Việt Nam
Quy định này chỉ áp dụng đối với người nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động. Trước khi tuyển dụng, người sử dụng lao động phải đăng báo nhu cầu tuyển dụng, người lao động nước ngoài thấy có nhu cầu và đủ điều kiện thì nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Với những người đáp ứng yêu cầu, người sử dụng lao động sẽ làm thủ tục xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Khi đã có Giấy phép lao động, hai bên tiến hành ký hợp đồng bằng văn bản và người sử dụng lao động gửi một bản sao Hợp đồng lao động tới cơ quan cấp Giấy chứng nhận lao động để quản lý.
Theo quy định, trước khi tuyển lao động ít nhất 30 (ba mươi) ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo Trung ương hoặc địa phương (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử) về các nội dung: số lượng người cần tuyển, công việc, trình độ chuyên môn, mức lương, điều kiện làm việc và một số yêu cầu cần thiết khác nếu người sử dụng lao động cần. Mặc dù vậy, quy định này chỉ mang tính chất hình thức vì có nhiều kênh tuyển dụng, các doanh nghiệp, tổ chức này hoàn toàn có thể thông qua các công ty cung cấp nhân sự, mạng tuyển dụng dịch vụ, các trung tâm giới thiệu việc làm v.v. Hơn nữa, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 34/2008/NĐ-CP
lại quy định người sử dụng lao động tuyển người nước ngoài thông qua tổ chức giới thiệu việc làm thì không phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo trung ương và địa phương. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp, tổ chức còn không đăng báo về nhu cầu tuyển dụng. Đây chính là một điểm bất cập để ta có thể kiểm soát được số lượng lao động nước ngoài ngay từ khâu đầu vào.
Không những vậy, theo quy định pháp luật, chúng ta chỉ tuyển những lao động chuyên môn, trình độ cao mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được nhưng thật khó để chứng minh được việc tuyển người lao động nước ngoài là do không có lao động Việt Nam thay thế. Khi thực hiện thủ tục tuyển dụng, cũng không có quy định nào về hồ sơ, tài liệu chứng minh điều này.
Theo Nghị định 34/2008/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài vào Việt Nam làm việc và người nước ngoài phải nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam do người sử dụng lao động cung cấp, đồng thời phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này không ai kiểm soát được. Thực tế, nhiều chủ sử dụng lao động không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ cho người lao động nước ngoài các quy định pháp luật về quyền và trách nhiệm của cả hai bên và bản thân nhiều người lao động nước ngoài cũng còn xem nhẹ việc nghiên cứu các quy định này, ngay cả khi chủ sử dụng lao động đã cung cấp.
Quy định hiện hành cho phép nhà thầu nước ngoài (thầu chính, thầu phụ) được phép sử dụng lao động nước ngoài nhưng nhiều nhà thầu đã thực hiện không đúng quy trình tuyển dụng. Có nhiều nhà thầu phụ nước ngoài chưa được cấp Giấy phép thầu nhưng vẫn hoạt động bình thường. Chủ đầu tư thì khoán trắng cho nhà thầu chính. Nhà thầu chính lại thuê nhà thầu phụ. Và
thầu phụ tự quyết định và chính quyền địa phương cũng không biết. Do vậy, những nhà thầu phụ này sử dụng bao nhiêu lao động nước ngoài và trình độ của họ thế nào thì nhà thầu chính và chủ đầu tư cũng không biết. Đây chính là sự buông lỏng trong khâu quản lý ở địa phương và chủ đầu tư.