Giáo viên mầm non Nhà sư phạm mẫu mực

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM MẦM NON TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO (Trang 33)

Theo âm Hán Việt, "sư" có nghĩa là thầy, "phạm" là khuôn thước, mẫu mực. Như vậy, theo cách hiểu giản dị nhất, sư phạm có nghĩa là người thầy mẫu mực, khuôn phép, là tấm gương sáng cho học trò noi theo.

Trong trường mầm non, giáo viên là tấm gương sáng và có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Trẻ em luôn nhìn giáo viên mầm non giống như người mẹ, "thần tượng" của mình. Đặc điểm nổi bật của trẻ em mầm non là lứa tuổi hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo phải có đạo đức, lối sống chuẩn mực từ thái độ, lời ăn tiếng nói đến phong cách ... K.D. Usinxki đã khẳng định: "Chỉ có nhân cách mới có thể tác động đến sự phát triển và sự xác định nhân cách. Chỉ có bằng tính cách mới có thể hình thành nên tính cách".

Đối với trẻ mầm non trường, lớp, cô giáo ở trường mầm non là đặc biệt quan trọng gắn liền với trẻ vì thời gian hoạt động học tập, vui chơi, ăn ngủ của trẻ khi ở trường chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Vì thế, thói quen, tính cách của trẻ được hình thành và phát triển trong giai đoạn này chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường lớp học mầm non thông qua bạn bè, các đồ dùng đồ chơi của trẻ, và đặc biệt là ảnh hưởng từ cô giáo trực tiếp chăm sóc và giáo dục trẻ. Trẻ dễ trở thành "bản sao" của cô giáo: giọng nói của cô nhẹ nhàng và tình cảm trẻ sẽ học theo; cô dịu dàng hay mạnh bạo, cô vui tươi hay sầu não đều có ảnh hưởng đến trẻ. Bản thân các hành vi, thái độ, cách ứng xử và ngôn ngữ hàng ngày của giáo viên mầm non phải trở thành một nội dung, phương tiện sinh động đóng vai trò quan trọng trong giáo dục thường xuyên cho trẻ. Sự mẫu mực của cô giáo mầm non phải được thể hiện rất rõ nét trong mọi hoạt động, không chỉ mẫu mực về tri thức, mà còn đẹp ở nếp sống, hơn cả là trách nhiệm, bổn phận, danh dự và đạo đức. Cô giáo làm gương cho trẻ từ lời nói, dáng đi, cử chỉ, hành vi không chỉ trong giờ học mà ở mọi lúc, mọi nơi vì trẻ có thể bắc chước bất cứ lúc nào và bất kì nơi đâu. Mỗi giáo viên

phải là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, thể hiện tâm hồn, đạo đức, nhân cách sáng ngời. Chăm sóc, giáo dục trẻ bằng tình thương yêu, sự công bằng và trách nhiệm của một nhà giáo. Không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, thường xuyên trau dồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM MẦM NON TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w