Hoạt động thanh tra là hoạt động quan trọng nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước những thông tin phản hồi về việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các cấp chính quyền ra các quyết định quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, hoạt động thanh tra giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước quản lý, kiểm soát bộ máy hành chính cấp dưới của mình đảm bảo cho hoạt động của bộ máy nhà nước được nhịp nhàng, hoạt động quản lý có hiệu quả. Do đó, thủ trưởng cơ quan quản lý cần phải nhận thức rõ vai trò quan trọng của các cơ quan thanh tra nhà nước, quan tâm đúng mực đến công tác thanh tra, có sự chỉ đạo các cơ quan thanh tra bám sát yêu cầu quản lý khi tiến hành hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, để cho hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước phục vụ trực tiếp và có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Để phát huy được vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước, với tư cách là một công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như với vai trò là cơ quan kiểm soát quyền lực nằm trong hệ thống hành pháp, đòi hỏi có sự đánh giá khách quan vai trò của cơ quan này trong hoạt động quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước cùng cấp trong công tác thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo không gian hoạt động, nhưng hạn chế sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Bởi vì, hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra không chỉ phụ thuộc vào những quy định liên quan đến thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước mà còn phụ thuộc rất lớn vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, vì cơ quan thanh tra được đặt trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
139