1.3.1. Vai trò, vị trí của bậc học mầm non và giáo viên mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân
Theo Điều 4 - Luật Giáo dục năm 2005, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam bao gồm: giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên với các bậc học: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Giáo dục mầm non có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển con người, nguồn nhân lực của đất nước. Mục tiêu của giáo dục mầm non là “giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; Hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, đặt nền tảng cho việc học ở các
cấp học tiếp theo”.[36]
Giáo dục mầm non là giai đoạn khởi đầu, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Sự phát triển của trẻ em trong thời kỳ này rất đặc biệt. Những gì trẻ được học, được trang bị ở trường mầm non có thể sẽ là những dấu ấn theo trẻ suốt cuộc đời. Có nhà giáo dục đã từng nói: Những cơ sở căn bản của việc giáo dục trẻ, đã hình thành trước tuổi lên năm, những điều dạy cho trẻ trong thời kỳ đó chiếm tới 90% tiến trình giáo dục trẻ. Về sau giáo dục đào tạo con người vẫn còn tiếp tục, nhưng đó chỉ là bước đầu đếm quả, còn những nụ hoa thì được trồng năm năm đầu tiên.
Vậy nên, đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tuổi thơ của các bé ra sao, được dẫn dắt bằng cách nào? Thực hiện điều này có vai trò to lớn của gia đình, cha mẹ và đặc biệt là của môi trường giáo dục mầm non.
Với đặc điểm phát triển của trẻ mầm non, với vai trò quan trọng của việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi này cho nên giáo dục mầm non có nhiệm vụ đặc biệt mà không một bậc học nào có được, đó là thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Người giáo viên mầm non đã được Đảng và nhân dân giao cho những trọng trách vô
cùng quan trọng và vẻ vang. Sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo tới sự nghiệp GDMN. Người từng căn dặn: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ, dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì
sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt"[34]. Hơn
bất kì một nghề nghiệp nào trong xã hội, giáo viên là một nghề trực tiếp tạo ra nhân cách con người, một nghề dùng chính nhân cách để hình thành và phát triển nhân cách. Người giáo viên nuôi dạy trẻ là những người gánh trên vai trách nhiệm nuôi dạy những mầm non tương lai của đất nước. Họ phải đảm nhận rất nhiều vai, không chỉ là một người thầy mà thực sự còn là một người cha, người mẹ hiền, họ vừa là bác sĩ, một ẩm thực gia đồng thời lại vừa là người nghệ sĩ trên lớp học... Tất cả những con người ấy đều tồn tại trong một giáo viên mầm non. Đối với trẻ nhỏ, cô giáo là chuẩn mực tuyệt vời nhất để chúng noi gương và học tập, bắt chước theo. Chính điều đó đã khẳng định vai trò của những người giáo viên mầm non với sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ nói riêng.
Nhận thức được vị thế của mình trong việc hình thành nhân cách trẻ, người giáo viên mầm non càng phải ý thức được lương tâm nghề nghiệp của mình, nghề "cô nuôi dạy trẻ" là nghề cao quý nhất, là công việc vất vả nhất nhưng cũng mang lại ý nghĩa to lớn nhất. Không vì lợi ích nhỏ của bản thân mà làm mất đi ý nghĩa của công việc cao cả. Đối với giáo viên mầm non, yêu trẻ chính là yêu nghề và ngược lại yêu nghề tức là yêu trẻ. Khi làm được điều đó thì người giáo viên mầm non đã thực sự khẳng định được vai trò không thể thiếu của mình với sự nghiệp giáo dục và với sự phát triển chung của xã hội.