Qua hàng loạt các công trình nghiên cứu và điều tra xã hội học cho chúng ta thấy thưc trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ nét qua hệ thống đào tạo nhân lực có hàng trăm trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, trường nghề tăng quy mô đào tạo nhanh từ 1995 đến 2000 thì đào tạo nghề tăng từ 1,8 lần, đại học tăng 2 lần. Năm 2000 có 7,5 triệu người qua đào tạo, trong đó đại học 1,3 triệu người; cao đẳng 1,6 triệu người, công nhân kỹ thuật và đã qua trường nghề là 4,6 triệu người, trình độ người lao động đã được nâng cao. Tuy nhiên chúng ta vẫn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, bất hợp lý về cơ cấu trình độ ngành nghề, vùng miền. Lao động phổ thông dư thừa lớn, thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn, chuyên gia cao cấp. Mất cân đối giữa các nghề nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao. Học nhiều nhưng năng lực hành nghề thấp. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn 2001 - 2020 đã đặt ra yêu cầu cần được điều chỉnh cơ cấu lao động kỹ thuật theo hướng: tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo ở các trường đại
học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu đào tạo ngành nghề, tăng tỷ lệ đào tạo công nhân kỹ thuật, trung cấp, giảm tỷ lệ đào tạo đại học để đảm bảo cân đối trong cơ cấu lao động xã hội.
Như vậy hướng nghiệp và dạy nghề là một trong những mục tiêu chính của cấp THPT. Đồng thời giáo dục hướng nghiệp một mặt là tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, mặt khác là giáo dục lòng yêu nghề và có thể thử sức với nghề nghiệp mà học sinh dự định lựa chọn. Chính điều này nên mục tiêu của quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp là quản lý chương trình phù hợp với học sinh phổ thông, chương trình lâu dài liên thông giữa khối THPT và chi tiết, đồng thời phải có đội ngũ giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, hiểu biết xã hội sâu rộng thì mới có thể đạt được kết quả cao trong công tác quản lý.