Thực trạng về công tác quản lý giáo dục hướng nghiệp

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại trường THPT Việt Vinh huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang (Trang 44)

2.2.1.Thực trạng công tác chỉ đạo hoạt động giáo dục hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang

2.2.1.1. Chỉ đạo của Bộ

Giáo dục hướng nghiệp ở nước ta đã được tiến hành nghiên cứu và triển khai khá sớm, từ những năm 80 của thế kỷ XX. Quyết định 126/QĐ- CP ngày 19/3/1981 của Hội đồng Chính phủ “Về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường” đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của công tác hướng nghiệp, nhất là hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Trong những năm 1983 - 1996, giáo dục hướng nghiệp ở nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng, được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất. Nhưng từ năm 1997 trở lại đây công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông lại bị coi nhẹ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Gần đây, Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, các văn kiện Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Vấn đề dạy Công nghệ và giáo dục hướng nghiệp đã được chú trọng hơn nhưng thực tế công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông vẫn chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức.

Kết quả nghiên cứu hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các trường Trung học phổ thông trong toàn tỉnh Hà Giang cho thấy số trường làm tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp chỉ có 02/22 trường THPT chiếm 9,09%. Thực tế đó chỉ ra rằng: các trường THPT đang coi nhẹ việc chuẩn bị nghề nghiệp tương lai cho học sinh. Việc coi nhẹ hướng nghiệp và giáo dục lao động trong nhà trường phổ thông là biểu hiện lạc hậu của hệ thống giáo dục nước ta so với các nước có nền công nghiệp phát triển.

Một thực tế hiện nay ở nước ta là lực lượng lao động có tay nghề đào tạo hằng năm không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Sau khi Việt Nam ra nhập WTO nhu cầu thị trường lao động gia tăng mạnh, trước mắt chúng ta phải làm tốt công tác phân luồng học sinh phổ thông. Hàng năm cả nước có hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi vào Đại học nhưng chỉ có khoảng 120.000 - 150.000 em trúng tuyển. Như vậy, còn hơn 800.000 thí sinh không thực hiện được ước mơ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Các em thi trượt Đại học có thể vào học các Trường dạy nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng (DN, TCCN, CĐ), rồi sau này có điều kiện theo học ĐH tại chức hoặc liên thông từ TCCN lên CĐ hoặc từ Cao đẳng lên Đại học. Như vậy, các em vẫn còn nhiều cơ hội để vào các trường Đại học nếu chúng ta làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh khi các em đang học phổ thông. Việc hướng nghiệp cho các em học sinh chuẩn bị bước vào kì thi đại học là một việc làm rất quan trọng nhằm giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp

nhất. Giúp xã hội có một nhân lực có trình độ cao, hiệu quả công việc tốt nhất và có ích cho nền kinh tế của địa phương, đất nước.

Từ năm học 2006 - 2007, thực hiện đề án đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa THPT, thì hoạt động giáo dục hướng nghiệp gặp không ít khó khăn, nhiều cơ sở giáo dục còn lúng túng, chưa thực hiện có hiệu quả những nội dung chương trình đề ra, kết quả là học sinh phổ thông chưa được trang bị kiến thức về thế giới nghề nghiệp, phần lớn các em học và chạy đua vào các trường Đại học để sau này làm thầy chứ không muốn làm thợ, làm mất cân đối nghiêm trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế đang phát triển, đã tạo nên một sức ép lớn gây lãng phí, tốn kém cho gia đình và xã hội. Một nguyên nhân cơ bản đó là chúng ta chưa làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông mà hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là một nội dung không thể thiếu trong chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng hiện nay, ở các trường THPT công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được xem là công tác thứ yếu, không quan trọng. Đa số các trường đều cho rằng nhiệm vụ chủ yếu của trường là truyền thụ kiến thức phổ thông cho học sinh, giúp các em nắm được chương trình học, được lên lớp cuối năm học; trang bị kiến thức để các em thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng. Việc hướng nghiệp cho học sinh chỉ thực hiện thông qua các bài giảng của môn học “hoạt động giáo dục hướng nghiệp” với thời lượng 27 tiết/năm/lớp bắt đầu học từ lớp 9 theo chương trình do Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định và học nghề rất hạn chế về thời gian.

Ở các trường THPT, sự hỗ trợ định hướng nghề nghiệp của nhà trường và giáo viên chỉ dừng lại ở việc góp ý cho học sinh chọn trường, ngành phù hợp với học lực hoặc gợi ý đưa ra những lời khuyên dựa trên kinh nghiệm, so sánh giữa điểm chuẩn của những năm trước của các trường Đại học, Cao đẳng với năng lực học tập của học sinh mình. Nhưng không phải là giáo viên lớp nào cũng chú

ý và quan tâm để làm được như thế. Bởi lý do đơn giản đó là giáo viên chưa được trang bị đầy đủ về trình độ chuyên môn, kỹ năng tư vấn hướng nghiệp.

Theo điều tra của Viện khoa học giáo dục, hằng năm ở nước ta tuyển vào bậc Trung học phổ thông có trên 400 ngàn học sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông có khoảng 19,7% học sinh được vào các trường Cao đẳng, Đại học; 7,4% vào các trường Trung học chuyên nghiệp và chỉ có 4,9% đi học nghề; Như vậy, mỗi năm có khoảng 200 - 300 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT và 50 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS bổ sung vào lực lượng lao động xã hội mà chưa hề có khái niệm hoặc được đào tạo nghề.

Trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền phân luồng, phân ban của chúng ta chưa tốt, chưa có cách làm hợp lý, việc giúp học sinh có những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phù hợp sở thích cá nhân cũng như năng lực bản thân và nhu cầu xã hội còn nhiều hạn chế. Việc phân luồng học sinh THCS và THPT, tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương hầu như chưa được đáp ứng. Nhiều gia đình và học sinh chưa nhận thức đúng về phân luồng, hướng nghiệp nên sau khi tốt nghiệp THPT là dứt khoát phải thi vào Đại học, điều này làm mất cân đối nghiêm trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế đang phát triển, đã tạo nên một sức ép lớn gây không ít tốn kém lãng phí cho gia đình và xã hội.

Công tác quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT trong thời gian vừa qua chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trường chưa quan tâm chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, ở các trường THPT, Ban giám hiệu chỉ quan tâm đến tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ còn số học sinh không có đủ năng lực vào các trường ĐH, CĐ mà phải đi vào các trường THCN, TCDN ít được quan tâm.

2.2.1.2. Chỉ đạo của Sở

Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm đều có văn bản hướng dẫn chỉ đạo chặt chẽ hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục lao động của các trường, cụ thể như sau:

- Quán triệt quan điểm chỉ đạo giáo dục hướng nghiệp:

Mở hội nghị tập huấn triển khai lại Quyết định số 126/QĐ-CP ngày 19/3/1981 của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị số 33/ 2003/ CT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Về việc tăng cường giáo dục cho học sinh phổ thông” cho cán bộ quản lý các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp (TTKTTH - HN), đồng thời chỉ đạo các trường tổ chức triển khai lại cho giáo viên .

In các tài liệu hướng dẫn về sinh hoạt hướng nghiệp và nội dung sinh hoạt cụ thể theo chủ đề từng tháng gửi đến tất cả các trường THPT trong tỉnh và chỉ đạo việc tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh THPT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD & ĐT. Ngoài ra Sở GD & ĐT cũng đã gửi cho các trường những thông tin về điểm chuẩn tuyển sinh của các trường TCCN, CĐ, ĐH và kết quả kỳ tuyển sinh từng năm học của học sinh Hà Giang để các trường dùng làm tư liệu sinh hoạt hướng chọn ngành, chọn trường cho học sinh cuối cấp.

- Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên: Sở Giáo dục và Đào tạo đưa cán bộ, GV cốt cán của các trường THPT, TTGDTX, TTKTTH - HN, trường cấp 2 - 3 dự lớp tập huấn bồi dưỡng thay sách giáo khoa lớp 10 (hè 2006), lớp 11 (hè 2007), lớp 12 (hè 2008) về chương trình, sách giáo khoa “Hoạt động giáo dục hướng nghiệp”, nghiệp vụ công tác hướng nghiệp - tư vấn nghề do Bộ GD&ĐT tổ chức và cũng đã tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ giáo viên THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã cử cán bộ phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp của Sở đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường tham dự lớp

tập huấn về công tác giáo dục hướng nghiệp do Trung tâm Lao động - Hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sau đó tổ chức tập huấn lại cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên phụ trách giáo dục hướng nghiệp của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện

Yêu cầu các trường THPT, TTGDTX, TTKTTH - HN thành lập Ban Hướng nghiệp với thành phần có 01 người trong lãnh đạo trường ( Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng ) làm Trưởng ban, các thành viên gồm có Bí thư Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên trực tiếp phụ trách hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các lớp. Ban hướng nghiệp phải có kế hoạch giáo dục hướng nghiệp từng năm học để chỉ đạo hoạt động, có kiểm tra đánh giá và sơ tổng kết hoạt động này từng tháng, học kỳ, năm học. Quán triệt 04 con đường giáo dục hướng nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong đó đặc biệt quan tâm hướng nghiệp qua dạy - học các môn văn hóa, khoa học cơ bản, tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh.

Các TTGDTX, Trung tâm KTTH - HN, các trường THPT tiến hành tổ chức dạy nghề cho học sinh .

Trong từng năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo chặt chẽ công tác dạy nghề phổ thông cả ở trung học phổ thông và trung học cơ sở.

Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn giảng dạy và tổ chức các kỳ thi nghề phổ thông từng năm học, văn bản đánh giá tình hình tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp (SHHN) và dạy nghề phổ thông (sau khi đi kiểm tra thực tế) để giúp các đơn vị điều chỉnh việc tổ chức giảng dạy nghề phổ thông và hướng nghiệp cho học sinh. Các nghề đã dạy và tổ chức thi: Điện dân dụng, Tin học văn phòng, gò hàn, may, trồng rừng, nấu ăn.

- Có kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất

Trong kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất cần chú ý đầu tư cho các TTKTTH - HN và TTGDTX phục vụ cho công tác hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông. Qua đó, tại các trung tâm có điều kiện tổ chức dạy nhiều nghề cho học sinh như: tin học, gò hàn, may, trồng rừng, nấu ăn..., ở đó học sinh có thể chọn nghề tương đối phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trung tâm thành lập phòng tư vấn hướng nghiệp, đưa giáo viên đi bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn tại trường Cán bộ quản lý GD&ĐT, cài đặt và sử dụng phần mềm tư vấn hướng nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng TVHN cho học sinh.

- Công tác kiểm tra, đánh giá

Trong kế hoạch thanh tra trường học của Sở GD&ĐT, hàng năm đều có kế hoạch thanh tra chuyên đề về hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông và giáo dục lao động. Công tác kiểm tra được các phòng ban chức năng của Sở tiến hành trong từng học kỳ .

- Những tồn tại trong công tác chỉ đạo hoạt động giáo dục hướng nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo

Việc triển khai tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn lồng ghép vào hướng dẫn chung đầu năm học, thiếu kế hoạch, chỉ tiêu biện pháp cụ thể để thực hiện 6 nhiệm vụ của Chỉ thị 33/2003/CT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT. Do đó, tuy tất cả các trường THPT, TTGDTX, các TTKTTH - HN có thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông còn rất nhiều những hạn chế nhất là về chất lượng của các hoạt động.

Mức độ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các TTGDTX, TTKTTH - HN và các trường THPT để phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn thấp. Cơ sở vật chất của các trung tâm và các trường còn thiếu thốn nhiều thứ: phòng học, phòng thực hành, thiết bị dạy nghề phổ thông..., do đó đã hạn chế rất nhiều chất lượng của hoạt động.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại trường THPT Việt Vinh huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w