- Hướng nghiệp qua hoạt động dạy học các bộ môn văn hoá, khoa học cơ bản:
Trong nhà trường phổ thông, các môn văn hóa, khoa học cơ bản giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. Chúng đặt nền tảng cho sự hiểu biết các quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy đồng thời cung cấp những cơ sở khoa học cho việc giáo dục kỹ thuật tổng hợp; giúp cho việc xây dựng và phát huy những năng lực sở trường đa dạng của học sinh, chuẩn bị cho các em đi vào cuộc sống và lao động nghề nghiệp.
Môn học nào cũng cần và cũng có khả năng hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, đây là việc làm khó khăn đòi hỏi người cán bộ quản lý trường học và người giáo viên phải có quan điểm, nhận thức đúng đắn về giáo dục hướng nghiệp, đồng thời luôn có ý thức quán triệt tinh thần hướng nghiệp trong từng bài dạy văn hóa, khoa học cơ bản.
Biết quán triệt tinh thần hướng nghiệp trong từng môn học chất lượng giảng dạy và học tập sẽ được nâng cao. Vấn đề là biết khai thác những tư liệu nói về nghề nghiệp và biết vận dụng vào nội dung bài học như thế nào.
- Hướng nghiệp qua dạy học môn “Công nghệ”
Môn “Công nghệ” là tên gọi của môn “Kỹ thuật” trước đây, nay được dùng trong chương trình đổi mới của giáo dục phổ thông ở bậc trung học cơ sở và bậc trung học phổ thông. Chương trình môn Công nghệ bao gồm kỹ thuật phục vụ, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp; ở bậc trung học phổ thông , chương trình tập trung vào các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, tạo lập doanh nghiệp và công nghiệp.
Qua đó cho thấy môn Công nghệ có khả năng hướng nghiệp rất lớn. Mặc dù học sinh chưa thật sự đi sâu vào kỹ thuật nghề nghiệp, nhưng qua việc học kỹ thuật các ngành nghề thuộc kỹ thuật phục vụ, kỹ thuật nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp... , các em có điều kiện hiểu về những nghề thuộc các ngành này trong xã hội. Nếu đảm bảo khâu thực hành được tiến hành một cách đầy đủ nghiêm túc, học sinh sẽ được thử sức mình với hoạt động kỹ thuật cụ thể, qua đó các em sẽ phát hiện và đánh giá đúng hơn năng lực kỹ thuật của bản thân mình, hứng thú kỹ thuật được phát triển mạnh và ngày càng bền vững. Đó là điều kiện rất thuận lợi cho việc định hướng nghề nghiệp của các em.
- Hướng nghiệp qua hoạt động dạy nghề phổ thông
Giáo dục nghề phổ thông là một hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, một bộ phận của nội dung giáo dục toàn diện.
Giáo dục nghề phổ thông chuẩn bị một số kỹ năng lao động có kỹ thuật cho học sinh và góp phần định hướng nghề để học sinh có thể vận dụng vào cuộc sống lao động và lựa chọn hướng phát triển phù hợp với năng lực bản thân, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh củng cố và vận dụng những hiểu biết và kỹ năng được trang bị ở môn Công nghệ và các môn học khác vào những điều kiện thực tiễn cụ thể.
Giáo dục nghề phổ thông chính là một con đường để hướng nghiệp cho học sinh.
- Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông qua hoạt động giáo dục lao động
Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng các khái niệm về giáo dục lao động đều có chung những điểm sau:
Giáo dục lao động là một bộ phận cơ bản của giáo dục phổ thông xã hội chủ nghĩa và là một nội dung giáo dục toàn diện.
Giáo dục lao động không chỉ đơn thuần tổ chức cho học sinh tham gia lao động mà có nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp cho học sinh kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo về lao động và giáo dục thái độ lao động. Thông qua đó, hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh, giúp học sinh có đủ năng lực và phẩm chất , sẵn sàng về tâm thế để tham gia vào cuộc sống lao động sau khi rời ghế nhà trường.
Giáo dục lao động gắn bó hữu cơ với giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp.
- Hướng nghiệp cho học sinh qua hoạt động “giáo dục hướng nghiệp”
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp là con đường chính, có tầm quan trọng đặc biệt trong hướng nghiệp cho học sinh phổ thông vì nó cung cấp cho học sinh những thông tin nghề nghiệp, hệ thống đào tạo và thị trường lao động một cách có hệ thống, có chủ đích. Đồng thời qua hoạt động giáo dục hướng nghiệp, các em biết được về năng lực cá nhân, điều kiện và truyền thống gia đình để định hướng lựa chọn nghề trong thế giới nghề nghiệp, chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông một cách có ý thức, có cơ sở khoa học nhằm đạt được ước mơ đích thực của mình.
Trong định hướng về phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông thì các em sẽ được tổ chức để tham gia hoạt động giáo dục hướng nghiệp qua nhiều dạng hoạt động như:
Tìm hiểu nghề qua nhiều con đường khác nhau: qua bản mô tả nghề, nghe giới thiệu về nghề, điều tra xã hội...
Thảo luận tìm ra cách thức giải quyết những vấn đề về chọn nghề phù hợp; về các cơ hội, con đường học tập để đạt được ước mơ của bản thân sau khi tốt nghiệp THPT; về cách thức vượt qua những khó khăn trong những giai đoạn chuyển tiếp trong học tập, tìm việc làm và ngay cả khi không đạt được ước mơ của mình.
Giao lưu với những điển hình, những gương vượt khó trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, học tập. Giao lưu giữa các khối lớp, lớp, cụm trường... về chủ đề hướng nghiệp.
Tham quan ngoại khóa theo các chủ đề.
Thực tập lao động nghề qua học nghề phổ thông.
Đóng vai mô phỏng (chẳng hạn mô phỏng tuyển chọn nghề)...
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp sẽ được tổ chức theo chủ đề từng tháng được quy định tại chương trình với thời lượng 27 tiết/ lớp/ năm học, bình quân 3 tiết/ lớp / tháng ở bậc THPT.
- Hướng nghiệp qua hoạt động ngoại khoá
Hoạt động ngoại khóa có khả năng hướng nghiệp rất lớn. Thông qua hoạt động ngoại khóa, học sinh có thể thu nhận được những thông tin về các ngành nghề, về nhu cầu nhân lực của xã hội; qua các hình thức sinh hoạt ngoại khóa, sự phát triển năng khiếu cũng như sự phân hóa năng lực sẽ diễn ra rất mạnh, đồng thời các em cũng có điều kiện thử sức mình với những ngành nghề mà các em định chọn, nhờ đó giúp cho khuynh hướng nghề nghiệp ngày càng rõ, càng chính xác .
Có nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa về hướng nghiệp ở trong và ngoài nhà trường:
Xây dựng các tổ ngoại khóa, đặc biệt là các tổ ngoại khóa về kỹ thuật, nhằm phát triển hứng thú học tập và hứng thú nghề nghiệp của học sinh.
Xây dựng góc hoặc phòng hướng nghiệp.
Tổ chức cho học sinh đọc sách báo, nghe đài, xem vô tuyến truyền hình, xem phim..., tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ giáo dục hướng nghiệp.
Có thể tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi hướng nghiệp giúp các em làm quen dần với hoạt động nghề nghiệp của xã hội.
Động viên học sinh tích cực tham gia hoạt động hướng nghiệp của các đoàn thể (Đoàn thanh niên...), của cơ sở sản xuất, các cơ sở giáo dục ở ngoài nhà trường tổ chức (sinh hoạt câu lạc bộ của các ngành, nhà văn hóa thanh niên ...).
Các con đường hướng nghiệp nêu trên có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau, vì thế khi tổ chức hoạt động GDHN trong trường học, cần phải tiến hành đồng bộ các con đường hướng nghiệp đã nêu trên.
Tiểu kết chương 1
Trên cơ sở nghiên cứu tư liệu của các tác giả ngoài nước, trong nước, qua chương 1, đề tài đã trình bày các khái niệm cơ bản có liên quan được sử dụng như: quản lý, quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, hướng nghiệp, giáo dục hướng nghiệp, quản lý giáo dục hướng nghiệp và các căn cứ pháp lý liên quan đến đề tài nghiên cứu... là cơ sở khoa học để nghiên cứu, phân tích thực trạng GDHN và đề xuất các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác GDHN ở trường THPT Việt Vinh - Bắc Quang - Hà Giang.
Chương 2