- Kiểm soát và đánh giá chất lượng
2.3.4. Đào tạo nguồn công chức và công chức dự bị cho Thành phố
Đồng thời với quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm công chức theo các quy định hiện hành của Chính phủ, từ năm 1996, UBND Thành phố Hà Nội đã có đổi mới, bổ sung chế độ tuyển dụng công chức vào làm việc tại các cơ quan hành chính bằng cách tuyển dụng một số sinh viên tốt nghiệp đại học vào đào tạo tập trung tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng
Phong; nội dung đào tạo gồm có: kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; lý luận chính trị; tin học; tiếng Anh. Thời gian đào tạo: khoá I, II là hai năm; khoá III, IV là một năm rưỡi; khoá V là 10 tháng; từ khoá VI chuyển sang đào tạo tiền công vụ với thời gian 3 tháng theo chương trình, tài liệu của Học viện Hành chính Quốc gia. Khoá I, II đào tạo xong được phân bổ về các cơ quan, đơn vị; từ khoá III trở đi đã đào tạo theo địa chỉ (sau khi đã thi tuyển công chức đỗ vào một cơ quan, đơn vị cụ thể).
Kết quả đào tạo sau 6 khoá từ 1996 đến 2005 được 905 công chức, trong đó có 709 công chức hành chính và 196 công chức chuyên môn xã, phường, thị trấn. Yêu cầu đào tạo của các khoá công chức nguồn và công chức dự bị đều tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ của công chức, giúp cho họ sau khi hoàn thành kế hoạch học tập trở về cơ quan, đơn vị đã tiếp cận, thực hiện hoàn thành được nhiệm vụ, công vụ được giao; sau quá trình công tác được các cơ quan, đơn vị đánh giá có năng lực công tác tốt. Kết quả thử nghiệm đào tạo nguồn công chức của Thành phố Hà Nội là một kinh nghiệm quý để Bộ Nội vụ xây dựng chế độ công chức dự bị.
Tuy nhiên đào tạo nguồn công chức của Thành phố không tránh khỏi những khuyết điểm, như: hai khoá đầu chưa có kinh nghiệm trong xây dựng chương trình, tài liệu, các kỹ năng chuyên môn, chưa đào tạo theo địa chỉ nên khó phân công đến các cơ quan, đơn vị nhận công tác; các khoá sau thời gian đào tạo ngắn hơn, lại học theo hình thức tập trung không chính quy, một mặt các em vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn đồng thời phải hoàn thành nhiệm vụ học tập nên đều hạn chế đến kết quả công tác và học tập. Kế hoạch tuyển chọn mỗi năm (từ năm 2003) 40 đến 50 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi để đào tạo nguồn công chức chất lượng cao cho Thành phố không thực hiện được.