ngoài không đủ điều kiện vẫn làm việc tại Việt Nam hợp pháp
Nghị định 34/2008/NĐ-CP có rất nhiều kẽ hở cho các doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng khiến cho tình hình người lao động nước ngoài trở nên khó quản lý hơn. Trước tiên, đó là quy định người nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không phải xin cấp Giấy phép lao động. Do vậy, nhiều người không đủ điều kiện cấp Giấy phép lao động vẫn làm việc ở Việt Nam lâu dài một cách hợp pháp bằng cách ký các hợp đồng dưới 3 tháng hoặc cứ sau thời gian gần 3 tháng lại làm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh trở lại Việt Nam. Thậm chí, nhiều lao động phổ thông ở lại Việt Nam làm việc mà chỉ thông qua visa du lịch, cứ hết hạn lại gia hạn.
Tiếp theo phải kể đến những người nước ngoài là phu nhân, phu quân của những người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự làm việc trên cơ sở thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước có nhu cầu làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Họ cũng được hưởng một số quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự như chồng, vợ họ nhưng trong quan hệ lao động với những người sử dụng lao động tại Việt Nam, họ đứng tên với tư cách cá nhân. Vì vậy, họ cũng phải đảm bảo những điều kiện như những
người lao động nước ngoài khác và phải được cấp Giấy phép lao động.
Ngoài ra, với người nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ, pháp luật không quy định cụ thể là trong thời gian bao lâu. Do vậy, nếu những đối tượng này không báo cáo thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng không thể quản lý, kiểm tra và giám sát được.
Về trình tự tuyển dụng, văn bản hiện hành yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng lao động nước ngoài phải đăng báo tuyển dụng nhưng việc làm này chỉ mang tính hình thức vì có nhiều kênh tuyển dụng, các doanh nghiệp, tổ chức này hoàn toàn có thể thông qua các công ty cung cấp nhân sự, mạng tuyển dụng dịch vụ, các trung tâm giới thiệu việc làm v.v. Khoản 2 Điều 4 Nghị định 34/2008/NĐ-CP lại quy định người sử dụng lao động tuyển người nước ngoài thông qua tổ chức giới thiệu việc làm thì không phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo trung ương và địa phương. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp, tổ chức còn không đăng báo về nhu cầu tuyển dụng. Đây chính là một điểm bất cập để ta có thể kiểm soát được số lượng lao động nước ngoài ngay từ khâu đầu vào.
Theo quy định hiện hành, nhà thầu nước ngoài (thầu chính, thầu phụ) được phép sử dụng lao động nước ngoài nhưng các nhà thầu đã thực hiện không đúng các quy trình tuyển dụng. Có nhiều nhà thầu phụ nước ngoài chưa được cấp Giấy phép thầu nhưng vẫn hoạt động bình thường. Chủ đầu tư thì khoán trắng cho nhà thầu chính. Nhà thầu chính lại thuê nhà thầu phụ. Và mọi hoạt động liên quan đến tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài do nhà thầu phụ tự quyết định và chính quyền địa phương cũng không biết. Do vậy, những nhà thầu phụ này sử dụng bao nhiêu lao động nước ngoài và trình độ của họ thế nào thì nhà thầu chính và chủ đầu tư cũng không biết. Đây chính là sự buông lỏng trong khâu quản lý ở địa phương và chủ đầu tư.