay đổi đó đã làm giảm xung đột nội bộ, được xếp hạng 65/127 quốc gia về năng lực cạnh tranh (BCI).
Năm 1982, nuôi tôm được xem là hoạt động tiềm năng cao cho Columbia nhằm tăng việc làm, tăng XK, tăng hiệu quả sử dụng những vùng đất bị bỏ hoang. Chính phủ đã tìm cách thúc đẩy sự phát triển của tôm và các hình thức nuôi trồng thủy sản cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Một tổ chức chuyên nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tên Ceniacua đã ra đời nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kỹ thuật, cải thiện năng suất, kiểm soát chất lượng và phòng chống dịch bệnh. Chỉ một năm sau, trang trại nuôi tôm của Columbia đã tăng năng suất gấp 3 lần năng suất của Ecuador, một trong những nước sản xuất tôm hàng đầu thời bấy giờ. Đầu tư vào Ceniacua tỏ ra hiệu quả khi Columbia đứng thứ 9 thế giới về nuôi tôm với sản lượng tăng đều đặn 17% năm từ 1996-2004. Nuôi tôm rất quan trọng với kinh tế và xã hội của Columbia, bởi dù XK tôm chiếm dưới 1% tổng giá trị XK nhưng lại chiếm 50% giá trị XK của ngành thủy sản. Hoạt động này tạo ra hơn 15.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong năm 2003, thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng xã hội như trường học,
nhà ở, y tế, các trung tâm xã hội... ở các khu vực xa xôi, nghèo khó mà đất đai không canh tác được gì.
Hình 1.5 Sơ đồ cụm nuôi tôm Columbia
Nguồn: Francisco Campos, Havard Business school, 2008
Sau 25 năm, cụm nuôi tôm đã phát triển rất mạnh. Trung tâm của cụm, nơi mà tôm phát triển từ con giống đến khi thu hoạch được bao quanh bởi một môi trường rất phong phú các ngành CNHT và liên quan, các tổ chức hợp tác công và tư, hợp tác nghiên cứu, nhà đầu tư và thị trường tiêu thụ.
- Các nhân tố cạnh tranh của cụm (cluster diamond): + Yếu tố điều kiện:
Columbia có đủ điều kiện lý tưởng để nuôi tôm, gần thị trường Mỹ và gần nước cung cấp thức ăn tôm Peru làm giảm chi phí giao dịch, có Trung tâm nghiên cứu đào tạo kỹ thuật nuôi tôm bài bản (như Ceniacua). Tuy nhiên, Columbia đang đối mặt với việc khan hiếm đất nuôi tôm gần biển, địa hình bằng phẳng, chi phí lao động cao hơn các nước khác, cơ sở hạ tầng không ổn định làm tăng chi phí phân phối.
Chính phủ không hạn chế nuôi tôm, có sự hỗ trợ tài chính ngay từ ban đầu và giảm dần về sau. Ngoài ra nhà nước còn đặt ra quy định kiểm soát tôm nhập khẩu, làm giảm sự cạnh tranh đối với các nhà nuôi tôm trong nước. Hợp tác giữa các viện và DN tại Columbia rất mạnh mẽ, nâng cao khả năng cạnh tranh của các thành viên trong cụm. Lao động được đối xử tốt. Ngành công nghiệp tôm ở Columbia chỉ cạnh tranh tại một số đoạn của chuỗi giá trị. Giai đoạn sản xuất ấu trùng ít cạnh tranh, giai đoạn ươm nuôi cạnh tranh rất mạnh, giai đoạn chế biến tiêu thụ lại có rất ít cạnh tranh. Do đặc điểm kinh doanh theo chuỗi nên một số đại công ty sản xuất từ đầu đến cuối, điều này có thể làm giảm cạnh tranh của ngành công nghiệp, tuy nhiên các công ty này chủ yếu cạnh tranh quốc tế hơn là địa phương, vì vậy họ cần phải tích hợp các hoạt động trên toàn chuỗi. Và điều cuối cùng là Columbia kiểm soát tham nhũng khá tốt, hơn hẳn Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador và Việt Nam. Trở ngại lớn nhất là trang trại nhỏ, khó đảm bảo vệ sinh, giá tôm giảm làm ngành này kém hấp dẫn.
+ Nhu cầu:
Thị trường nội địa nhỏ nên Columbia vẫn phải phụ thuộc vào thị trường XK. + CNHT và liên quan:
Columbia chủ yếu sản xuất thức ăn gia súc nên phải nhập khẩu phần lớn thức ăn thủy sản từ Peru, từ đó khiến cho ngành này kém cạnh tranh. Cơ sở hạ tầng như cảng và đường sá, hậu cần là điểm yếu của Columbia. Chính phủ cấp vốn ưu đãi đầu tiên cho một số ngành liên quan đến nông nghiệp trong đó có nuôi tôm.
1.4.1.3. Mô hình cụm thủy sản ở Đan Mạch
Trước áp lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp đánh bắt cá trong khu vực biển Bắc, thủy sản nhập khẩu từ châu Á và châu Phi và từ lĩnh vực nuôi trồng, 3 tổ chức lớn nhất đại diện cho ngư dân, nhà đấu giá và cảng ở Đan Mạch là Thyboron Fishermen's Organisation, Thyboron Fish Auction và Thyboron Port đã tiến đến một thỏa thuận thành lập một cụm nghề cá ở phía Tây Đan Mạch. Ngoài ra còn có các công ty dịch vụ cũng như người mua tại 3 cảng. Du lịch cũng là một phần trong cụm này.
Hình 1.6 Sơ đồ West Coast Fishery Cluster của Đan Mạch
Nguồn: Havard Business school, 2009
Có khoảng 239 Công ty chủ chốt khác nhau trong cụm: 3 cảng, 1 nhà bán đấu giá (tại 3 cảng), 144 tàu, 16 người mua, 75 Công ty dịch vụ, tạo ra hơn 1.000 việc làm, có tác động đáng kể đến sự tồn tại và phát triển của bờ biển phía Tây.
- Điểm mạnh, điểm yếu, khả năng và các mối đe dọa:
+ Đặc trưng của cụm thủy sản này đến từ các thành phần trong cụm, 3 cảng là các thành viên cơ bản của cụm và cũng là đối thủ của nhau. Các đối thủ này cạnh tranh nhau nhờ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực hậu cần, đào tạo, chất lượng và công nghệ của cụm lên tầm quốc tế. Nhờ hình thức đấu giá trực tuyến, cánh cửa vào châu Âu đã được mở và thách thức hình mẫu kinh doanh truyền thống.
+ Một dịch vụ thương mại tầm cỡ thế giới được cung cấp tại 3 cảng làm nền tảng cho mọi hợp tác tại đây. Ngư dân rất quan tâm đến công nghệ thông tin giúp liên lạc giữa họ, cảng, nhà đấu giá được thông suốt và hiệu quả.
+ Sự hợp tác đem lại nhiều cơ hội phát triển và tăng trưởng cho cụm. Hợp tác trong cụm nhằm tìm ra giải pháp đối với với giá cá giảm thông qua việc tăng tập trung vào chất lượng và đóng gói cá biển, dây chuyền làm mát không gián đoạn, hậu cần
nhanh chóng đến người tiêu dùng. .. Ngoài ra, cụm này cũng đã đạt được chứng nhận phát triển nghề cá bền vững MSC, tạo ra mối liên hệ gần gũi giữa ngư dân và ngành công nghiệp để cung cấp ở mức độ cao về chất lượng và khối lượng cho nhu cầu của thị trường.
+ Thách thức lớn nhất cho sự hợp tác trong cụm sẽ là không có thành viên nào trong cụm đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của cụm.
+ Ngoài ra, do hợp tác trong cụm nên tàu cá ngày càng ít đi về số lượng nhưng lại gia tăng về kích thước và vì thế việc cảng có duy trì được độ sâu cần thiết để phục vụ cho đội tàu này cũng là một thách thức lớn.
Như vậy, qua một số mô hình xây dựng và thiết lập cụm thủy sản ở nhiều nước trên thế giới, có thể thấy rằng, mô hình cụm theo hướng đa ngành xoay quanh hạt nhân là ngành chế biến đem lại hiệu quả cao cho ngành thủy sản địa phương và khu vực, thể hiện ở các tiêu chí công suất khai thác, chế biến, hậu cần và chất lượng sản phẩm, tận dụng được lợi thế về nguồn lực.