Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng) Trung tâm từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng xuất bản 1995 thì hướng nghiệp được hiểu là: “Thi hành những biện pháp nhằm đảm bảo sự phân bố tối ưu (có chú ý tới năng khiếu, năng lực, thể lực) nhân dân theo ngành và loại lao động” hoặc “Giúp đỡ lựa chọn hợp lý ngành nghề”.
Theo từ điển Giáo dục học: “Hướng nghiệp là hệ thống các biện pháp giúp đỡ học sinh làm quen tìm hiểu nghề, lựa chọn, cân nhắc nghề nghiệp với nguyện vọng năng lực sở trường của mỗi người với nhu cầu và điều kiện thực tế khách quan của xã hội”.
Theo tác giả Phạm tất Dong: “Hướng nghiệp như là một hệ thống tác động của xã hội về giáo dục, về y học, kinh tế học nhằm giúp cho thế hệ trẻ chọn được nghề vừa phù hợp hứng thú, năng lực, nguyện vọng, sở trường của cá nhân, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế quốc dân”.
Các nhà Luật gia thì hiểu hướng nghiệp là: các phương tiện y học, giáo dục và tổ chức pháp quyền nhằm xác định cho mỗi công dân có nghề và nơi làm việc. Nội dung vạch rõ các yếu tố ảnh hưởng tới việc chọn nghề, hình thành tổ chức và hình thành công tác giáo dục hướng nghiệp, thể chế hóa quá trình hướng nghiệp.
Các nhà giáo dục học cho rằng: Hướng nghiệp là một hoạt động của các tập thể sư phạm, của các cán bộ thuộc các cơ quan, nhà máy khác nhau, được tiến hành với mục đích giúp cho học sinh chọn nghề đúng đắn phù hợp với
năng lực, hứng thú, thể lực và tâm lý của cá nhân với nhu cầu nhân lực của xã hội. Hướng nghiệp là một bộ phận cấu thành của quá trình giáo dục - học tập trong nhà trường.
Trong tâm lý học: Hướng nghiệp được coi là hệ thống các biện pháp tâm lý - sư phạm và y học giúp cho thế hệ trẻ chọn nghề có tính đến nhu cầu của xã hội và năng lực của bản thân. Đó là quá trình chuẩn bị cho thế hệ trẻ sự sẵn sàng tâm lý đi vào lao động nghề nghiệp. Sự sẵn sàng tâm lý đó chính là tâm thế lao động - một trạng thái tâm lý tích cực trước hoạt động lao động.
Các nhà kinh tế lại cho rằng: Hướng nghiệp là những mối quan hệ kinh tế giúp cho mỗi thành viên xã hội phát triển năng lực lao động và đưa họ vào một lĩnh vực hoạt động cụ thể phù hợp với sự phân bổ lực lượng lao động xã hội.
Như vậy, từ các khái niệm trên có thể hiểu: Hướng nghiệp là quá trình hướng dẫn giúp con người chọn một hay một số nghề nhất định nhằm đảm bảo sự phù hợp với hứng thú, năng lực, nguyện vọng, sở trường cá nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực sản xuất của xã hội.
Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là dẫn dắt thế hệ trẻ đi vào thế giới nghề nghiệp, giúp họ phát huy được hết năng lực trong thế giới đó và có được cuộc sống thoải mái với lao động nghề nghiệp. Từ đó chúng ta có thể hiểu nghề nghiệp như một dạng lao động vừa mang tính xã hội (sự phân công xã hội) vừa mang tính cá nhân (nhu cầu cá nhân), trong đó con người với tư cách là chủ thể hoạt động đòi hỏi để thỏa mãn những nhu cầu nhất định của xã hội và cá nhân.
Đây là công việc mà toàn xã hội phải có trách nhiệm tham gia. Trẻ em cần được hướng nghiệp liên tục, thường xuyên, bằng nhiều hình thức, nhiều con đường (như đài báo, câu lạc bộ…) để hướng dẫn nghề cho các em, phải coi công tác giáo dục hướng nghiệp là quyền trẻ em. Chúng ta cần phấn đấu
để thế hệ trẻ chọn nghề theo hứng thú, sở thích và cũng mong muốn học sinh càng ngày càng nhận thức sâu sắc nghĩa vụ lao động, nhu cầu về nhân lực mà xã hội đặt ra. Do đó hướng nghiệp phải được cả xã hội quan tâm đặc biệt không nên để trẻ em chọn nghề tự phát và cũng không nên để số phận nghề của học sinh phụ thuộc vào những gì hết sức ngẫu nhiên.
Hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông là công việc của tất cả tập thể sư phạm (của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, đoàn thanh niên, cán bộ giáo viên trong nhà trường…). Là hoạt động dạy của thầy, học của trò, nhằm giúp các em lĩnh hội được những thông tin về nghề nghiệp trong xã hội, ở từng địa phương, từ đó giúp các em có kỹ năng tự đối chiếu những năng lực phẩm chất, những đặc điểm tâm sinh lý của mình với hệ thống yêu cầu của nghề nghiệp đang đặt ra cho người lao động. Công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông cần được thống nhất chặt chẽ với công tác hướng nghiệp trong xã hội, hai bộ phận này quan hệ mật thiết bổ sung hỗ trợ cho nhau mới đem lại hiệu quả cao cho công tác hướng nghiệp.